Để chốt nhân sự HĐQT ngân hàng này trong kỳ ĐHCĐ bất thường tới đây, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã chỉ đạo Eximbank kiểm tra, rà soát một số thông tin liên quan đến quyền đề cử và ứng cử của các nhóm cổ đông để báo cáo trước khi cơ quan này phê duyệt nhân sự bầu bổ sung HĐQT. Đó cũng chính là lý do vì sao Eximbank bất ngờ hoãn ĐHCĐ theo kế hoạch dự kiến diễn ra trong ngày 2/8. Hiện ngân hàng này chưa xác định được ngày sẽ tái tiến hành ĐHCĐ bất thường mà trước mắt tập trung thực hiện chỉ đạo nói trên.
Ông Ngô Thanh Tùng, thành viên HĐQT Eximbank cho biết, HĐQT Ngân hàng đang trong quá trình kiểm tra, rà soát lại một số thông tin liên quan đến quyền đề cử, ứng cử của các nhóm cổ đông để báo cáo trước khi NHNN phê duyệt nhân sự đề cử, ứng cử bầu bổ sung thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2015 - 2020.
"Ai đi, ai ở không quá quan trọng, vấn đề là làm thế nào để có thể đưa hoạt động Eximbank ngày một tốt hơn"
- Ông Ngô Thanh Tùng, thành viên HĐQT Eximbank.
Tuy nhiên, HĐQT Eximbank cũng không cho biết thời gian cụ thể để rà soát hồ sơ và danh sách thành viên HĐQT theo yêu cầu và chốt được thời điểm tiến hành ĐHCĐ bất thường lần 3 sau hai lần thất bại vào 29/4 và 24/5, cùng một lần hoãn tổ chức vào ngày hôm qua (2/8).
Nguyên nhân chủ yếu khiến hai lần ĐHCĐ Eximbank thất bại là do chưa tìm được sự đồng thuận giữa các nhóm cổ đông lớn của Ngân hàng. Cụ thể, tại ĐHCĐ lần thứ nhất diễn ra vào ngày 29/4, nhóm cổ đông nắm giữa trên 10% cổ phần có tham dự nhưng không đăng ký nên tỷ lệ tham dự không đủ để Eximbank có thể tiến hành ĐHCĐ theo luật là 65%. Đến ĐHCĐ thường niên lần 2 diễn ra vào ngày 24/5, tỷ lệ cổ đông đăng ký tham dự đủ để thực hiện, nhưng đến phút cuối đại hội phải hủy việc kiểm phiếu thông qua các tờ trình. Trước thực trạng này, để ổn định được vấn đề nhân sự cấp cao trong HĐQT Eximbank đòi hỏi phải tìm được sự đồng thuận giữa các nhóm cổ đông lớn.
Theo ông Ngô Thanh Tùng, các nhóm cổ đông cần ngồi lại với nhau. Tất cả những thành viên trong HĐQT Eximbank hiện rất nỗ lực để làm tròn trách nhiệm của mình. Vì thế, trước thông tin một nhóm cổ đông nắm giữ trên 10% cổ phần đòi miễn nhiệm HĐQT đương nhiệm khiến nhiều người tò mò. Tuy nhiên, ông Tùng cho rằng, ai đi, ai ở cũng không quá quan trọng, vấn đề là làm thế nào để có thể đưa hoạt động Eximbank ngày một tốt hơn.
Vấn đề quan tâm nhất của HĐQT Eximbank hiện nay và NHNN đã có yêu cầu là phải rà soát lại các thông tin, hồ sơ các ứng viên ứng cử thành viên HĐQT Eximbank nhiệm kỳ 2015 - 2020 được đưa ra lấy ý kiến trong kỳ ĐHCĐ bất thường tới đây.
Tuy nhiên, ông Đặng Anh Mai, thành viên HĐQT Eximbank cho biết, kết quả cuối cùng vẫn do ĐHCĐ quyết định. HĐQT Eximbank luôn mong muốn có sự thống nhất giữa các nhóm cổ đông để đại hội sắp tới thành công. Vì thế, theo ông Mai, công việc rà soát lại thông tin nhân sự sẽ đóng vai trò quan trọng. Danh sách 8 ứng viên ứng cử bổ sung thành viên HĐQT Eximbank nhiệm kỳ 2015 - 2020 (sau khi ông Cao Xuân Ninh có đơn xin từ nhiệm, hiện HĐQT Eximbank có 8 người) cũng đã được tiết lộ và không có biến động nhiều so với 6 ứng viên đã ứng cử trước đó.
Nhưng liệu các nhóm cổ đông lớn của Eximbank có tìm được sự đồng thuận trước khi ĐHCĐ diễn ra và liệu đại hội có thành công vẫn là vấn đề được thị trường quan tâm. Ngân hàng này vẫn gặp khó với vấn đề nhân sự từ lâu, trong khi đó, tình hình kinh doanh 6 tháng đầu năm kém khả quan, do Eximbank phải trích lập dự phòng rủi ro ở mức cao.
Tính đến hết tháng 6, tín dụng của Eximbank âm 4,62%, trong khi huy động vốn tăng trưởng 2,33%. Tổng lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh quý II/2016 là 372 tỷ đồng, tăng 90% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, dự phòng rủi ro tăng gần gấp đôi, lên 324 tỷ đồng. Sau khi trừ đi chi phí và dự phòng, Eximbank còn lợi nhuận trước thuế 49 tỷ đồng trong quý II/2016, tăng 69% so với cùng kỳ năm trước.
Mặc dù vậy, lũy kế nửa đầu năm 2016, lợi nhuận trước thuế lại giảm 88% so với cùng kỳ, xuống 79 tỷ đồng. Trong khi đó, nợ xấu của Ngân hàng chưa giảm với 4.285 tỷ đồng nợ xấu, chiếm 5,3% trên tổng dư nợ. Con số này tăng đột biến so với tỷ lệ nợ xấu chưa đến 2% tại thời điểm cuối năm 2015.
Trong 3 nhóm nợ xấu thì nợ dưới chuẩn là 2.415 tỷ đồng, chiếm hơn một nửa tổng nợ xấu và gấp 13 lần so với thời điểm đầu năm. Nợ nghi ngờ tăng 34,8% lên 797 tỷ đồng và nợ có khả năng mất vốn (nhóm 5) cũng tăng ở mức tương đương, lên 1.073 tỷ đồng.
Nợ xấu tăng kéo theo trích lập dự phòng nên Eximbank đã điều chỉnh giảm 44% kế hoạch lợi nhuận năm 2016. Lợi nhuận trước thuế dự kiến đạt 400 tỷ đồng, trong khi kế hoạch trước đó đề ra là đạt 720 tỷ đồng. Chỉ tiêu huy động vốn và dư nợ tín dụng tăng lần lượt 9,7% và 4%, đạt 108.000 tỷ đồng và 100.000 tỷ đồng.