Hy sinh lợi nhuận cho trích lập dự phòng
Năm 2014 đã khép lại, đến thời điểm này, về lý thuyết, các ngân hàng đều đã “chốt sổ” kết quả kinh doanh năm qua. Lãnh đạo Eximbank cho biết, ước tính đến cuối năm 2014, tổng tài sản của Ngân hàng đạt khoảng 160.000 tỷ đồng, giảm khoảng 5,2% so với cùng kỳ năm 2013; tổng vốn huy động đạt 146.000 tỷ đồng, giảm 5,2% so với cuối năm 2013. Đáng chú ý, huy động vốn từ tổ chức kinh tế và dân cư đạt 101.000 tỷ đồng, tăng 19.000 tỷ đồng (tăng 22,6%) so với cuối năm 2013; nhận gửi và vốn vay trên thị trường liên ngân hàng đã giảm 27.000 tỷ đồng, từ mức 71.000 tỷ đồng năm 2013 xuống còn 44.000 tỷ đồng.
Tổng cấp tín dụng cho tổ chức kinh tế và dân cư đạt 98.000 tỷ đồng, tăng 9.500 tỷ đồng (10,7%) so với hồi cuối năm 2013. Trong đó, dư nợ cho vay tổ chức kinh tế và dân cư đạt 88.000 tỷ đồng, tăng 3.800 tỷ đồng (4,6%) so với cuối năm 2013. Tỷ lệ tổng cho vay trên tổng huy động thị trường một (từ các doanh nghiệp, dân cư) là 85,9%, giảm 15% so với mức 100,9% của năm 2013. Tỷ lệ sử dụng nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn ước tính khoảng 26,6%. Hệ số an toàn vốn (CAR) đạt khoảng 13,7%. Nợ quá hạn chiếm khoảng 2,7% tổng dư nợ, giảm 0,8% so với năm 2013; trong đó, tỷ lệ nợ xấu (nợ nhóm 3 - 5) chiếm khoảng 2%, tương đương với năm 2013.
Nhìn vào con số dư nợ 88.000 tỷ đồng của Eximbank, giả sử biên lãi ròng quy đổi ở mức 3%, Eximbank sẽ có lợi nhuận trước dự phòng rủi ro tín dụng khoảng 2.600 tỷ đồng. Tuy nhiên, lãnh đạo Eximbank cho biết, lợi nhuận 2014 của Ngân hàng có thể thấp hơn rất nhiều so với chỉ tiêu đưa ra, do Eximbank là một trong những ngân hàng tích cực trong xử lý nợ xấu và trích lập dự phòng rủi ro tín dụng. Mức trích lập dự phòng sẽ quyết định con số lợi nhuận trước thuế cuối cùng. Năm 2014, Eximbank đã tích cực rà soát nợ xấu để bán cho VAMC. Nhưng dự phòng bản chất là “của để dành cho tương lai”, nếu không dùng đến sẽ được hoàn nhập trong tương lai.
Cũng theo lãnh đạo Eximbank, ngoài những quy định chung về phân loại nợ và trích dự phòng, ngân hàng hiểu rõ nhất chất lượng từng khoản cho vay của mình, cho nên, tùy vào chiến lược của từng ngân hàng, mức “để dành” này sẽ nhiều hay ít. Vì thế, không phải đợi đến cuối năm, mà ngay từ quý II/2014, Eximbank đã mạnh tay trích lập dự phòng rủi ro tăng 40,4% và lũy kế 6 tháng tăng 88,5% so với cùng kỳ. Quan điểm của HĐQT Eximbank là phải đảm bảo an toàn trong hoạt động, dù phải hy sinh lợi nhuận trước mắt để trích dự phòng rủi ro…
“Trước mắt, có thể lợi nhuận sau trích lập dự phòng còn lại rất ít, các cổ đông sẽ không nhận được cổ tức, nhưng trong tương lai, khi hoạt động của Ngân hàng hồi phục thì sẽ nhận được mức cao hơn. Do đó, việc xác định đúng, đủ chất lượng các khoản cho vay của mình để có mức trích lập tương ứng sẽ là điều kiện tiên quyết để Eximbank có thể lập kế hoạch khả thi cho hoạt động những năm tiếp theo”, một lãnh đạo Eximbank lý giải và cho rằng, điều này cũng phù hợp với thị trường hiện nay. Cổ đông, nhà đầu tư cũng sẽ hiểu vấn đề ngân hàng phải hy sinh lợi nhuận trích dự phòng, đảm bảo hoạt động, tạo đà tăng trưởng.
Tổng tài sản dần phục hồi
Trong năm qua, thị trường khá bất ngờ trước sự sụt giảm mạnh của tổng tài sản Eximbank tại thời điểm cuối tháng 6, khi tổng tài sản giảm tới 38.000 tỷ đồng, tương đương mức giảm 22,35% so với hồi cuối năm 2013. Tỷ lệ cho vay trên huy động đã vọt qua mốc 103%. Ngoài ra, tỷ lệ nợ xấu cũng tăng lên 2,95% từ mức 1,98% vào cuối năm 2013. Những chỉ số này được đánh giá là khá “chơi vơi”, khiến thị trường đặt câu hỏi: Phải chăng đây là hệ quả của biến động nhân sự cấp cao trong Ngân hàng, khi chỉ trong vòng hơn 7 tháng (từ cuối năm 2013 đến đầu năm 2014), Eximbank đã ba lần thay Tổng giám đốc?
