Tuần trước, phố Wall, cũng như chứng khoán toàn cầu đã tăng mạnh sau thông báo của ông Trump về việc có cuộc điện đàm “tốt đẹp” với ông Tập và khẳng định 2 ông sẽ gặp nhau tại Hội nghị G20 và trước đó sẽ là các cuộc gặp của những quan chức cấp dưới của 2 bên, thắp lại hy vọng đàm phán thương mại Mỹ - Trung được nối lại.
Tuy nhiên, thị trường đã điều chỉnh nhẹ trong phiên cuối tuần do căng thẳng gia tăng giữa Mỹ và Iran sau khi Iran bắn rơi 1 máy bay không người lái của Mỹ. Tuy nhiên, nguy cơ cuộc xung đột giữa 2 bên tạm thời đã không xảy ra khi ông Trump hủy lệnh tấn công trả đũa Iran chỉ 10 phút trước khi chiến dịch bắt đầu.
Dù vậy, việc trả đũa Iran vẫn được Mỹ tiến hành theo cách khác. Ngay ngày đầu tuần mới, Tổng thổng Mỹ đã ký lệnh gia tăng trừng lãnh tụ tối cao Iran, cùng 8 chỉ huy Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran và Ngoại trưởng Iran Javad Zarif. Tiếp đó, là thông tin ông Trump lệnh tấn công mạng vào Iran và mục tiêu nhắm tới là hệ thống máy tính điều khiển tên lửa phòng không Iran, cùng một nhóm gián điệp chịu trách nhiệm theo dõi các tàu tại eo biển Hormuz.
Về về Iran, quốc gia này cho biết, họ đã chặn thành công hơn 33 triệu đợt tấn công mạng trong năm 2018.
Với những diễn biến trên, giới đầu tư tiếp tục tỏ ra thận trong trong phiên giao dịch đầu tuần mới, khiến các chỉ số chính của phố Wall giằng co, trong đó Dow Jones may mắn đóng cửa trong sắc xanh, S&P 500 tiếp tục giảm nhẹ, còn Nasdaq giảm sâu hơn.
Kết thúc phiên 24/6, chỉ số Dow Jones tăng 8,41 điểm (+0,03%), lên 26.727,54 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 5,11 điểm (-0,17%), xuống 2.945,35 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 26,01 điểm (-0,32%), xuống 8.005,70 điểm.
Tương tự, chứng khoán châu Âu cũng lình xình và đóng cửa ít thay đổi trong phiên đầu tuần khi nhà đầu tư thận trọng chờ đợi các thông tin quan trọng sắp tới, ngoại trừ chứng khoán Đức giảm khá sâu do niềm tin kinh doanh của Đức trong tháng 6 giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 11/2014.
Kết thúc phiên 24/6, chỉ số FTSE 100 tại Anh tăng 9,19 điểm (+0,12%), lên 7.416,69 điểm. Chỉ số DAX tại Đức giảm 65,35 điểm (-0,53), xuống 12.274,57 điểm. Chỉ số CAC40 tại Pháp giảm 6,62 điểm (-0,12%), xuống 5.521,71 điểm.
Trên thị trường chứng khoán châu Á, chứng khoán Nhật Bản và Hồng Kông hồi phục nhẹ trở lại sau phiên điều chỉnh cuối tuần trước, chứng khoán Trung Quốc tiếp tục duy trì đà tăng, nhưng mức tăng ở mức khiêm tốn do nhà đầu tư thận trọng trước Hội nghị G20 diễn ra trong tuần này.
Kết thúc phiên 24/6, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 27,35 điểm (+0,13%), lên 21.285,99 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 6,17 điểm (+0,21%), lên 3.008,15 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 39,29 điểm (+0,14%), lên 28.513,00 điểm.
Trên thị trường kim loại quý, trước những căng thẳng địa chính trị gia tăng khiến nhu cầu trú ẩn an toàn được nhà đầu tư cũng gia tăng theo, kéo giá vàng tiếp tục tăng vọt trong phiên giao dịch đầu tuần mới, lên mức cao nhất 6 năm.
Kết thúc phiên 24/6, giá vàng giao ngay tăng 20,2 USD (+1,44%), lên 1.419,2 USD/ounce. Giá vàng giao tháng 8 tăng 18,1 USD (+1,29%), lên 1.418,2 USD/ounce.
Trong khi đó, giá dầu thô lại có diễn biến trái chiều trong phiên đầu tuần mới khi lo ngại về cuộc chiến giữa Mỹ và Iran giảm bớt, trong khi lo ngại về sụt giảm nhu cầu trở lại khiến giá dầu thô Brent đảo chiều giảm, trong khi giá dầu thô Mỹ lại duy trì đà tăng.
Kết thúc phiên 24/6, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) tăng 0,47 USD (+0,81%), lên 57,90 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giảm 0,34 USD (-0,52%), xuống 64,86 USD/thùng.