Eximbank chưa hết rối ren

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Câu chuyện về nhân sự cấp “thượng tầng” ở Eximbank được xem là vấn đề nan giải mà trong nhiều năm qua vẫn chưa tìm được tiếng nói chung giữa các nhóm cổ đông lớn.
Hai năm qua, Eximbank chưa thể tổ chức thành công đại hội đồng cổ đông Hai năm qua, Eximbank chưa thể tổ chức thành công đại hội đồng cổ đông

Đại hội 2020 và 2021 cách nhau 1 ngày

Ngày 26/4/2021, Eximbank sẽ tiến hành họp Đại hội đồng cổ đông (ĐHCĐ) thường niên 2020 và sau đó 1 ngày (27/4), Ngân hàng tổ chức ĐHCĐ thường niên 2021, sau 5 lần liên tục tổ chức bất thành trong 2 năm qua.

Việc không tìm được sự đồng thuận giữa các nhóm cổ đông dẫn đến nhân sự cấp cao Eximbank liên tục thay đổi và cuộc họp ĐHCĐ bất thành nên không thể thông qua nhân sự nhiệm kỳ mới.

Thực tế, Eximbank là tổ chức tín dụng duy nhất trong toàn hệ thống ngân hàng tổ chức không thành công cuộc họp ĐHCĐ, nhưng cũng chỉ bị xử phạt hành chính. Trong khi đó, với những doanh nghiệp không thuộc loại hình kinh doanh đặc thù như ngân hàng, nếu không tổ chức thành công ĐHCĐ thường niên sẽ bị hủy niêm yết bắt buộc và chuyển sang giao dịch trên UPCoM.

Sau nhiều lần tổ chức bất thành ĐHCĐ, nhằm hướng đến mục tiêu các đại hội được tiến hành thành công, Eximbank khuyến nghị các cổ đông chỉ nên làm việc với đại diện chính thức của Ngân hàng. Cổ đông không làm việc với các bên không được ủy nhiệm chính thức để đảm bảo tính hợp pháp và tạo điều kiện thuận lợi cho Ban tổ chức trong tiến trình tổ chức đại hội.

Eximbank cho biết, tại ĐHCĐ thường niên 2020 lần thứ ba này (ngày 26/4/2021), Ngân hàng sẽ giải quyết những vấn đề về chiến lược, kế hoạch kinh doanh, nhân sự cấp cao, nhiệm kỳ mới của Hội đồng quản trị, người đại diện theo pháp luật.

Tỷ lệ cổ đông bắt buộc dự họp sẽ giảm

Theo một số nguồn tin, Eximbank có tiến hành thành công ĐHCĐ lần này hay không phải đợi đến phút cuối, vì Ngân hàng muốn điều chỉnh giảm tỷ lệ bắt buộc cổ đông tham dự đại hội, dù việc điều chỉnh này phù hợp với quy định mới của Luật Doanh nghiệp.

Cụ thể, Hội đồng quản trị Eximbank sẽ trình ĐHCĐ thông qua việc điều chỉnh tỷ lệ số cổ đông dự họp trên tổng số cổ phần có quyền biểu quyết để có thể tiến hành đại hội lần 1 từ 65% xuống hơn 50%. Trường hợp cuộc họp lần thứ nhất không đủ điều kiện tiến hành, tỷ lệ số cổ đông dự họp để có thể tiến hành tổ chức ĐHCĐ lần hai giảm từ 51% xuống 33%. Thông báo mời họp lần thứ hai phải được gửi trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày dự định họp lần thứ nhất. Trong trường hợp cuộc họp lần thứ hai không đủ điều kiện tiến hành, cuộc họp lần thứ ba sẽ được tiến hành, không phụ thuộc vào tỷ lệ cổ đông dự họp.

Thực tế, Eximbank đã có 5 lần tổ chức bất thành cuộc họp ĐHCĐ trong năm 2020. Trong đó, lần Eximbank thông báo tổ chức gần nhất là đầu tháng 12/2020 và cuộc họp bị hoãn với lý do phòng dịch Covid-19, còn 4 lần tổ chức trước đó đều không thành công vì cổ đông tham dự không đủ tỷ lệ để tiến hành đại hội.

Có “biến” trước đại hội

Như thường lệ trước thềm ĐHCĐ, Eximbank lại có “biến” về nhân sự. Mới đây, Eximbank thông báo về việc thay Chủ tịch Hội đồng quản trị. Theo đó, trong ngày 13/4/2021, Hội đồng quản trị Eximbank có tới 2 nghị quyết quyết định về chức danh Chủ tịch.

Việc chưa tìm được tiếng nói chung giữa các nhóm cổ đông lớn tại Eximbank đã ảnh hưởng trực tiếp đến thương hiệu, kết quả kinh doanh của Ngân hàng.

Cụ thể, theo Nghị quyết số 156 ngày 13/4, Hội đồng quản trị Eximbank thông qua việc miễn nhiệm chức danh Chủ tịch đối với ông Yasuhiro Saitoh.

