Trả lời câu hỏi thắc mắc của cổ đông về hiệu quả của khoản vốn Eximbank đầu tư vào Sacombank trong 2 năm qua và liệu Eximbank có rút vốn khỏi Sacombank như thông tin đồn đoán, ông Phú cho biết, từ 9/1/2012, Eximbank đã chính thức đầu tư vào Sacombank là 9,73% vốn điều lệ với giá vốn 16.000 đồng/cổ phiếu, tương đương giá trị trên dưới 1.600 tỷ đồng. Trong năm 2013, Eximbank đã nhận cổ tức từ Sacombank là 8% bằng tiền mặt và sẽ nhận tiếp 8% bằng cổ phiếu, cộng với 10% thặng dư vốn bằng cổ phiếu quỹ được chia, tương đương giá 11.903 đồng/cổ phiếu.
Như vậy, theo ông Phú, nếu so sánh giá trên thị trường của cổ phiếu STB hiện nay là 17.000 đồng/cổ phiếu, thì Eximbank vẫn còn lời khoảng 5.000 đồng/cổ phiếu nên có thể thấy được hiệu quả rất lớn.
Vì thế, việc thoái vốn khỏi Sacombank hay không là do HĐQT của Eximbank tính toán và quyết định, nhưng nếu khoản đầu tư này vẫn mang lại hiệu quả thì sẽ không thoái vốn, còn nếu vì lý do nào mà thoái vốn thì đó là vì quyền lợi của cổ đông Eximbank.
Hiện có nhiều thông tin cho rằng, Eximbank sớm thoái khoản vốn này khỏi Sacombank do phải sáp nhập thêm Southern Bank sẽ kéo lùi Sacombank. Tuy nhiên, theo ông Phú, với mạng lưới rộng và kết quả hoạt động tương đối hiệu quả của Sacombank hiện nay, sau khi sáp nhập thêm Southern Bank sẽ mở rộng quy mô sẽ là lợi thế cho Sacombank.
Trước khi tổ chức ĐHĐCĐ Sacombank, Eximbank đã rút ông Phú về để tăng cường quản trị cho Eximbank. Ông Phú cũng chia sẻ thêm, sau 2 năm vào Sacombank, tình hình hoạt động đã ổn định, vì thế, cũng không cần sự có mặt của ông. Trước đây, khi đầu tư vào Sacombank, Eximbank có 3 người làm đại diện vốn bao gồm ông Phạm Hữu Phú 8% cổ phần, ông Nguyễn Vạn Lý - Phó Trưởng Ban kiểm soát STB 0,73% và ông Hà Tôn Trung Hạnh – Phó Tổng giám đốc STB 1%. Nhưng sau khi có quyết định ông Phú về Eximbank, ông Lê Hùng Dũng, Chủ tịch HĐQT Eximbank đã có quyết định chia số vốn đầu tư này làm 2 phần và giao cho ông Hạnh và ông Lý tiếp tục quản lý vốn.
Mặc dù đã đến tuổi hưu, nhưng ông Lê Hùng Dũng vẫn trúng cử trong đợt bầu thành viên HĐQT Eximbank kỳ đại hội này và tiếp tục giữ vị trí Chủ tịch HĐQT của Eximbank. Tuy nhiên, không ít ý kiến của cổ đông cho rằng, ông Dũng mới trúng cử Chủ tịch Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF), nên tập trung vào Liên đoàn bóng đá và tuổi đã về hưu, lại giữ nhiều vị trí quan trọng là không nên. Mặt khác, không ít cổ đông nghi ngại việc ông Dũng giữ vai trò Chủ tịch của Eximbank và VFF sẽ dùng tiền của Eximbank để tài trợ quá nhiều cho bóng đá, nhất là trong năm vừa qua, Eximbank tài trợ bóng đá quá nhiều, nhưng nền bóng đá lại đi xuống.
Kế hoạch năm nay, Eximbank chi tới 130 tỷ đồng để quảng bá và tài trợ cho bóng đá, nên nhiều cổ đông tỏ ra không đồng tình vấn đề này, vì cho rằng, trong bối cảnh thị trường khó khăn, lợi nhuận của Ngân hàng sụt giảm cần phải tiết kiệm chi phí.
Eximbank cho biết, kết quả năm 2013 thấp so với các năm trước do 3 nguyên nhân. Thứ nhất, là giảm lãi suất để hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế, tốc độ giảm lãi suất cho vay nhanh hơn huy động.
NIM (chênh lệch lãi suất cho vay và huy động) bằng VND giảm đáng kể. Cụ thể, NIM 2012 là 3,94%, giảm xuống 2,46% trong năm 2013. Theo tính toán của EIB, việc giảm 1% NIM sẽ khiến ngân hàng giảm gần 700 tỷ đồng thu nhập, như vậy, trong năm 2013, EIB đã giảm thu nhập khoảng gần 1.000 tỷ đồng.
Chủ tịch HĐQT Eximbank ông Dũng cho biết, cạnh tranh để dành thị phần cho vay hiện nay rất gay gắt. Lãi suất cho vay USD có khi còn 1,5%/năm và tiền đồng thấp nhất 7,5%/năm.
Thứ hai, là về kinh doanh vàng. Những năm trước (2011-2012), thu nhập từ kinh doanh vàng đạt 280 - 300 tỷ đồng, nhưng đến năm 2013, Eximbank phải đóng trạng thái vàng và phải chịu khoản chi phí 180 tỷ đồng.
Thứ ba, do trích lập dự phòng, trong năm 2013, thanh tra toàn diện của NHNN tại EIB đã kết luận, cần tăng trích dự thu lãi năm trước là 273 tỷ đồng. Tuy nhiên, 4 tháng đầu năm 2014, lợi nhuận của Eximbank đạt khoảng 580 - 600 tỷ đồng. Vì thế, để kỳ vọng đạt mục tiêu lợi nhuận 400 tỷ đồng là không khó. Cổ tức dự kiến 8,5%.Tổng tài sản của Eximbank dự kiến ở mức 170.000 tỷ đồng, tương đương năm trước.
Các chỉ tiêu huy động vốn của Ngân hàng đề ra ở mức 100.000 tỷ đồng, tăng 21% so với năm 2013, dư nợ cấp tín dụng cũng dự kiến tăng 23% lên 109.000 tỷ đồng, trong đó dư nợ cho vay đạt 100.000 tỷ đồng. Còn tỷ lệ nợ xấu kiểm soát dưới 3%.