Cụ thể, số lượng nhân sự HĐQT Eximbank dự kiến trình cổ đông thông qua là 7 thành viên, trong đó có ít nhất 1 thành viên HĐQT độc lập. Trong khi số lượng nhân sự Ban kiểm soát dự kiến bầu là 3 thành viên.
Thời gian Eximbank gửi thông báo cho cổ đông về việc đề cử nhân sự dự kiến được bầu vào HĐQT và Ban kiểm soát nhiệm kỳ VII (2020-2025) là ngày 30/11/2021.
Kế hoạch HĐQT Eximbank dự kiến, Ngân hàng sẽ tổ chức họp đại hội đồng cổ đông (ĐHCĐ) thường niên 2021 lần thứ hai vào ngày 15/3/2022 để tiến hành bầu thành viên HĐQT và Ban kiểm soát sau khi trình hồ sơ nhân sự được đề cử lên Ngân hàng Nhà nước vào ngày 24/1/2022.
Tuy nhiên, đến nay Eximbank vẫn chưa thể tổ chức thành công ĐHCĐ thường niên 2020 sau nhiều lần hủy do không đủ tỷ lệ để tiến hành họp đại hội và ảnh hưởng dịch bệnh.
Còn với ĐHCĐ thường niên 2021, trước đó, Eximbank đã tổ chức họp ĐHĐCĐ thường niên năm 2021 lần 1 vào ngày 17/4/2021. Tuy nhiên, cuộc họp không đủ điều kiện tiến hành do không đủ số cổ đông tham dự.
Sau đó, Eximbank dự kiến tổ chức họp ĐHĐCĐ thường niên năm 2021 lần thứ hai vào ngày 29/07/2021 và ĐHĐCĐ bất thường vào ngày 30/07/2021 tại Hà Nội.
Nhưng gần tới ngày tổ chức, Eximbank ra thông báo do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên sẽ dời cả hai cuộc họp này sang thời điểm thích hợp khi đảm bảo đủ điều kiện theo quy định.
Trên thị trường chứng khoán, đóng cửa phiên 11/11/, cổ phiếu EIB đứng tại mức giá 26.400 đồng/cổ phiếu.
Thị giá EIB đã bật tăng khoảng 16% kể từ đầu tháng 11/2021 và là mã có tỷ suất sinh lời cao nhất nhì nhóm cổ phiếu "vua" trong một tháng trở lại đây. Cùng với đó, thanh khoản của EIB cũng tăng đột biến khi gấp 2 – 3 lần giai đoạn trước đó.
Đáng chú ý hơn, ngoài giao dịch khớp lệnh, hoạt động thỏa thuận tại cổ phiếu EIB cũng diễn ra sôi động trong thời gian gần đây. Tính từ đầu năm 2021 đến nay đã có hơn 356 triệu cổ phiếu EIB được trao tay theo phương thức thỏa thuận với giá trị đạt xấp xỉ 9.000 tỷ đồng.
Trong khi đó, thị trường xuất hiện tin đồn cổ đông chiến lược nước ngoài của Eximbank là SMBC (Nhật Bản) sẽ chuyển nhượng 15% cổ phần tại EIB cho một đối tác trong nước là DOJI. Tuy nhiên, phía DOJI đã bác bỏ thông tin mua lại 15% cổ phần EIB từ SMBC.
Về SMBC, định chế tài chính đến từ Nhật Bản cũng đã phát tín hiệu không còn mặn mà đối với cuộc chiến vương quyền chưa có hồi kết tại Eximbank.
SMBC đã không cử người tham dự đại hội thường niên 2021 của nhà băng này sau động thái rút thành viên đại diện vốn góp trong HĐQT vào cuối năm 2019.
Cụ thể, ông Yutaka Moriwaki, kể từ ngày 9/12/2019, đã không còn là đại diện theo ủy quyền của SMBC tại Eximbank và không còn là Thành viên HĐQT Eximbank.
