Theo Financial Times, giới chính trị gia ở cả hai bờ Đại Tây Dương đang đồng loạt gây sức ép buộc nhà đồng sáng lập Facebook Mark Zuckerberg ra điều trần trước Quốc hội vì hàng loạt bê bối mà mạng xã hội lớn nhất thế giới bị phanh phui thời gian qua. Cùng lúc đó, các nhà chức trách của Mỹ, EU và Anh cũng cho biết họ đang chuẩn bị tiến hành điều tra Facebook.
"Họ có nhiều vấn đề. Họ có thể sẽ có cách bào chữa, nhưng tôi nghĩ họ sẽ bị điều tra một cách gắt gao", David Vladeck, cựu Giám đốc Cục bảo vệ Người tiêu dùng của Ủy ban Thương mại Liên bang Mỹ, nhận định.
Scandal mới nhất của Facebook xuất phát từ việc công ty phân tích Cambridge Analytica bị cáo buộc đã sử dụng một ứng dụng để lén thu thập dữ liệu của 50 triệu người dùng Facebook. Đây cũng là công ty cung cấp dịch vụ phân tích dữ liệu cho chiến dịch tranh cử Tổng thống Mỹ của Donald Trump năm 2016.
Các thông tin được thu thập bao gồm danh sách người dùng đăng ký sử dụng ứng dụng trên Facebook, ngày sinh cùng với danh sách bạn bè của họ.
Christopher Wylie, chuyên gia dữ liệu từng làm việc tại Cambridge Analytica, tiết lộ công ty đã đầu tư tới một triệu USD cho chiến dịch khai thác dữ liệu trên, trong đó công việc chính là "thu thập hồ sơ của hàng triệu người Mỹ và xây dựng nội dung nhắm vào tâm lý của họ".
Ngày 17/3, Facebook tuyên bố tạm ngưng dịch vụ của Cambridge Analytica vì "vi phạm điều khoản dịch vụ và sẽ điều tra xem có đúng dữ liệu được xóa hay chưa".
Dù vậy, Facebook không coi đây là một vụ rò rỉ thông tin bởi người dùng đã biết và chấp thuận những thông tin mà họ cung cấp trên ứng dụng.
Ủy ban Chứng khoán và Hối đoái Mỹ từng than phiền về việc các công ty Mỹ phớt lờ, ém nhẹm việc họ bị tấn công mạng, hoặc bị rò rỉ thông tin cho bên thứ ba trong các báo cáo định kỳ.
Một đai diện của Ủy ban cho biết ông sẽ không bất ngờ nếu các cổ đông kiện Facebook, nhất là khi cổ phiếu của mạng xã hội này vừa mất giá tới 7% chỉ trong một ngày (19/3).
David Vladeck, cựu quan chức của Ủy ban Châu Âu, khẳng định "việc sử dụng trái phép thông tin cá nhân của người dùng Facebook vào mục đích chính trị, nếu được chứng thực, là hoàn toàn không thể chấp nhận".
Theo Washington Post, Vladeck cho rằng Facebook về lý thuyết có thể bị phạt 40.000 USD/người dùng bị lộ thông tin, tức nếu nhân lên với 50 triệu người thì sẽ là số tiền khổng lồ. Điều này thực tế sẽ không xảy ra, nhưng nếu bị phạt thì con số cũng sẽ rất nặng nề với Facebook.
Cuộc khủng hoảng mang tên Cambridge Analytica xảy ra đúng thời điểm mạng xã hội lớn nhất thế giới đang bị chỉ trích và đặt nghi vấn về sự can dự của nó vào các kết quả bầu cử.
Năm nay, EU sẽ ban hành các quy định bảo vệ dữ liệu mới ngặt nghèo hơn, và nếu chiếu theo đó, Facebook có thể sẽ bị phạt tới 4% doanh thu toàn cầu do những vi phạm của mình.
Tạp chí Vanity Fair thậm chí đặt câu hỏi liệu có hay không mối liên hệ giữa vụ bê bối "quảng cáo từ người Nga" với Cambridge Analytics. Công ty mẹ của Cambridge Analytics là SCL Group từng gặp gỡ các đại gia dầu lửa của Nga để tư vấn về việc "chạy các quảng cáo và diễn đàn tập trung tại Mỹ".
Mạng lưới người dùng khổng lồ, những dữ liệu mà người dùng "hồn nhiên" chia sẻ cho mạng xã hội này chính là mỏ vàng để Facebook và những kẻ có ý đồ khai thác. Không phải vô cớ mà một chiến dịch #DeleteFacebook đang được phát động khắp thế giới.