Eximbank chưa xác định được thời gian tổ chức ĐHCĐ bất thường

(ĐTCK) Trả lời ĐTCK, ông Đặng Anh Mai, Thành viên HĐQT Eximbank cho biết, HĐQT Ngân hàng đang trong quá trình kiểm tra, rà soát lại một số thông tin liên quan đến quyền đề cử, ứng cử của các nhóm cổ đông để báo cáo trước khi NHNN phê duyệt nhân sự đề cử, ứng cử bầu bổ sung thành viên HĐQT nhiệm kỳ mới giai đoạn (2015-2020).

Eximbank chưa xác định được thời gian tổ chức ĐHCĐ bất thường
Tuy nhiên, HĐQT Eximbank cũng không cho biết thời gian cụ thể về rà soát hồ sơ và danh sách thành viên HĐQT theo yêu cầu của NHNN là khi nào sẽ kết thúc và chốt được thời gian tiến hành ĐHCĐ bất thường.
Lý do theo ông Mai, sau khi có danh sách ướng viên thì HĐQT mới công bố được ngày dự kiến ĐHCĐ. "Công việc rà soát lại thông tin sẽ đóng vai trò quan trọng giữa các nhóm cổ đông. HĐQT Eximbank cũng muốn làm một lần rõ ràng và cụ thể thì ĐHCĐ Eximbank sắp tới mới có thể tiến hành thành công", ông Mai nói.
Danh sách 8 ứng viên ứng cử bổ sung thành viên HĐQT Eximbank nhiệm kỳ 2015-2020 (sau khi ông Cao Xuân Ninh có đơn xin từ nhiệm, hiện HĐQT Eximbank có 8 người) được tiết lộ, không có biến động nhiều so với 6 ứng viên đã ứng cử trước đó.

Cũng theo HĐQT Eximbank, Ngân hàng luôn mong muốn đặt lợi ích tốt nhất cho các cổ đông của Eximbank, chứ không phải mang tính chất cá nhân của một nhóm nào.

Liệu các nhóm cổ đông của Eximbank có tìm được sự đồng thuận trước khi ĐHCĐ diễn ra và khả năng đại hội có được tiến hành thành công. Đây là vấn đề được các cổ đông quan tâm, vì nó còn mang tính hệ thống. Tuy nhiên, theo Eximbank, để xử lý được tất cả các vấn đề trong một thời gian sớm thì không thể, vì có nhiều vấn đề không chỉ có HĐQT Eximbank đương nhiệm mà còn các nhóm cổ đông khác.

Vì thế, việc NHNN yêu cầu Eximbank rà soát lại tư cách cổ đông cũng là một vấn đề cần thiết. Quan điểm của Eximbank là mong muốn các nhóm cổ đông tìm được sự đồng thuận. Mục tiêu của các nhóm cổ đông nếu hướng đến quyền lợi lâu dài thì không phải mất khá nhiều thời gian. Trong thẩm quyền, HĐQT sẽ giải quyết những vấn đề liên quan thuộc thẩm quyền của HĐQT Eximbank. Tuy nhiên, mọi quyết định đều tùy thuộc vào ĐHCĐ.

Chẳng hạn, tại ĐHCĐ lần 2 đại diện nhóm cổ đông nắm trên 10% vốn của Eximbank đòi miễn nhiệm, vì cho rằng, có gian lận trong phiếu bầu tại kỳ ĐHCĐ bất thường của Eximbank cuối năm 2015. Sau khi vấn đề trên được phản ánh và Ban kiểm soát của Ngân hàng đã có một quá trình rà soát, nhưng kết quả cho thấy, hoàn toàn không có điều này. Nhưng Eximbank vẫn đang chờ vào kết quả điều tra của cơ quan chức năng có thẩm quyền.

Như vậy, nếu như chưa tìm được sự đồng thuận giữa các nhóm cổ đông, ĐHCĐ sắp tới đây của Eximbank liệu có diễn ra thành công và làm thế nào để có thể tìm được sự đồng thuận ở mức cao giữa các nhóm cổ đông để có thể tiến hành ĐHCĐ vẫn là dấu chấm hỏi.

Trước đó, cổ đông lớn của Eximbank là ông Đặng Phước Dừa gửi đơn cho NHNN và các cơ quan liên quan yêu cầu đại hội cổ đông tới đây phải đưa vào chương trình nội dung bãi miễn tất cả thành viên HĐQT đương nhiệm, đồng thời cho phép những người có số cổ phần đạt 10% được giới thiệu người vào HĐQT và đưa ra đại hội cổ đông gần nhất để bầu.

Sau lần đầu thất bại ngày 29/4, Eximbank đã tiến hành ĐHCĐ lần 2 vào ngày 24/5, tuy kết quả không đạt được như kỳ vọng, song tỷ lệ đăng ký tham dự đại hội đạt yêu cầu để tổ chức, nên Eximbank cho biết, trong kỳ tới sẽ là ĐHCĐ bất thường chốt vấn đề nhân sự.
Kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm của Eximbank được tiết lộ đạt khoảng 70 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế. Theo lý giải của ông Lê Văn Quyết, Tổng giám đốc Eximbank, do ngân hàng tăng trích dự phòng rủi ro, nhằm đảm bảo trong hoạt động nên lợi nhuận bị bào mòn.

Thùy Vinh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục