Eximbank (EIB) tăng trưởng vững chắc

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK)  Với mục tiêu lợi nhuận đề ra gần 5.200 tỷ đồng trong năm 2024, Eximbank cho biết, có cơ sở để hoàn thành kế hoạch, đồng thời kiện toàn bộ mấy cấp “thượng tầng”.
Đội ngũ nhân sự chất lượng cao được kiện toàn mạnh mẽ… Đội ngũ nhân sự chất lượng cao được kiện toàn mạnh mẽ…

Mục tiêu lợi nhuận tham vọng

Năm 2024, Eximbank đặt mục tiêu tương đối tham vọng, trong đó lợi nhuận trước thuế là 5.180 tỷ đồng, cao hơn 90,5% so với kết quả năm 2023. Tổng tài sản được kỳ vọng tăng thêm 11%, lên mức 223.500 tỷ đồng; huy động vốn tăng 10,5%, lên 175.000 tỷ đồng. Eximbank đặt mục tiêu dư nợ tín dụng tăng 14,6%, lên 161.000 tỷ đồng, trong khi tỷ lệ nợ xấu được giảm về ngang với năm 2022, ở mức 1,8%.

Quý I/2024, Eximbank thực hiện được gần 13% mục tiêu lợi nhuận cả năm, với lãi trước thuế chỉ hơn 661 tỷ đồng, giảm 24% so với cùng kỳ năm trước. Thu nhập lãi thuần là khoản mục tăng trưởng duy nhất của Eximbank trong quý đầu năm khi tăng 10% so với cùng kỳ năm trước, đạt hơn 1.358 tỷ đồng.

Trong khi đó, các nguồn thu ngoài lãi đều sụt giảm so với cùng kỳ như lãi từ dịch vụ giảm 24%, lãi từ kinh doanh ngoại hối giảm đến 58%, đồng thời lãi từ mua bán chứng khoán đầu tư âm 24 tỷ đồng và lãi từ hoạt động khác giảm 46%.

Tuy chi phí hoạt động đã được Eximbank tiết giảm 10%, chỉ còn gần 635 tỷ đồng trong quý đầu năm nay, song lợi nhuận thuần của Eximbank vẫn giảm 2%, xuống gần 943 tỷ đồng. Trong I/2024, Eximbank tăng chi phí dự phòng rủi ro lên 282 tỷ đồng, tăng gấp 3 lần cùng kỳ năm trước.

Đề cập tới kế hoạch năm 2024, lãnh đạo Eximbank cho biết, tôn chỉ của Hội đồng quản trị (HĐQT) và Ban điều hành là tự lực, tự cường, tự trọng và tự hào, còn nếu không hoàn thành, Ban điều hành cũng sẽ chịu trách nhiệm.

… tạo niềm tin nơi khách hàng

… tạo niềm tin nơi khách hàng

Trước đó, kết thúc năm 2023, Eximbank ghi nhận lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp riêng lẻ đạt 2.146 tỷ đồng, lợi nhuận để lại từ các năm trước là 125 tỷ đồng. Sau khi trích lập các quỹ (bao gồm cả quỹ khen thưởng 150 tỷ đồng), lợi nhuận để lại lũy kế của ngân hàng tính đến cuối năm 2023 là gần 1.800 tỷ đồng. HĐQT Eximbank trình đại hội cổ đông thông qua kế hoạch chia cổ tức với tỷ lệ 10%, gồm 3% bằng tiền mặt và 7% bằng cổ phiếu.

Cụ thể, với phương án chia cổ tức bằng tiền mặt, số tiền mà Ngân hàng dự kiến bỏ ra là 522 tỷ đồng. Còn với phương án chia cổ tức bằng cổ phiếu, Ngân hàng sẽ phát hành thêm 121,9 triệu cổ phiếu mới, tương ứng vốn điều lệ tăng thêm 1.219 tỷ đồng. Sau phát hành, vốn điều lệ của Eximbank sẽ đạt 18.688 tỷ đồng. Thời gian dự kiến phát hành trong năm nay.

Trong năm 2023, Eximbank đã 2 lần chia cổ tức với tỷ lệ 20% và 18%. Ngân hàng đã chi trả cổ tức bằng cổ phiếu lần đầu vào tháng 2/2023 từ nguồn lợi nhuận giữ lại của năm 2017, 2018, 2019, 2020 và 2021. Tổng số tiền để thực hiện là 2.459 tỷ đồng, tương ứng tỷ lệ 20%. Sau đó vào tháng 10/2023, Eximbank tiếp tục phát hành thêm 265 triệu cổ phiếu, tương ứng tỷ lệ 18%, nâng vốn điều lệ lên 17.470 tỷ đồng từ nguồn lợi nhuận giữ lại và lũy kế các năm trước và lợi nhuận 2022.

Kiện toàn bộ máy nhân sự cấp cao

Lãnh đạo Eximbank cho hay, Ngân hàng đang tìm kiếm cổ đông chiến lược nước ngoài sau khi SMBC thoái vốn. Mục tiêu của Eximbank muốn tìm một cổ đông tầm vóc lớn trên thế giới để thực sự thay đổi bộ mặt của Ngân hàng, đưa Eximbank vươn tầm thế giới, chứ không chỉ ở Việt Nam.

