Fed cho biết trong Báo cáo ổn định tài chính được công bố hôm thứ Hai (8/11) rằng: “Giá tài sản vẫn dễ bị giảm sút nếu tâm lý của nhà đầu tư xấu đi, tiến trình ngăn chặn virus gây thất vọng hoặc sự phục hồi kinh tế bị đình trệ”.
Fed cũng cho biết, các mối đe dọa về stablecoin đang ngày càng gia tăng, sự mong manh trong lĩnh vực bất động sản thương mại của Trung Quốc có thể lan sang Mỹ nếu như xấu đi đáng kể và sự biến động “khó dự đoán” tương tự như cơn sốt meme-stock năm nay có thể trở nên thường xuyên hơn khi các phương tiện truyền thông xã hội ngày càng ảnh hưởng đến các quyết định mua bán của nhà đầu tư.
Trong khi Fed đang lên tiếng cảnh báo về giá tài sản tăng cao, một số nhà kinh tế cho biết, các chính sách của chính ngân hàng trung ương đang đứng sau phần lớn sự gia tăng này.
Khi đại dịch Covid-19 xuất hiện tại Mỹ vào tháng 3/2020, Fed đã cắt giảm lãi suất xuống gần 0 và bắt đầu mua một lượng lớn trái phiếu kho bạc và chứng khoán được bảo đảm bằng thế chấp, điều này đã góp phần vào xu hướng tăng của cổ phiếu và các tài sản khác. Trong khi thị trường chứng khoán từ lâu đã không còn bị ảnh hưởng bởi đại dịch, Fed vẫn giữ nguyên các chính sách khẩn cấp để giúp tình hình việc làm phục hồi vì quá trình này chậm hơn nhiều.
Tuần trước, Fed đã quyết định bắt đầu giảm quy mô mua trái phiếu hàng tháng với lộ trình kết thúc chương trình mua tài sản vào tháng 6/2022 và tăng lãi suất sớm nhất vào cuối năm 2022. Giả sử lạm phát sẽ giảm vào năm tới như Fed theo dự báo, có thể phải mất ít nhất một vài năm nữa cho đến khi lãi suất tiến gần với mức 2,5% - đây là mức được xem là bình thường trong dài hạn.
Báo cáo của Fed cũng nêu bật những rủi ro có thể làm suy yếu hệ thống tài chính và nêu rõ nhiều mối lo ngại đã xuất hiện trong các tài liệu trước đó như "lỗ hổng cấu trúc" trong các quỹ thị trường tiền tệ.
Fed cho biết, những lo lắng tương tự có thể được áp dụng đối với stablecoin - các mã thông báo kỹ thuật số được gắn với các loại tiền pháp định làm nền tảng cho phần lớn giao dịch bằng Bitcoin và các tài sản tiền điện tử khác.
Stablecoin được xem là dễ bị ảnh hưởng và bất kỳ vấn đề nào cũng có thể “trở nên trầm trọng hơn do thiếu minh bạch và các tiêu chuẩn quản trị liên quan đến tài sản hỗ trợ” cho chúng. Tuần trước, Fed đã cùng với Bộ Tài chính Mỹ và các cơ quan khác thúc giục Quốc hội thông qua đạo luật điều chỉnh các stablecoin và nên được giám sát liên tục.
Một lĩnh vực khác khiến Fed lo lắng là bất ổn bất động sản của Trung Quốc và các cơ quan quản lý tập trung vào các công ty có đòn bẩy tài chính cao bao gồm Tập đoàn Evergrande của Trung Quốc.
“Căng thẳng tài chính ở Trung Quốc có thể làm căng thẳng thị trường tài chính toàn cầu thông qua tâm lý rủi ro xấu đi, gây rủi ro cho tăng trưởng kinh tế toàn cầu và ảnh hưởng đến thị trường Mỹ”, Fed cho biết.
Thị trường nhà ở Mỹ cũng thu hút sự chú ý của Fed và Fed lưu ý rằng, giá nhà ở đã tăng nhanh kể từ khi ban hành báo cáo trước đó vào tháng 5. Tuy nhiên, Fed nói rằng, họ không nhìn thấy các loại thông lệ thị trường nguy hiểm đã thúc đẩy cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008.
“Ngay cả trong bối cảnh giá cả tăng nhanh và phổ biến như vậy, hiện tại có rất ít dấu hiệu cho thấy hoạt động đầu tư bất động sản có đòn bẩy cao hoặc sự suy giảm trong các tiêu chuẩn bảo lãnh phát hành”, báo cáo của Fed cho biết.
Báo cáo bao gồm một cuộc khảo sát các công ty môi giới chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty tư vấn chính trị và các công ty khác về những vấn đề mà họ xem là mối đe dọa hàng đầu đối với sự ổn định của thị trường tài chính. Các công ty đã trích dẫn lạm phát dai dẳng, các biến thể Covid-19 kháng vắc xin, rủi ro pháp lý và bất động sản của Trung Quốc, quan hệ của Mỹ với Trung Quốc và tiền điện tử là các mối quan tâm hàng đầu của họ.