Giữ vững niềm tin
Các số liệu thống kê mà Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) vừa công bố cho thấy những tín hiệu ngày càng tích cực hơn của dòng đầu tư nước ngoài vào Việt Nam. Cụ thể, tính tới ngày 20/11/2023, vốn đầu tư nước ngoài đăng ký đạt gần 28,85 tỷ USD, tăng 14,8% so với cùng kỳ năm trước.
“Đây là mức tăng cao nhất kể từ đầu năm”, ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài nhận định và cho rằng, điều này một lần nữa cho thấy, nhà đầu tư nước ngoài vẫn tin tưởng vào tiềm năng của nền kinh tế, cũng như môi trường đầu tư, kinh doanh của Việt Nam.
Thực tế, vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam vẫn phục hồi chưa đều. Bởi lẽ, trong khi cả số dự án và vốn đăng ký mới đều tăng mạnh, tương ứng đạt 2.865 dự án và hơn 16,41 tỷ USD, tăng 58,1% và tăng 42,4%, thì vốn tăng thêm lại giảm tới 32,1%, chỉ đạt hơn 6,47 tỷ USD. Trong khi đó, vốn đầu tư qua góp vốn, mua cổ phần đạt gần 5,97 tỷ USD, tăng 46,4% so với cùng kỳ, mặc dù số lượt giao dịch giảm 4%, chỉ đạt 3.166 lượt giao dịch.
Điều này là dễ hiểu trong bối cảnh dòng đầu tư toàn cầu vẫn tiếp tục gặp khó, do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế và biến động địa chính trị, sự đứt gãy của chuỗi cung ứng toàn cầu. Dẫu vậy, trong khó khăn, Việt Nam vẫn tiếp tục nổi lên là một điểm đến đáng tin cậy.
Trong một báo cáo vừa được công bố, Savills Việt Nam cho rằng, Việt Nam đã nỗ lực vươn lên trên chuỗi giá trị trong nhiều năm và những nỗ lực này đã được đền đáp trong những năm gần đây, với những cơ hội mang lại từ chiến tranh thương mại Mỹ - Trung năm 2019, cùng đại dịch Covid-19. “Điều này đã đẩy nhanh quá trình đa dạng hóa và tái lập nhà máy của các nhà sản xuất điện tử đa quốc gia bên ngoài Trung Quốc đến Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam”, ông John Campbell, Phó giám đốc Bộ phận Dịch vụ công nghiệp (Savills Việt Nam) nói.
Nhìn vào danh mục dự án đầu tư nước ngoài quy mô lớn được cấp chứng nhận đầu tư kể từ đầu năm tới nay, có thể hiểu các nhận định của Savills Việt Nam. LG Innotek tăng vốn thêm 1 tỷ USD, Tập đoàn SK đầu tư dự án sản xuất vật liệu phân hủy sinh học công nghệ cao Ecovance 500 triệu USD ở Hải Phòng; Jinko Solar đầu tư Tổ hợp công nghệ tế bào quang điện 1,5 tỷ USD, Lite-on có dự án 690 triệu USD ở Quảng Ninh. Và mới đây, Luxshare đã tăng vốn thêm 330 triệu USD, JA Solar dốc thêm 378 triệu USD tại Bắc Giang…
Ngân hàng Thế giới (WB), trong Báo cáo Cập nhật kinh tế vĩ mô Việt Nam tháng 10/2023, cũng đánh giá cao việc Việt Nam tiếp tục thành công trong thu hút đầu tư nước ngoài.
Hứa hẹn phục hồi
Thu hút FDI của Việt Nam vẫn ổn định, bất chấp những bất ổn toàn cầu, chủ yếu nhờ niềm tin của các nhà đầu tư nước ngoài vào sự ổn định và cởi mở của Việt Nam.
- Báo cáo Cập nhật kinh tế vĩ mô Việt Nam tháng 10/2023 của WB
Niềm tin của các nhà đầu tư chính là “mỏ neo” lớn nhất, bền vững nhất để kỳ vọng, vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam sẽ tiếp tục phục hồi. Tại Diễn đàn M&A Việt Nam 2023, do Báo Đầu tư tổ chức ngày hôm qua (28/11), điều này cũng được nhấn mạnh.
Nhìn về phía trước, thị trường mua bán - sáp nhập (M&A) Việt Nam đã sẵn sàng cho tăng trưởng vào năm 2024, được hỗ trợ bởi nhiều bước tiến kinh tế và cải cách nhằm thu hút đầu tư nước ngoài, với các giao dịch gia tăng trong các lĩnh vực chính như năng lượng xanh, công nghệ, bất động sản và chăm sóc sức khỏe, được mở rộng do hỗ trợ chính sách và nhu cầu gia tăng”, các chuyên gia của KPMG nhận định.
Nhận định trên có lẽ không chỉ có ý nghĩa đối với riêng hoạt động M&A, mà còn với dòng đầu tư nước ngoài nói chung. Các động thái gần đây cho thấy, dòng đầu tư nước ngoài vào Việt Nam nhiều khả năng sẽ phục hồi tích cực hơn trong năm tới, nhất là khi Việt Nam đang trở thành tâm điểm của chuỗi cung ứng ngành bán dẫn. Ngày càng nhiều nhà đầu tư Âu, Mỹ hướng tới Việt Nam để đầu tư trong lĩnh vực này.
Trong khi đó, các tập đoàn lớn trên thế giới cũng đang tiếp tục bày tỏ sự quan tâm đến thị trường Việt Nam. Tại cuộc gặp với lãnh đạo tỉnh Bình Dương mới đây, ông Horie Masahiro, Tổng giám đốc đại diện Tokyu Corporation (Nhật Bản) cho biết, thời gian tới, Tokyu sẽ tiếp tục đầu tư phát triển nhà ở, đô thị tại Thành phố mới Bình Dương. Cùng với đó, Tập đoàn còn mở rộng sang các lĩnh vực khác như thương mại dịch vụ, cho thuê tòa nhà, phát triển đô thị gắn với giao thông công cộng… Tokyu đang đầu tư dự án Thành phố mới Bình Dương, với quy mô lớn.
Trong khi đó, Tập đoàn Marubeni vừa rót vốn vào Công ty cổ phần Nguyên liệu Á Châu (AIG) và đang lên kế hoạch tiếp tục mở rộng đầu tư tại Việt Nam. Ngân hàng Sumitomo Mitsui Banking Corporation (SMBC) thì vừa hoàn tất thương vụ 1,5 tỷ USD với VPBank…
Sự xuất hiện của các nhà đầu tư này trong thời gian gần đây làm dấy lên nhiều kỳ vọng về “sự trở lại” của các nhà đầu tư Nhật Bản. Trong 2-3 năm trở lại đây, đầu tư của Nhật Bản vào Việt Nam chậm lại đáng kể. Thậm chí, 11 tháng qua, các nhà đầu tư Nhật Bản chỉ đăng ký đầu tư vào Việt Nam 3,1 tỷ USD, đứng thứ 5 trong số các quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư vào Việt Nam. Con số này vẫn đáng ghi nhận, nhưng chưa xứng với tiềm năng và vị thế của nhà đầu tư Nhật Bản, vốn thường giành ngôi vị quán quân hoặc á quân trong số các quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư lớn vào Việt Nam.
Chuyến công du Nhật Bản diễn ra từ ngày 27 đến 30/11 của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng, vì thế, cũng được kỳ vọng sẽ góp phần quan trọng thúc đẩy dòng đầu tư của Nhật Bản vào Việt Nam.
Nhưng không chỉ với Nhật Bản, Việt Nam cũng đang trông chờ các dự án quy mô lớn của Hàn Quốc, Singapore, Trung Quốc và đặc biệt là của các nhà đầu tư Mỹ và châu Âu, trong các lĩnh vực công nghệ cao, công nghệ 4.0.
Thông tin tích cực gần đây, Tập đoàn TAIF (Nga) đang muốn đầu tư một tổ hợp điện khí ở Khánh Hòa. Tập đoàn BOE (Trung Quốc) đang tìm kiếm cơ hội mở rộng nhà máy ở Bà Rịa - Vũng Tàu, với quy mô khoảng 300 triệu USD…
Dòng vốn đầu tư nước ngoài đang tiếp đà tăng tốc để đến với Việt Nam.