Tại đại hội cổ đông năm nay, HĐQT Eximbank trình cổ đông thông qua việc miễn nhiệm chức danh Thành viên HĐQT đối với bà Lê Thị Mai Loan. Bà Loan đã xin từ nhiệm vì lý do cá nhân. Bà Loan được bầu vào HĐQT tại đại hội cổ đông bất thường của Eximbank diễn ra ngày 14/2/2023. Vì thế, Eximbank đã bầu bổ sung 1 thành viên HĐQT nhiệm kỳ VII (2020-2025) theo danh sách ứng viên được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận. Theo đó, ông Nguyễn Hồ Nam, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Bamboo Capital (BCG) trúng cử vào Thành viên HĐQT Eximbank nhiệm kỳ VII. Ông Nam đang đồng thời giữ chức vụ Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Bamboo Energy và Thành viên HĐQT Công ty Quản lý quỹ Fides Việt Nam.

Đáng chú ý hơn, HĐQT Eximbank vừa thông qua nghị quyết chính thức bầu ông Nguyễn Cảnh Anh, Thành viên HĐQT giữ chức danh Chủ tịch HĐQT nhiệm kỳ VII (2020-2025) thay bà Đỗ Hà Phương kể từ ngày 26/4/2024. Song song đó, bà Đỗ Hà Phương và bà Lương Thị Cẩm Tú cũng được bầu làm Phó chủ tịch HĐQT Eximbank. Như vậy, sau các nghị quyết của HĐQT Eximbank vừa công bố, ngân hàng này sẽ có Chủ tịch là ông Nguyễn Cảnh Anh và 4 Phó chủ tịch gồm: Ông Trần Tấn Lộc, bà Đỗ Hà Phương, bà Lương Thị Cẩm Tú và ông Nguyễn Hồ Nam.

Ông Nguyễn Cảnh Anh đã được bầu bổ sung làm Thành viên HĐQT Eximbank nhiệm kỳ VII (2020 - 2025) tại ĐHCĐ thường niên năm 2023 của Ngân hàng vào tháng 9/2023. Tân Chủ tịch HĐQT Eximbank sinh năm 1979, có trình độ Thạc sỹ Quản trị tài chính quốc tế tại Pháp. Với gần 20 năm kinh nghiệm trong các lĩnh vực như kiểm toán, kế toán, đầu tư, quản lý tài chính, ông Nguyễn Cảnh Anh từng đảm nhiệm nhiều vị trí quan trọng tại các doanh nghiệp quy mô lớn như Tập đoàn Công nghiệp Viễn thông Quân đội (Viettel), Tập đoàn Vingroup… Việc chuyển giao vị trí Chủ tịch HĐQT từ bà Đỗ Hà Phương sang ông Nguyễn Cảnh Anh đã nhận được sự đồng thuận cao từ HĐQT Ngân hàng, trong bối cảnh Eximbank bắt đầu đi vào ổn định, bước sang một giai đoạn phát triển mới với nhiều mục tiêu chiến lược quan trọng mà ngân hàng đã đề ra.

Các lãnh đạo cấp cao giàu kinh nghiệm của ngân hàng sẽ cùng đồng lòng, quyết tâm minh bạch hóa các hoạt động và tạo nền tảng vững chắc để Eximbank phát triển. Đặc biệt, năm 2024 là một năm ghi lại dấu ấn quan trọng trong hành trình hướng tới cột mốc 35 năm thành lập của Ngân hàng. Chính vì thế, Eximbank đưa ra mục tiêu lợi nhuận trước thuế đạt 5.180 tỷ đồng, tăng 90,4% so với năm 2023.

Để đạt được các chỉ tiêu đã đề ra, trước mắt, Eximbank sẽ tập trung vào các nhiệm vụ trọng tâm liên quan đến nền tảng khách hàng, công tác vận hành và chất lượng cơ sở hạ tầng, bao gồm: Củng cố nền tảng khách hàng, cải tiến các sản phẩm trên nền tảng công nghệ số nhằm tăng tần suất sử dụng dịch vụ, nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường.

Bên cạnh đó, tiếp tục quy hoạch mạng lưới đơn vị kinh doanh, tinh gọn các quy trình hoạt động theo hướng số hoá để tối ưu hoạt động tư vấn dịch vụ cho khách hàng; chuẩn hóa, số hóa các hình thức truyền thông và marketing dựa trên định vị thương hiệu và chiến lược kinh doanh. Cùng với đó là tăng cường sử dụng công cụ công nghệ trong các khâu kiểm soát nhằm đảm bảo an toàn hoạt động, kiểm soát chặt chẽ nợ xấu phát sinh, từ đó phát triển kỹ năng xác định quản trị rủi ro và công nghệ thông tin cho cán bộ, nhân viên toàn hệ thống.


Theo Đặc san Toàn cảnh Ngân hàng Việt Nam 2024

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục