FDI "ghi số to, đầu tư ảo" nhìn từ vụ Hải Dương bán Dự án Việt Hòa - Kenmark

Việc UBND tỉnh Hải Dương đã có những động thái xử lý mạnh tay đối với Dự án Khu công nghiệp Việt Hòa - Kenmark để thu hồi nợ lại làm dấy lên mối quan ngại trước việc cho nhà đầu tư nước ngoài vay vốn. Vấn đề đặt ra là phải có biện pháp quản chặt nguồn vốn này.     
Chủ đầu tư Dự án Kenmark bỏ trốn, để lại khoản nợ 67,7 triệu USD. Chủ đầu tư Dự án Kenmark bỏ trốn, để lại khoản nợ 67,7 triệu USD.

Việc doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vay vốn trong nước, thậm chí từng bị ví là “lấy mỡ nó rán nó”, đã được nhắc tới rất nhiều trong thời gian gần đây, khi hàng loạt thông tin được công bố cho thấy, không ít dự án bất động sản của chủ đầu tư nước ngoài chủ yếu dùng vốn huy động của khách hàng, một số doanh nghiệp FDI vay vốn trong nước, làm ăn thất bát, rồi bỏ trốn, để lại khoản nợ không nhỏ.

Đơn cử trong vụ việc của Khu công nghiệp Việt Hòa - Kenmark, năm 2008, ba ngân hàng trong nước đã cho vay 67,6 triệu USD mà đến nay chưa có cách nào đòi được.

Mới đây, để xử lý rốt ráo việc của Khu công nghiệp Việt Hòa - Kenmark, UBND tỉnh Hải Dương đã quyết định giao các chủ nợ định giá để bán khu công nghiệp này thu hồi nợ, cũng như để tạo điều kiện cho nhà đầu tư khác triển khai dự án.

Câu chuyện nằm ở chỗ, pháp luật Việt Nam không cấm doanh nghiệp nước ngoài vay vốn trong nước và cũng không thể làm thế. “Không chỉ ở nước mình, mà ở nước khác cũng thế, cũng cho vay đối với doanh nghiệp FDI. Bây giờ, chúng ta có Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, thì càng không thể phân biệt đối xử”, GS-TSKH Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp FDI nói.

Thậm chí, theo các chuyên gia kinh tế, xu hướng doanh nghiệp FDI vay vốn trong nước còn được dự báo tăng mạnh trong thời gian tới. Cũng là dễ hiểu, ngân hàng cũng là doanh nghiệp kinh doanh, họ sẽ chọn khách hàng tiềm năng nhất, tốt nhất để cho vay, mà về cơ bản, doanh nghiệp FDI đang kinh doanh tốt ở Việt Nam.

Như Báo Đầu tư đã thông tin, hàng loạt ngân hàng Việt Nam thậm chí đã coi doanh nghiệp FDI là một “miếng bánh ngon”, là đối tác khách hàng “giàu tiềm năng”. Tuy nhiên, vẫn có những ý kiến trái chiều về vấn đề này. Dù trên quan điểm của các ngân hàng, rằng dư nợ tín dụng cho khối ngoại hiện chỉ ở mức 100.000 tỷ đồng, quá nhỏ so với tổng dư nợ toàn hệ thống (hơn 5 triệu tỷ đồng), song không ít chuyên gia kinh tế băn khoăn, nếu cho doanh nghiệp ngoại vay vốn thì sẽ ảnh hưởng tới mục tiêu thu hút vốn đầu tư nước ngoài của Việt Nam.

“Đã là vốn đầu tư nước ngoài thì phải là của nước ngoài, như vậy thì mới đúng mục tiêu chúng ta đề ra khi thu hút FDI. Do vậy, nên thắt chặt việc các ngân hàng thương mại cho nhà đầu tư nước ngoài vay để kinh doanh ở Việt Nam”, ông Phan Hữu Thắng, nguyên Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài đã nói như vậy với báo giới và nhấn mạnh việc “vốn” vẫn là tiêu chí quan trọng trong thu hút FDI.

Trong khi đó, cũng có ý kiến cho rằng, việc cho doanh nghiệp FDI vay vốn sẽ vô tình gây nên tình trạng cạnh tranh, giành giật vốn với các doanh nghiệp nội.

Đã là vốn đầu tư nước ngoài thì phải là của nước ngoài, như vậy thì mới đúng mục tiêu chúng ta đề ra khi thu hút FDI. Do vậy, nên thắt chặt việc các ngân hàng thương mại cho nhà đầu tư nước ngoài vay để kinh doanh ở Việt Nam.

Tuy nhiên, trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư về vấn đề này, GS-TSKH Nguyễn Mại cho rằng, Cộng đồng Kinh tế ASEAN đã thành lập, chu chuyển vốn đã tự do hơn, thì không thể đòi hỏi bó hẹp chuyện chỉ cho vay trong nước, cũng không thể cấm việc cho vay doanh nghiệp FDI.

“Điều quan trọng là phải đưa ra các hướng dẫn cụ thể trong việc cho vay cả doanh nghiệp trong nước và nước ngoài, cân đối dòng tiền này, dành cả tiền cho khối nội vay vốn, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, chứ không chỉ là doanh nghiệp FDI hay các tập đoàn lớn”, GS-TSKH Nguyễn Mại nói và cho biết, Tổ chức Tài chính quốc tế (IFC) mới đây đã có một đề xuất rất hợp lý về việc thay đổi quy định thế chấp của ngân hàng. Theo đó, thay vì thế chấp bằng bất động sản như trước đây, có thể chấp nhận thế chấp bằng động sản, như các hợp đồng, tài khoản chưa thanh toán, thương hiệu…

“Đó là cách hợp lý để các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong nước cũng được vay vốn để phát triển”, GS-TSKH Nguyễn Mại nói.

Trong khi đó, liên quan tới câu hỏi về việc cho doanh nghiệp FDI vay vốn khiến mục tiêu thu hút FDI phần nào không còn nguyên giá trị, GS-TSKH Nguyễn Mại cho rằng, phải phân biệt chính sách của Nhà nước về thu hút FDI với kinh doanh tiền tệ. Giai đoạn đầu, Việt Nam ưu tiên thu hút vốn, ưu đãi ngay cả những dự án sử dụng công nghệ lạc hậu, thâm dụng lao động, nhưng thời điểm hiện nay, chúng ta có quyền lựa chọn dự án và tập trung vào mục tiêu nâng cao chất lượng dòng vốn FDI bằng cách thu hút các dự án công nghệ cao, công nghệ hiện đại.

“Hơn nữa, thay vì cứ loay hoay suy tính có nên cho doanh nghiệp FDI vay vốn hay không, hãy có chính sách để thu hút một nguồn lực rất quan trọng khác, đó là kiều hối và vốn đầu tư từ Việt kiều”, GS-TSKH Nguyễn Mại nói và cho biết, từ năm 1991 tới năm 2014, kiều hối chuyển về Việt Nam đã lên tới 92 tỷ USD, cộng thêm vốn đầu tư từ Việt kiều, vốn đầu tư của Việt kiều thông qua các dự án trong nước, thì tổng nguồn vốn này cũng không kém bao nhiêu so với vốn FDI vào Việt Nam trong suốt thời gian qua. Vốn FDI giải ngân tại Việt Nam cho tới thời điểm này khoảng 150 tỷ USD, trừ phần vốn trong nước thì còn khoảng 120 tỷ USD.

“Hai con số trên gần tương đương. Vậy tại sao, trong khi chúng ta xây dựng rất nhiều chính sách để thu hút FDI, thì lại bỏ ngỏ chính sách thu hút kiều hối? Tới đây, FDI và kiều hối sẽ là hai nguồn lực quan trọng để phát triển kinh tế đất nước”, GS-TSKH Nguyễn Mại nói.

Tất nhiên, theo GS-TSKH Nguyễn Mại, trong cho vay các doanh nghiệp FDI, điều quan trọng vẫn phải là thẩm định và giám sát chặt chẽ.

Nguyên Đức
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục