Hải Dương quyết định bán Khu công nghiệp Việt Hòa - Kenmark để thu hồi nợ

Một phương án xử lý tích cực và mạnh tay hơn đã được UBND tỉnh Hải Dương “chốt” để xử lý những tắc nghẽn trong việc triển khai Dự án Khu công nghiệp Việt Hòa - Kenmark. Đó là sẽ bán khu công nghiệp này để thu hồi nợ và dành cơ hội cho nhà đầu tư khác triển khai.     
Đã có động thái mạnh tay hơn trong việc xử lý những khúc mắc liên quan tới Dự án Khu công nghiệp Việt Hòa - Kenmark. Ảnh: Đức Thanh Đã có động thái mạnh tay hơn trong việc xử lý những khúc mắc liên quan tới Dự án Khu công nghiệp Việt Hòa - Kenmark. Ảnh: Đức Thanh

Phương án xử lý chính thức đang được UBND tỉnh Hải Dương giao cho Ban quản lý Khu công nghiệp Hải Dương xây dựng và trình lãnh đạo UBND tỉnh thông qua. Tuy nhiên, theo nguồn tin riêng của Báo Đầu tư, thì sau cuộc làm việc mới đây giữa UBND tỉnh Hải Dương với các bên liên quan trong Dự án Khu công nghiệp Việt Hòa - Kenmark, việc bán khu công nghiệp này phải được thực hiện trong thời gian tới.

“Dự án đã để quá lâu mà chưa được xử lý, trong khi đó, Việt Hòa - Kenmark lại giữ một vị trí rất đắc địa trong thu hút đầu tư của Hải Dương. ‘Cục máu đông’ này cần phải được giải quyết nhanh để tạo cơ hội cho các nhà đầu tư khác”, vị này nói và cho biết, thực tế trước đây, việc rao bán Khu công nghiệp Việt Hòa - Kenmark đã được thực hiện nhưng bất thành. Sau 6 năm thương thảo, chưa có nhà đầu tư nào đồng ý mua lại khu công nghiệp trên và món nợ ngàn tỷ (67,6 triệu USD) mà chủ đầu tư khu công nghiệp này vay của các ngân hàng Việt Nam vẫn “treo” ở đó.

“Không phải là không có nhà đầu tư nào muốn mua, mà trước đây, chủ đầu tư định giá và rao bán dự án. Do họ định giá cao và thương thảo không được, nên việc bán dự án chưa thực hiện được. Nay việc định giá sẽ được giao cho các chủ nợ, nên chắc chắn sẽ có những mức giá hợp lý hơn”, nguồn tin của Báo Đầu tư cho biết.

Như vậy, dù vẫn còn phải chờ đợi phương án cuối cùng từ Ban quản lý Khu công nghiệp Hải Dương, song ít nhiều, lần này, Hải Dương đã có động thái mạnh tay hơn và cương quyết hơn trong việc xử lý những khúc mắc liên quan tới Dự án Khu công nghiệp Việt Hòa - Kenmark.

Cũng cần phải nhắc lại rằng, được cấp chứng nhận đầu tư từ năm 2005, chủ đầu tư Dự án (là Kenmark, Đài Loan) đã cam kết dốc 500 triệu USD để biến khu đất này thành một khu công nghiệp quy mô lớn, bao gồm cả một khu đô thị. Theo kế hoạch, giai đoạn I, Kenmark sẽ đầu tư khoảng 98 triệu USD và trên thực tế cũng đã giải ngân được 44 triệu USD.

Tuy nhiên, tới năm 2010, chủ đầu tư bất ngờ bỏ về nước, Dự án ngừng triển khai và bỏ hoang từ đó tới nay. Những bất đồng giữa Kenmark và hai nhà đầu tư Malaysia vừa góp vốn xây dựng khu công nghiệp này, vừa có dự án thứ cấp tại đây, được cho là một trong những nguyên nhân chính khiến kế hoạch phát triển Khu công nghiệp Việt Hòa - Kenmark đổ bể.

Bởi thế nếu đi dọc đường 5 từ Hà Nội về Hải Phòng hiện nay, sẽ thấy một khu công nghiệp rộng lớn nằm ngay bên trái cửa ngõ vào TP. Hải Dương đang bỏ hoang, “trơ gan” cùng tuế nguyệt, cho dù hạ tầng khu công nghiệp này cũng đã được xây dựng khá khang trang. Tường rào bao quanh chắc chắn, một số khu nhà xưởng cho thuê cũng đã được xây dựng, hệ thống giao thông nội khu, hệ thống cấp điện, nước, đèn chiếu sáng khá hoàn thiện, chỉ tiếc rằng, cả Khu công nghiệp Việt Hòa - Kenmark không có một nhà máy nào hoạt động, thậm chí còn bỏ không, lãng phí vô cùng.

Nếu đi dọc đường 5 từ Hà Nội về Hải Phòng hiện nay, sẽ thấy một khu công nghiệp rộng lớn nằm ngay bên trái cửa ngõ vào TP. Hải Dương đang bỏ hoang, “trơ gan” cùng tuế nguyệt.

Thêm nữa, như Báo Đầu tư đã đưa tin, câu chuyện không kém phần quan trọng trong việc xử lý Dự án Khu công nghiệp Việt Hòa - Kenmark chậm triển khai còn nằm ở khoản nợ 67,6 triệu USD (tương đương 1.500 tỷ đồng) mà chủ đầu tư Dự án vay của ba ngân hàng Việt Nam (là BIDV, SHB và Habubank). Trong đó, BIDV chi nhánh Thành Đô cho vay tới 39,1 triệu USD, SHB Quảng Ninh cho vay 18,5 USD, còn Habubank Bắc Ninh cho vay 10 triệu USD. Sau này, khi Habubank sáp nhập SHB, thì khoản nợ của Habubank được tính cho SHB.

Một con số không hề nhỏ, do vậy, khi Kenmark về nước, các ngân hàng như ngồi trên đống lửa, tìm cách xử lý. Thời điểm đó, các phương tiện truyền thông đã tốn không biết bao nhiêu giấy mực để phản ánh sự kiện này. Việt Hòa - Kenmark thậm chí đã bị coi như một ví dụ điển hình cho tình trạng nhà đầu tư nước ngoài bỏ trốn, để lại nợ nần và rất nhiều hệ lụy.

Nhưng vẫn còn may rằng, Chủ tịch của Kenmark là ông Hwang Ding Kuo thường bay qua bay lại để xử lý vụ việc. Và để xử lý vướng mắc, phương án được thống nhất giữa các bên, bao gồm chủ đầu tư, ngân hàng cho vay và cơ quan quản lý địa phương, là sẽ bán Dự án để ngân hàng thu hồi nợ. Tuy nhiên, 6 năm đã qua đi và mặc dù cũng đã có những nhà đầu tư tìm tới bày tỏ ý định mua bán, song mọi cuộc thương thảo bất thành. Lý do cơ bản nhất, theo nguồn tin của Báo Đầu tư, đó là các bên không thể thống nhất được mức giá chuyển nhượng.

Nay nếu việc định giá được trao cho bên chủ nợ, mọi chuyện sẽ trở nên đơn giản hơn nhiều. Dù vậy sẽ còn rất nhiều phần việc phải giải quyết. Từ chuyện định giá thế nào cho hợp lý, lựa chọn nhà đầu tư nào để bán, rồi giải quyết vấn đề công nợ đối với từng ngân hàng ra sao, hoàn trả phần đã đầu tư cho chủ đầu tư thế nào… Tiếp đó, sẽ là chuyện khởi động lại Dự án và thu hút nhà đầu tư thứ cấp…

Nói vậy để thấy rằng, không dễ dàng để xử lý “cục máu đông” Việt Hòa - Kenmark. Trước mắt vẫn còn món nợ ngàn tỷ nằm đó và đất đai vẫn bỏ hoang kéo dài…

Nguyên Đức
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục