1. Cậu bạn cùng lớp cấp 3 của tôi không còn tham gia nhóm chat chung của lớp sau “một năm kinh tế buồn” - như cậu bảo.
Buồn cũng phải, bởi 2 năm trước, bỏ công việc đang ổn định ở một ngân hàng, cậu bạn quyết định “khởi nghiệp” kinh doanh bất động sản sau khi “lướt sóng” thành công mấy lô đất, thu về vài tỷ tiền lãi. Tậu nhà, tậu xe rất khí thế, nhưng rồi cơn lốc tiền ảo, chứng khoán đã cuốn phăng những thành quả vài năm vừa qua của gia đình cậu.
Xoay sang bán hàng online, vợ chồng cậu cũng gặp nhiều trục trặc, bởi đây là lĩnh vực mới, chưa có hiểu biết đầy đủ về các nền tảng công nghệ, mô hình bán hàng, hàng nhập về chất đống mà bán cắt lỗ cũng chẳng ai mua.
Chẳng thể ngờ rằng, chỉ 2 năm trước, cậu vốn được xem như chuyên gia “biết tuốt” của lớp. Chỉ cần nghe ai đó nói đang ngắm nghía một mảnh đất, cậu có thể phán ngay, đại loại “khu vực đó đã tăng vài lần kể từ đầu năm và sẽ tiếp tục tăng mạnh khi có dự án trung hành chính mới ngay gần đó”.
Trong câu chuyện với bạn bè, cậu luôn hào hứng chia sẻ cách bám sóng, vào tiền, xoay vốn, rồi đủ thứ chuyện trên đời về đất đai, tài chính…
Thế hệ GenZ gần đây có câu cửa miệng “Không gì không làm được, chỉ sợ không dám liều”. Ấy vậy nên giai đoạn 2020 - 2022, mới có sự lên ngôi của nhiều cái “đầu lạnh” trong đầu tư như cậu bạn tôi.
Giai đoạn dịch bệnh Covid-19, bạn tôi tham gia một nhóm đầu tư, những người này rất giỏi đón các cơn sốt đất ở nơi này, nơi kia.
Tất nhiên, không phải lúc nào cũng may mắn “mua thấp, bán cao”, nhưng như cậu nói với phong cách đầu tư “đánh cả cụm” thì không bao giờ sợ lỗ, bởi lỗ lô này lại bù được lô khác, nhất là với những nhà đầu tư tham gia chân sóng ngay từ đầu như cậu. Kể cả với kênh chứng khoán, vàng hay tiền ảo, so với các thế hệ nhà đầu tư trước, nhóm đầu tư của bạn tôi cũng vào sóng rất quyết liệt.
Triển vọng nền kinh tế trong nước năm 2024 được dự báo sáng sủa hơn |
Một trong những phong cách dễ thấy nhất, với sự “hung hãn” của nhóm nhà đầu tư mới - không sợ trời, sợ đất, hoặc chưa kịp biết sợ, không ít lần, đội nhà đầu cơ, lái hàng còn bị cướp hàng, bị F0 “quật ngược” cho xây sẩm mặt mày. Thị trường lên cũng khiến nhiều nhà đầu tư lâu năm, theo “hệ giá trị” có những phút xao lòng và tự đặt ra câu hỏi: “Liệu phương pháp của mình có còn đúng?”.
Chỉ cần nhìn vào số liệu tài khoản cá nhân mở mới theo ghi nhận của Tổng công ty Lưu ký và Bù trừ chứng khoán Việt Nam (VSDC) trong giai đoạn thị trường chứng khoán thăng hoa giai đoạn 2021 - 2022, có thể thấy sự nhập cuộc mạnh mẽ của thế hệ nhà đầu tư mới đã tạo ra cho thị trường bước phát triển như thế nào.
Dù sau đợt sụt giảm của thị trường từ tháng 9/2022, số lượng tài khoản mở mới của nhà đầu tư cá nhân trong nước cũng sụt giảm, nhưng hiện tại, không ai có thể phủ nhận dấu ấn của F0, đặc biệt là nhóm nhà đầu tư thuộc thế hệ 9x.
