Ông Jerome Powell nói trong một cuộc họp báo sau lần tăng lãi suất giữa tuần qua: “Với khả năng phục hồi của nền kinh tế gần đây, Fed không còn dự báo suy thoái nữa”.
Trước đó, tháng 11/2022, Fed cho rằng, suy thoái kinh tế “gần như có thể xảy ra”. Đến tháng 3/2023, sau những biến động trong lĩnh vực ngân hàng được kích hoạt bởi sự sụp đổ của Silicon Valley Bank, Fed dự báo về “một cuộc suy thoái nhẹ”. Hiện tại, Fed có vẻ lạc quan hơn.
Sự thay đổi của Fed sang một kết quả tích cực hơn đối với nền kinh tế phù hợp với việc nâng cấp triển vọng của một số nhà kinh tế trong những tuần gần đây. Họ đã có nhiều tính toán để thừa nhận khả năng phục hồi của nền kinh tế khi đối mặt với mức tăng lãi suất tổng cộng 5,25%/năm của Fed kể từ tháng 3/2022 đến nay. Nhiều người tin rằng, Fed sẽ đạt được mục tiêu “hạ cánh mềm”, tức không diễn ra suy thoái kinh tế.
Thực tế, GDP quý II/2023 tăng 2,4%, cao hơn mức tăng 2% của quý I. Lạm phát được kiểm soát trong suốt quý II khi chỉ số chi tiêu tiêu dùng cá nhân (một thước đo lạm phát ưa thích của Fed) tăng 2,6%, thấp hơn mức tăng 4,1% của quý I. Chi tiêu của người tiêu dùng tăng 1,6% trong quý II, thấp hơn mức tăng 4,2% của quý I nhưng vẫn cho thấy khả năng phục hồi trong bối cảnh lãi suất cao và lạm phát dai dẳng. Tỷ lệ thất nghiệp ở mức 3,6% trong tháng 6/2023, tương đương cùng kỳ năm ngoái.
Việc Fed tăng thêm lãi suất và ông Jerome Powell cho rằng, nền kinh tế cần chậm lại và thị trường lao động suy yếu để lạm phát quay trở lại mục tiêu 2% một cách “đáng tin cậy” không gây bất ngờ với thị trường và đã được lên kịch bản ứng phó từ trước ở cả thị trường chứng khoán và nền kinh tế. Thị trường chứng khoán tiếp tục tăng điểm cho thấy điều đó.
Ông Jerome Powell không đưa ra lời hứa nào về cuộc họp chính sách vào tháng 9 tới, song nếu lạm phát tiếp tục chậm lại và dữ liệu kinh tế yếu đi có thể khiến các nhà hoạch định chính sách phải tạm dừng tăng lãi suất.
Trước đó, Fed bước vào giai đoạn khó khăn trong cuộc chiến chống lạm phát, cân bằng giữa nhu cầu tăng lãi suất hơn nữa với rủi ro đi quá xa của việc tăng lãi suất, nhưng Fed đang tỏ ra hoàn thành nhiệm vụ chống lạm phát mà chỉ gây ra một số tổn thất kinh tế không đáng kể.
“Lạm phát đã giảm từ mức cao nhất của năm ngoái mà không gây thiệt hại nghiêm trọng cho nền kinh tế”, Chủ tịch Fed đánh giá.
“Trường hợp lý tưởng là chúng ta sẽ đạt được lạm phát quay trở lại mục tiêu của mình mà không có một cuộc suy thoái thực sự nghiêm trọng dẫn đến tình trạng mất việc làm ở mức độ cao”, Chủ tịch Fed nói và cho rằng, việc giảm lạm phát có thể đòi hỏi một giai đoạn tăng trưởng dưới xu hướng và một số điều kiện thị trường lao động dịu đi.
Nền kinh tế Mỹ gần đây vẫn sôi động. Điều đó đã được ghi lại trong báo cáo “Beige Book” nhất của Ngân hàng Trung ương về hoạt động kinh tế với các dữ liệu đa dạng như tăng trưởng việc làm liên tục, doanh số bán xe mạnh mẽ, số lượng người tham dự khổng lồ từ bộ phim Barbie mới đến các buổi hòa nhạc của Taylor Swift.
Chủ tịch Fed cho hay, ông vẫn nuôi hy vọng nền kinh tế có thể “hạ cánh mềm”, một kịch bản trong đó lạm phát giảm, tỷ lệ thất nghiệp tương đối thấp và tránh được suy thoái kinh tế.
Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ giảm trong khi giá cổ phiếu tăng và diễn biến trên các thị trường tương lai cho thấy tỷ lệ đặt cược vào lộ trình tăng lãi suất của Fed trong thời gian còn lại của năm 2023 đang ở mức thấp.
Tuy nhiên, ông Kathy Bostjancic, nhà kinh tế trưởng tại Nationwide chia sẻ: “Quan điểm của chúng tôi là Fed có thể sẽ tăng lãi suất trong chu kỳ này, vì lạm phát tiếp tục giảm sẽ dẫn đến chính sách thắt chặt hơn một cách thụ động khi Fed giữ lãi suất quỹ liên bang danh nghĩa ổn định vào năm 2024”.