Giải thích về điều này, lãnh đạo Eximbank cho biết, sở dĩ, tổng tài sản của Eximbank sụt giảm mạnh trong thời gian qua do Ngân hàng giảm mạnh tỷ lệ vốn huy động trên thị trường hai (thị trường liên ngân hàng). Trước kia, có những thời điểm, nguồn vốn huy động từ thị trường hai của Eximbank lên tới 50.000 – 70.000 tỷ đồng. Việc sử dụng vốn liên ngân hàng có giá rẻ hơn, cho vay ra lãi suất theo đó thấp hơn nên được doanh nghiệp tìm đến, đồng thời nâng được tổng tài sản, nhưng tính năng động của ngân hàng sẽ giảm dần. Hoạt động của một ngân hàng phải bằng nguồn nội lực, tức huy động từ thị trường một (dân cư và doanh nghiệp). Vốn huy động từ thị trường hai chỉ có ý nghĩa bổ sung thanh khoản trong ngắn hạn. Chính vì thế, trong hơn 1 năm qua, Eximbank nỗ lực giảm vốn huy động trên thị trường hai để cấu trúc vốn ổn định và bền vững hơn. Điều này đã khiến tổng tài sản của Ngân hàng sụt giảm khá mạnh, do thị trường một không bù đắp kịp. Đó cũng là một trong những nguyên nhân khiến nhiều người cho rằng, Eximbank đang “chơi vơi” khi tổng tài sản rớt mạnh thời gian qua. Tuy nhiên, đến cuối năm 2014, tổng tài sản Eximbank đã dần khôi phục. Chủ trương của Eximbank tiếp tục giảm sử dụng vốn trên thị trường hai xuống còn 37.000 tỷ đồng trong năm 2015.
Tạo đà tăng trưởng trong tương lai
Trong những năm gần đây, Eximbank đã trở thành ngân hàng trong tốp đầu của nhóm NHTM cổ phần. Uy tín của Eximbank được củng cố, đặc biệt trong những giai đoạn khắc nghiệt của thị trường. Eximbank cũng là ngân hàng có vốn chủ sở hữu lớn, trên dưới 14.000 tỷ đồng. Đáng chú ý, Eximbank có sự hỗ trợ rất lớn từ cổ đông lớn, đối tác chiến lược nước ngoài là SMBC, vốn là một định chế tài chính Nhật Bản với quy mô toàn cầu. Không chỉ tham gia góp vốn, SMBC còn hỗ trợ kỹ thuật nhiều lĩnh vực cho Eximbank, đặt biệt trong vấn đề phát triển khách hàng, hạ tầng công nghệ thông tin và quản trị rủi ro, tạo lợi thế cạnh tranh lớn cho Eximbank.
Đội ngũ lãnh đạo Eximbank là những người có nhiều năm kinh nghiệm trong ngành tài chính. Tổng giám đốc Eximbank, ông Phạm Hữu Phú có hơn 25 năm hoạt động trong lĩnh vực ngân hàng. Ông Phú từng là Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Đại Nam từ năm 1993 và có 10 năm công tác tại Eximbank trên cương vị Phó chủ tịch HĐQT, sau đó được điều chuyển qua Sacombank giữ chức Phó Chủ tịch đến Chủ tịch HĐQT, đại diện cho phần vốn của Eximbank tại Sacombank. Ông Phú đã quay lại Eximbank với vai trò CEO từ tháng 4/2014, nỗ lực cùng HĐQT, Ban điều hành Ngân hàng làm sạch nợ xấu.
Tuy nhiên, thách thức lớn nhất đối với Eximbank cũng như các ngân hàng khác đã và đang gặp phải là nền kinh tế vẫn chưa hoàn toàn thoát khỏi khó khăn, nợ xấu vẫn trong xu hướng tăng. Việc xử lý nợ cũng còn nhiều bất cập, thị trường bất động sản chưa hồi phục hoàn toàn dẫn đến giá trị một số bất động sản là tài sản đảm bảo đã xuống dưới vốn gốc cho vay. Biên lợi nhuận ngày càng giảm dẫn đến thu nhập từ tín dụng ngày càng giảm, cộng với việc chính sách trích lập dự phòng ngày càng chặt chẽ đang thách thức khả năng sinh lời của ngân hàng. Kế hoạch lợi nhuận trước thuế của Eximbank đưa ra cho năm 2015 ở mức 1.000 tỷ đồng, với tổng tài sản xoay quanh mức 190.000 tỷ đồng được HĐQT và Ban điều hành cân nhắc kỹ lưỡng. Theo lãnh đạo Eximbank, kế hoạch này là tham vọng, nhưng giải pháp thực hiện là khả thi.
Mục tiêu lớn nhất của Eximbank trong 2-3 năm tới là kiện toàn hoạt động, nhất là với quản lý rủi ro và xử lý nợ xấu, tạo đà cho bước phát triển mới cao hơn. Nhưng, không phải vì mục tiêu lớn nhất đó mà các kế hoạch khác bị đình trệ. Eximbank vẫn liên tục tái đầu tư vào các hạng mục hiện đại hóa ngân hàng, trong đó chú trọng về các tiện ích thanh toán truyền thống cũng như điện tử, từng bước đẩy mạnh nguồn thu nhập phi tín dụng. Đến năm 2020, Eximbank phấn đấu trở thành ngân hàng thanh toán quốc tế chính ở những thị trường xuất nhập khẩu chủ lực của Việt Nam. Hiện Eximbank đang đàm phán để đầu tư vào một hệ thống core-banking thuộc thế hệ mới nhất hiện nay của một trong những nhà cung cấp hàng đầu thế giới. Ngoài ra, Eximbank còn xúc tiến một hệ thống dữ liệu tập trung.
“Với hai hệ thống này, sau 2-3 năm, Eximbank có đủ những điều kiện cần để phát triển sản phẩm, dịch vụ đa dạng, phong phú, đáp ứng mọi nhu cầu khách hàng”, đại diện Eximbank cho biết thêm.