Còn ông Yasuhiro Saitoh, Chủ tịch đương nhiệm Eximbank hiện không phải là đại diện cho nhóm cổ đông nước ngoài SMBC.
Thực tế cho thấy, sau 13 năm trở thành cổ đông chiến lược nước ngoài và gắn bó với Eximbank, SMBC đã không đạt được kỳ vọng, do nhiều năm nhà băng này không thể chia cổ tức do thua lỗ, nợ xấu tăng và giữa các nhóm cổ đông lớn trong nước không tìm được tiếng nói chung.
Vì vậy, giới phân tích tài chính cho rằng, cũng không quá khó hiểu khi SMBC muốn chuyển nhượng lại 15% cổ phần tại Eximbank để tìm kiếm cơ hội, trở thành cổ đông chiến lược tại một ngân hàng khác của Việt Nam.
Trong đó, VPBank trở thành cái tên được chú ý khi cho rằng, SMBC sẽ thoái vốn tại Eximbank để chuyển sang hợp tác với VPBank.
Đáng chú ý, khi VPBank khóa "room"’ ngoại ở mức 15% để chuẩn bị chào bán cổ phần riêng lẻ. Mặc dù chưa tiết lộ danh tính đối tác chiến lược, nhưng VPBank xác nhận SMBC là cái tên mà ngân hàng quan tâm trong đợt phát hành cổ phần riêng lẻ sắp tới.
Mới đây, VPBank đã thông báo đã hoàn tất việc bán 49% vốn điều lệ tại FE Credit cho SMBC. Đồng thời, cuối tháng 10/2021, VPBank nhận liên tiếp hai khoản vay hợp vốn cùng có sự tham gia của SMBC với tổng giá trị 300 triệu USD.
Trong nội dung tờ trình phục vụ ĐHCĐ thường niên 2021 lần 1, Eximbank dự kiến bầu mới 4 thành viên HĐQT nhiệm kỳ VII (2020-2025) gồm bà Lê Hồng Anh, ông Đào Phong Trúc Đại, ông Nguyễn Hiếu và ông Yasuo Takeuchi.
Cả 4 nhân sự nói trên đều là những nhân sự mới, trong khi 9 người thuộc HĐQT Eximbank nhiệm kỳ hiện tại không có trong danh sách đề cử. Trong đó, có 2/4 nhân sự được đề cử là bà Lê Hồng Anh và Đào Phong Trúc có liên quan trực tiếp với Tập đoàn Thành Công (TCG).
Theo thông tin được Eximbank công bố, bà Lê Hồng Anh sinh năm 1975, từng trải qua các vị trí: Phó giám đốc phụ trách Tài chính kế toán Công ty TNHH Cơ khí Thành Công, Phó tổng giám đốc thường trực phụ trách kế toán CTCP Tập đoàn Thành Công, Chủ tịch HĐQT CTCP Thành Công Phạm Hùng, và hiện là Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH TCG Land.
Bên cạnh đó, bà Lê Hồng Anh còn được biết đến là vợ của ông Trần Anh Tuấn - Chủ tịch của Thành Công Group.
Ông Đào Phong Trúc Đại sinh năm 1975, từng là Giám đốc tài chính CTCP Kỹ thuật dịch vụ Thành Công, Tổng giám đốc CTCP Khu công nghiệp tổ hợp công nghệ Thành Công Việt Hưng, Tổng giám đốc CTCP Phát triển KCN Việt Hưng, Tổng giám đốc Công ty TNHH Phát triển công nghiệp ô tô Việt Nam.
Sự có mặt của các nhân sự liên quan tới Tập đoàn Thành Công trong danh sách đề cử tham gia HĐQT Eximbank cũng trùng với những đồn đoán trên thị trường rằng Thành Công Group đã sở hữu được một lượng lớn cổ phiếu EIB.