Thậm chí, theo góc nhìn của Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), trong phần lớn thời gian của năm 2024, dòng tiền từ nhà đầu tư cá nhân trong nước sẽ là người tham gia chính của thị trường. Điều này có thể khiến thị trường biến động nhanh và mạnh, theo cả chiều tăng và chiều giảm.
2. Tất nhiên, sau nhiều cú vấp ngã trên thị trường, ở nhóm nhà đầu tư F0, mức độ “sung” và “liều lĩnh” đã giảm bớt. Kiến thức và kinh nghiệm được bồi đắp khiến họ có sự chắt lọc, chỉn chu hơn trong đầu tư. Tuy nhiên, điểm khác biệt quan trọng với thế hệ nhà đầu tư trước là họ coi đầu tư tài chính như một phần tất yếu của cuộc sống, là cơ hội để tích lũy được một lượng tài sản trang trải cho nhu cầu sống ngày càng cao hơn, nhanh đạt tới mục tiêu tự do tài chính.
Lê Quang Mạnh, một nhà đầu tư thuộc thế hệ 9x chia sẻ: “Những nhà đầu tư mới tham gia thị trường từ 2 năm trước như tôi cũng đã trưởng thành, có thể tự đề kháng trước những lời hô hào, tự ra quyết định và tự chịu trách nhiệm”.
Mạnh cho hay, phong trào lập hội nhóm để “lùa gà” với những phân tích “bùi tai”, những bằng chứng cổ phiếu tăng giá mạnh, hay những lời cám ơn của các thành viên đang “ăn lồi mồm” trong nhóm mà không thể biết được là nick thật hay giả đã qua rồi. Các nhà đầu tư cá nhân hiện nay đã tỉnh táo hơn rất nhiều.
Đến một thời điểm đủ trưởng thành, các nhà đầu tư sẽ dửng dưng với các hội nhóm, diễn đàn, nếu có tham gia cũng chỉ để “bắt mạch” cảm xúc, suy nghĩ của đám đông và tìm cách kiếm lời từ nó, hơn là để bị cuốn theo.
3. Trong lúc chuẩn bị tư liệu viết bài này, tôi lại có thêm cuộc gặp với vài người anh quen từ thời mới ra trường. Câu chuyện với các anh xoay quanh chủ đề thị trường nhà đất, chứng khoán, về thế hệ nhà đầu tư mới.
Sự khác biệt về điều kiện kinh tế - xã hội đã dẫn tới sự khác biệt về suy nghĩ, phong cách sống và làm việc của các thế hệ. Sinh ra và lớn lên trong giai đoạn đất nước phát triển, được thừa hưởng nền tảng tài chính tốt hơn, cơ hội việc làm và kiếm sống cũng nhiều hơn đã khiến thế hệ GenZ dám thử sức ở những lĩnh vực mới và đầu tư tài chính nằm trong số đó. Đây có thể xem là động lực cho thị trường.
Có lẽ xung quanh những câu chuyện làm giàu của thế hệ F0, không tránh khỏi những tình huống thiên về mạo hiểm, liều lĩnh. Nhưng những vấp ngã, thất bại hôm nay sẽ trở thành những bài học kinh nghiệm quý cho tương lai.
Trở lại câu chuyện của cậu bạn cùng lớp, trong lần gặp mới đây, sau những chia sẻ về tình cảnh hiện tại, cậu hé lộ sẽ quay lại với đầu tư tài chính - lĩnh vực sở trường mấy năm trước.
Cậu bảo, kinh tế thế giới và trong nước có triển vọng sáng sủa hơn năm cũ, những yếu tố tiêu cực nhất với thị trường chứng khoán đã qua đi. Nhà đầu tư đã quen và sẵn sàng tâm lý cho những điều xấu nhất, vì vậy, thị trường chứng khoán năm 2024 sẽ bước vào giai đoạn bình ổn và phục hồi. “Nếu biết chọn lọc, cơ hội tìm kiếm lợi nhuận là có, nhất là có chiến lược đầu tư hợp lý”, cậu tin tưởng.