Facebook đối diện thử thách “tuổi trưởng thành”

(ĐTCK) Trong tuần trước, Facebook chính thức trở thành “người trưởng thành”.
Facebook đối diện thử thách “tuổi trưởng thành”

Nghe có vẻ kỳ quặc khi nói rằng, công ty lớn thứ tư trên thế giới tính theo giá trị thị trường đến giờ mới trưởng thành. Tuy nhiên, những ngày vừa qua có thể xem là quãng thời gian tồi tệ nhất của Facebook từ trước tới nay và sẽ là những khó khăn mà một người trưởng thành phải trải qua.

Theo đó, Công ty phải đối mặt với việc một nhánh những người truyền giáo tại Nga sử dụng Facebook để khuấy động bất động quan điểm tại xã hội Mỹ, bị chỉ trích về các nội dung tôn giáo cực đoan tại Myanmar và làm tổn thương người dùng khi để xuất hiện những dòng mô tả mang tính thù hằn.

Chưa kể, trước đây, Facebook đã đưa ra quy định để đảm bảo quyền lợi của CEO Mark Zuckerberg tại Công ty ngay cả khi ông bán đi số lượng cổ phiếu lớn để làm từ thiện. Các cổ đông đã khiếu kiện và vừa giành chiến thắng, khiến Facebook buộc phải bãi bỏ quy tắc này vào ngày 22/9.

Diễn biến trên sẽ tác động tới quyền lực của vị CEO này trong dài hạn và làm dấy lên không ít lo ngại về sức mạnh của người đứng đầu tại Công ty.

Theo các chuyên gia kinh tế, những sự việc trên tương tự như trận mưa thiên thạch “nóng bỏng” mà mỗi công ty đều phải trải qua khi trở nên to lớn, quyền lực và giàu có. Đó là tình trạng doanh nghiệp liên tục phải chống đỡ trước những phàn nàn, chỉ trích từ chính trị gia, truyền thông, khách hàng, nhà cung cấp, nhà quản lý, nhà đầu tư và bất kỳ ai khác, dù nguyên do có hợp lý hay không.

Điều này từng xảy ra với Exxon Mobil vào những năm giữa thập niên 2000 khi giá dầu lên mức đỉnh và thế giới bắt đầu lo lắng về biến đổi khí hậu. Goldman Sachs cùng những nhà băng lớn khác cũng chịu áp lực tương tự trong thời kỳ khủng hoảng kinh tế năm 2008. Và hiện tại, đến lượt Facebook bước vào trận địa của mình.

Điều khiến một công ty trưởng thành chính là chất lượng của những biện pháp đối phó với mỗi thử thách. Trong tuần qua, Facebook đã chậm trễ trong việc hồi đáp trước những phản ánh của các thành viên thị trường và khách hàng về trách nhiệm của Công ty đối với dịch vụ mà mình cung cấp. CEO Zuckerberg chỉ lên tiếng thừa nhận một điều rõ ràng: Facebook có thể là một công cụ trong tay người tốt, đồng thời mang sức mạnh phá hủy trong tay kẻ xấu.

Tuy nhiên, điều này đã phần nào cho thấy sự “lớn lên” trong suy nghĩ của một CEO và công ty non trẻ. Bởi bước đầu tiên để trưởng thành chính là chấp nhận việc hành động hoặc không hành động của doanh nghiệp có thể để lại hậu quả đáng kể cho cuộc sống của con người, thậm chí là vận mệnh quốc gia, điều mà Facebook đã phủ nhận trong một thời gian dài.

Trước đó, vào tháng 11/2016, trong giai đoạn nóng bỏng tranh cử ứng cử viên tổng thống, CEO Mark Zuckerberg đã bối rối phủ nhận vai trò của Facebook trong việc lan truyền các thông tin độc hại, thiếu chính xác về các ứng cử viên.

“Tôi nghĩ rằng, tin giả trên Facebook ảnh hưởng đến cuộc bầu cử dù theo bất kỳ cách nào cũng khá điên rồ”, Zuckerberg nói.

Đây là cách bào chữa không thuyết phục. Làm sao mạng xã hội này lại không nhận thức được sức mạnh của mình trong việc ảnh hưởng tới cách nhìn của người dùng về một vấn đề xã hội, một ứng cử viên trong cuộc bầu cử. Ngay sau phát biểu này của CEO Facebook, cựu tổng thống Mỹ Barack Obama đã lên tiếng thúc giục Zuckerberg có hành động nghiêm túc hơn về những vấn đề nổi cộm trên Facebook: Lạm dụng thông tin, lan truyền tin giả, đánh lạc hướng người dùng.

Tuy nhiên, tình trạng không chấp nhận sự thật trên tại Facebook chỉ thực sự chấm dứt vào cuối tuần trước, khi Zuckerberg lên tiếng: “Tôi không muốn bất kỳ ai sử dụng công cụ của chúng tôi để phá hoại nền dân chủ”. Và như vậy, Facebook đã trưởng thành khi nhận thức được không phải ai trong 2 tỷ người dùng mạng xã hội này hàng tháng cũng có trái tim thánh thiện. Một số khách hàng đang xem Facebook là công cụ để lan tỏa sự thù hằn, bóp méo ý kiến của người khác và tác động tới các tin tức kinh tế vì mục đích cá nhân.

Hiện tại, 6 công ty giá trị vốn hóa lớn nhất thế giới đều nằm trong ngành công nghệ. Không giống như những ảnh hưởng của giá dầu ở mức 100 USD/thùng, tác động của công nghệ tới mọi mặt đời sống kéo dài hơn, mạnh mẽ hơn. Điều này đồng nghĩa với việc, hàng tá trách nhiệm của “người trưởng thành” đang đặt trên vai Facebook và không hề có con đường lùi.

Lam Phong (Theo báo chí nước ngoài)

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục