Facebook hôm 17/2 phát đi thông báo rằng người dùng và các đơn vị xuất bản tin tức tại Australia sẽ không thể chia sẻ và xem tin tức từ các tờ báo và đơn vị truyền thông địa phương và quốc tế trên nền tảng của họ. Động thái này được xem là phản ứng của Facebook đối với dự luật của Australia về việc bắt buộc các nền tảng công nghệ trả phí cho các đơn vị xuất bản tin tức khi đăng tải nội dung của họ.
Bà Campbell Brown, Phó chủ tịch phụ trách quan hệ đối tác tin tức toàn cầu của Facebook, cho biết trong một bài viết đăng trên blog: "Những gì mà dự luật của Australia không công nhận là bản chất cốt lõi trong mối quan hệ giữa nền tảng của chúng tôi và các đơn vị xuất bản tin tức".
"Trái ngược với những gì một số người đã đề xuất, Facebook không đánh cắp nội dung tin tức. Các đơn vị xuất bản tự chọn chia sẻ câu chuyện của họ trên Facebook", bà Brown bình luận.
"Tôi hy vọng trong tương lai, chúng tôi lại có thể tiếp tục đăng tải tin tức cho những người dùng ở Australia", Phó chủ tịch Facebook bày tỏ.
Trong phiên điều trần tại Thượng viện Australia hồi tháng 1, Facebook thẳng thắn tỏ rõ quan điểm rằng họ có thể chặn nội dung ở Australia nếu dự luật trở thành luật. Cũng tại phiên điều trần tương tự, Google cũng dọa sẽ đóng cửa hoàn toàn công cụ tìm kiếm của mình tại Australia.
Thế nhưng, trước khi Facebook phát đi thông báo hôm 17/2, Google đánh tiếng rằng họ đang đi theo hướng ngược lại, tức là thay vì rời thị trường Australia, "gã khổng lồ tìm kiếm" Google dường như muốn làm sâu sắc thêm mối quan hệ với các đơn vị xuất bản ở thị trường này.
Bằng chứng là Google và News Corp (NWS) - Tập đoàn truyền thông của "ông trùm" truyền thông Rupert Murdoch - đã công bố một thỏa thuận hợp tác kéo dài 3 năm. Theo đó "gã khổng lồ tìm kiếm" sẽ trả phí nội dung cho News Corp. News Corp hiện nắm trong tay nhiều đơn vị truyền thông tại Australia cũng như một số tờ báo tại Vương quốc Anh và tờ Wall Street Journal, New York Post ở Mỹ.
Bộ trưởng Tài chính Australia Josh Frydenberg hôm nay 18/2 lên tiếng cho rằng động thái chặn người dùng tìm kiếm và chia sẻ tin tức của Facebook càng bất lợi cho sự hiện diện của nền tảng công nghệ này tại Australia, đồng thời ông Josh Frydenberg đánh giá việc xây dựng luật nói trên là cải cách pháp lý "quan trọng" tại Australia.
Còn Thủ tướng Australia Scott Morrison chỉ trích động thái trên của Facebook và cho rằng nó làm ảnh hưởng đến "các dịch vụ thông tin thiết yếu về y tế và dịch vụ khẩn cấp" - những thứ mà đều bị chặn chia sẻ bài đăng trên Facebook.
Đăng tải trên trang Facebook cá nhân, Thủ tướng Morrison viết: Những hành động này (của Facebook) sẽ chỉ làm rõ mối lo ngại rằng ngày càng nhiều quốc gia quan ngại về hành vi của các công ty Big Tech - các đế chế công nghệ tự cho rằng họ lớn lao hơn cả các chính phủ.
"Họ có thể đang thay đổi thế giới, nhưng không có nghĩa là họ điều hành thế giới", Thủ tướng Morrison ám chỉ Facebook.
Ý tưởng buộc các công ty công nghệ trả tiền cho nội dung đăng tải trên nền tảng của họ được nhiều đơn vị xuất bản tin tức và hãng truyền thông ủng hộ. "Ông trùm" truyền thông Murdoch và Tập đoàn News Corp của mình đều có tên trong danh sách những người ủng hộ quyết liệt ý tưởng này.
Cuộc chiến giữa các công ty Big Tech và các chính phủ muốn kiểm soát mạng xã hội và các nền tảng công nghệ, ngày càng nóng lên, khi các cơ quan chức năng ở Mỹ, Australia, và một số quốc gia khác xem xét ban hành các luật mới yêu cầu trả phí đăng tải nội dung.