Phát biểu tại Hội đồng Quan hệ đối ngoại, ông Jerome Powell, Chủ tịch Cục dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cho biết, cơ quan này đang vật lộn giữa các bất ổn của thương chiến và các vấn đề khác trong quyết định có cắt giảm lãi suất hay không.
Tuy nhiên, ông Powell khẳng định tính độc lập của Fed một ngày sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tweet rằng, Fed không biết họ đang làm gì?
Trước đó, Chủ tịch Fed St. Louis, James Bullard trong một cuộc phỏng vấn với Bloomberg cho biết, ông không nghĩ Fed cần cắt giảm lãi suất một nửa phần trăm tại cuộc họp chính sách tiếp theo vào cuối tháng 7.
Bên cạnh sự kỳ vọng Fed cắt giảm lãi suất giảm dần, thì khả năng Mỹ - Trung đạt được cái gì đó trong cuộc gặp giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Hội nghị G20 trong tuần này cũng nhỏ nhoi dần.
Cụ thể, một quan chức cấp cao của Mỹ vào cuối ngày thứ Hai đã lo lắng rằng, Mỹ và Trung Quốc sẽ có ít tiến triển trong các cuộc đàm phán trong tuần này, đồng thời cho biết, Tổng thống Donald Trump thoải mái với bất kỳ kết quả nào từ cuộc gặp dự kiến với Chủ tịch Tập Cận Bình tại Hội nghị thượng đỉnh G20 sắp tới tại Nhật Bản.
Ngoài những thông tin trên, dữ liệu kinh tế mới công bố cũng kém tích cực. Theo đó, số liệu mới công bố của Bộ Thương mại Mỹ cho thấy, doanh số bán nhà mới và niềm tin của người tiêu dùng đều thấp hơn kỳ vọng của nhà kinh tế.
Cùng với đó, căng thẳng gia tăng giữa Mỹ và Iran sau khi Mỹ tăng cường các lệnh trừng phạt với quốc gia hồi giáo này, đồng thời ông Trump lại đưa ra lời đe dọa “xóa sổ” với Teheran.
Với những thông tin tác động tiêu cực trên, giới đầu tư đã đẩy mạnh bán ra trên thị trường chứng khoán, khiến phố Wall chìm trong sắc đỏ với 10/11 chỉ số chính của S&P giảm điểm, trong đó mạnh nhất là nhóm cổ phiếu công nghệ và truyền thông.
Kết thúc phiên 25/6, chỉ số Dow Jones giảm 179,32 điểm (-0,67%), xuống 26.548,22 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 27,97 điểm (-0,95%), xuống 2.917,38 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 120,98 điểm (-1,51%), xuống 7.884,72 điểm.
Tương tự, chứng khoán châu Âu cũng giảm điểm trong phiên thứ Ba do ảnh hưởng từ những căng thẳng giữa Mỹ và Iran, kỳ vọng không nhiều vào đàm phán thương mại Mỹ - Trung.
Kết thúc phiên 25/6, chỉ số FTSE 100 tại Anh tăng 5,74 điểm (+0,08%), lên 7.422,43 điểm. Chỉ số DAX tại Đức giảm 46,13 điểm (-0,38%), xuống 12.228,44 điểm. Chỉ số CAC40 tại Pháp giảm 7,14 điểm (-0,13%), xuống 5.514,57 điểm.
Trên thị trường chứng khoán châu Á, việc đồng yên tăng giá, căng thẳng Mỹ - Iran và khả năng không có tiến triển nào trong cuộc gặp mặt Trump - Tập khiến các thị trường trong khu vực đồng loạt quay đầu giảm điểm. Trong đó, chứng khoán Trung Quốc chấm dứt chuỗi 6 phiên tăng liên tiếp còn do áp lực chốt lời và ảnh hưởng của nhóm cổ phiếu ngân hàng khi các khoản vay cho khối doanh nghiệp vừa và nhỏ, vốn dễ bị tổn thương do suy thoái kinh tế gia tăng.
Kết thúc phiên 25/6, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 92,18 điểm (-0,43%), xuống 21.193,81 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 26,07 điểm (-0,87%), xuống 2.982,07 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 327,02 điểm (-1,25%), xuống 28.185,98 điểm.
Trên thị trường vàng, giá kim loại quý này tiếp tục tăng vọt lên mức 1.440 USD/ounce trong phiên Á - Âu, nhưng sau đó hạ nhiệt dần trong phiên Mỹ do áp lực chốt lời và kỳ vọng vào việc Fed giảm lãi suất giảm đi. Tuy vậy, giá kim loại quý này vẫn đóng cửa duy trì mức tăng nhẹ.
Kết thúc phiên 25/6, giá vàng giao ngay tăng 3,8 USD (+0,27%), lên 1.423,0 USD/ounce. Giá vàng giao tháng 8 tăng 0,5 USD (+0,04%), lên 1.418,7 USD/ounce.
Giá dầu thô tiếp tục trái chiều trong phiên thứ Ba, nhưng tình thế đảo ngược lại so với phiên đầu tuần. Dù vậy, mức biến động của giá dầu không lớn do chịu tác động trái ngược giữ lo ngại căng thẳng Mỹ - Iran và khả năng sụt giảm nhu cầu toàn cầu do ảnh hưởng của cuộc chiến thương mại.
Kết thúc phiên 25/6, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) đảo chiều giảm nhẹ 0,07 USD (-0,12%), xuống 57,83 USD/thùng. Giá dầu thô Brent tăng 0,19 USD (+0,29%), lên 65,05 USD/thùng.