Cùng ngày, Hội đồng quản trị Eximbank thông qua việc bầu ông Nguyễn Quang Thông tạm thời giữ chức danh Chủ tịch để chủ tọa cuộc họp thứ hai trong ngày và ông Thông nắm giữ vị trí này cho đến khi Hội đồng quản trị chính thức bầu nhân sự giữ chức danh Chủ tịch.

Đáng lưu ý, Hội đồng quản trị Eximbank trong cuộc họp lần 1 ngày 13/4 giao ông Thông thay mặt Hội đồng quản trị ký Nghị quyết 156 về việc miễn nhiệm chức danh Chủ tịch đối với ông Yasuhiro Saitoh theo đơn từ nhiệm ngày 6/4/2021 và kết quả biểu quyết đa số tán thành của các thành viên tại cuộc họp ngày 13/4 vào lúc 10h15 và 10h45. Vậy nhưng, ngay sau khi Nghị quyết 156 được ban hành, tại Eximbank xuất hiện Nghị quyết Hội đồng quản trị số 157, được ký bởi ông Yasuhiro Saitoh.

Nghị quyết 157 được ban hành căn cứ theo kết quả biểu quyết tại cuộc họp lúc 11h10 ngày 13/4/2021, bầu ông Yasuhiro Saitoh giữ chức danh Chủ tịch Hội đồng quản trị Eximbank, các nội dung trước đây trái với Nghị quyết này hết hiệu lực thi hành.

Như vậy, ông Yasuhiro Saitoh được bầu làm Chủ tịch Hội đồng quản trị Eximbank ngay sau khi bị miễn nhiệm.

Trước đó, cuối tháng 6/2020, trong văn bản yêu cầu Eximbank họp ĐHCĐ bất thường năm 2020, SMBC - cổ đông chiến lược nước ngoài của Eximbank đề cập tới 2 vấn đề cần thảo luận là yêu cầu bãi nhiệm ông Yasuhiro Saitoh và giảm số lượng thành viên, bỏ phiếu tín nhiệm đối với Hội đồng quản trị. Văn bản của SMBC gửi Hội đồng quản trị Eximbank cũng nêu rõ, ông Yasuhiro Saitoh không phải là đại diện hoặc người được ủy nhiệm, không được trao quyền hành động thay mặt cho SMBC.

Trong hơn 1 năm qua, ghế “nóng” của Eximbank đã đổi chủ đến 5 lần, từ ông Lê Minh Quốc sang bà Lương Thị Cẩm Tú, quay trở lại ông Lê Minh Quốc, rồi chuyển cho ông Cao Xuân Ninh và mới nhất là ông Yasuhiro Saitoh.

Hiện tại, Hội đồng quản trị Eximbank có 9 người, bao gồm: Chủ tịch Yasuhiro Saitoh, Phó chủ tịch Nguyễn Quang Thông, thành viên độc lập Lê Minh Quốc, các thành viên khác là ông Cao Xuân Ninh, Ngô Thanh Tùng, Lê Văn Quyết, Đặng Anh Mai, Hoàng Tuấn Khải và bà Lương Thị Cẩm Tú.

Theo một nguồn tin đáng tin cậy, hai Nghị quyết 156 và 157 được Hội đồng quản trị Eximbank ban hành ngày 13/4/2021 không có sự tham gia của 3 thành viên là bà Lương Thị Cẩm Tú, ông Đặng Anh Mai, ông Hoàng Tuấn Khải.

Kết quả kinh doanh bị ảnh hưởng

Theo dữ liệu của HOSE, đến ngày 7/3/2021, Eximbank có vốn điều lệ 12.355 tỷ đồng, nhà đầu tư nước ngoài sở hữu 29,82% cổ phần, trong đó, Sumitomo Mitsui Banking Corporation nắm giữ 15%, Quỹ VOF nắm giữ 4,97%. Trong hơn 70% cổ phần do các nhà đầu tư trong nước sở hữu, Vietcombank nắm giữ 4,82%. Như vậy, khoảng 65% cổ phần Eximbank thuộc sở hữu của các nhà đầu tư khác và được cho là chia thành 2 nhóm.

Việc các nhóm cổ đông không tìm được tiếng nói chung trong thời gian qua đã ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh của Ngân hàng khi nhân sự cấp “thượng tầng” liên tục biến động, tổng tài sản và dư nợ những năm gần đây đều không tăng trưởng.

Trong đó, năm 2020, tổng tài sản của Eximbank giảm 4,2% xuống 160.435 tỷ đồng; dư nợ cho vay khách hàng giảm 11% xuống 100.767 tỷ đồng; tiền gửi khách hàng giảm 3,8% xuống 133.917 tỷ đồng; lợi nhuận trước thuế đạt 1.399 tỷ đồng, tăng 22,3% so với năm 2019, nhưng giãn khoảng cách khá xa so với các ngân hàng khác có cùng quy mô.

Kế hoạch năm 2021, Eximbank dự kiến đạt 2.150 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế. Trong khi đó, các nhà băng cùng quy mô đặt mục tiêu lợi nhuận trên dưới chục nghìn tỷ đồng.

Vân Linh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục