EVN: Giá điện không thể theo ý nhà đầu tư

(ĐTCK-online) Việc đàm phán giá điện giữ EVN và các nhà máy điện gần như là một câu chuyện dài tập, kéo dài từ năm này qua năm khác. Việc này ảnh hưởng lớn đến hoạt động của nhiều DN, trong đó có các DN niêm yết như VSH, NBP...
Nhà máy Thủy điện Vĩnh Sơn - Sông Hinh Nhà máy Thủy điện Vĩnh Sơn - Sông Hinh

>> EVN nợ VSH 500 tỷ đồng lãi suất thấp!

>> VSH không thể tổ chức ĐHCĐ khi chưa đàm phán xong giá điện  

Việc CTCP Thủy điện Vĩnh Sơn - Sông Hinh  (VSH) vẫn chưa thể hoàn tất báo cáo tài chính năm 2010 và tiến hành ĐHCĐ thường niên, mà nguyên nhân xuất phát từ việc chưa đàm phán được giá điện của năm 2010 với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), khiến các cổ đông đứng ngồi không yên.

Phản ánh với Báo ĐTCK, một nhóm nhà đầu tư hiện đang nắm giữ gần 2 triệu cổ phiếu của VSH cho hay, giá bán điện năm 2010 của VSH chỉ được EVN chấp nhận ở mức bằng 90% của năm 2009. Nhưng HĐQT của VSH không chấp nhận mức giá này, bởi thấp hơn so với một số nhà máy thủy điện khác. Họ cũng cho biết, hiện EVN chỉ nắm hơn 30% vốn tại VSH nên không thể độc quyền áp đặt giá điện cho VSH như khi Công ty là DNNN trước kia.

Quá trình đàm phán giá điện giữa VSH và EVN đã kéo dài và tưởng chừng sẽ chốt được trong tháng 7/2011, nhưng hiện nay hai bên vẫn chưa thống nhất được giá điện, nên VSH không thể tính được tổng doanh thu, không thể hoàn tất các báo cáo tài chính năm 2010 và kéo theo đó là quyền lợi của của các cổ đông VSH bị ảnh hưởng.

“Cổ đông trông chờ vào cổ tức và giá trị cổ phiếu tăng lên, nhưng hiện nay không chốt được cổ tức và không biết xác định giá trị cổ phiếu thế nào để mà giao dịch”, nhóm cổ đông này cho biết.

Thực tế, khó khăn trong đàm phán giá bán điện với EVN không phải chỉ xảy ra với VSH. Có lẽ tất cả các nhà máy điện không thuộc sở hữu của EVN đều gặp phải khó khăn này, khi bên bán điện muốn bán giá cao, còn bên mua điện không thể tự do quyết giá điện, bởi đây là mặt hàng mà Nhà nước quản lý chặt chẽ về giá bán lẻ đầu ra.

 

Hàng hóa đặc biệt

Sản xuất và tiêu dùng điện diễn ra đồng thời, không thể tồn trữ dưới dạng thành phẩm được sản xuất ra. Nhu cầu tiêu thụ điện phụ thuộc rất nhiều vào yếu tố như thời tiết, khí hậu, địa điểm và thu nhập của người dân. Vùng nông thôn, xa xôi, hẻo lánh, khu vực ít hoạt động công nghiệp sẽ tiêu thụ điện ít hơn thành phố, các khu công nghiệp.

Mặt khác, do thực tế phân bổ các nhà máy điện phụ thuộc vào điều kiện tự nhiên và hạ tầng nên theo quy định hiện hành, tất cả các dự án điện muốn được xây dựng đều phải có thỏa thuận về đấu nối từ nhà máy của mình vào hệ thống điện quốc gia (do EVN quản lý). Lý do là để tránh trường hợp lãng phí khi nhà máy điện công suất thấp, nhưng chi phí đầu tư cho đường truyền tải điện lại quá lớn, do quãng đường dài, mà chủ đầu tư các nhà máy điện không chịu gánh khoản này, bởi sẽ làm đội giá điện lên rất lớn.

Việc huy động các nhà máy điện cũng được thực hiện theo nguyên tắc rẻ trước, đắt sau. Nghĩa là mùa mưa, các nhà máy thủy điện, với lợi thế đầu vào là nước chỉ phải trả phí tài nguyên nước, có giá rẻ nhất sẽ được huy động tối đa.

 EVN: Giá điện không thể theo ý nhà đầu tư ảnh 1

Không dễ tăng giá

Do giá bán lẻ điện vẫn đang do Nhà nước quy định nên giá mua điện đầu vào cũng bị giới hạn theo. Bởi vậy, dù cung không phải lúc nào cũng đủ cầu, nhưng nhà sản xuất điện không thể tùy tiện nâng giá bán.

Theo quy định hiện hành, các nhà máy điện phải đàm phán xong giá điện bán cho EVN thì mới được khởi công xây dựng để tránh trường hợp nhà máy xây xong, có giá bán điện quá cao, bên mua không chấp nhận được, gây lãng phí đầu tư xã hội. Nhưng giá bán điện của từng nhà máy cũng khác nhau.

Ông Tạ Văn Hường, nguyên Vụ trưởng Vụ Năng lượng, Bộ Công thương cho biết, giá bán điện tùy vào điều kiện cụ thể của các nhà máy điện, chứ không phải cứ làm ra điện hay cùng là nhà máy thủy điện là có giá giống nhau.

Với trường hợp VSH, để tính giá bán điện của năm 2010, EVN đang áp dụng cách tính sản lượng điện thực tế nhân (x) với giá thành thực tế, sau đó cộng thêm (+) tỷ lệ lãi biên trước thuế trên vốn, cụ thể là 12,59%. Con số này được nhìn nhận là cao hơn so với một số nhà máy điện khác cũng hoạt động theo mô hình CTCP như Thác Bà (hiện là 7%) hay Phả Lại (thậm chí bị lỗ vì vướng tỷ giá). Mức giá tính toán này như phản ánh của VSH là bằng 90% giá của năm 2010.

Còn nếu chấp nhận giá điện như đã mua trong năm 2009 và tính ngược lại theo cách thức này, thì tỷ lệ lãi biên năm 2010 của VSH sẽ lên tới 25%, do sản lượng điện năm 2010 của VSH cao hơn so với năm 2009. Điều này được bên mua điện nhìn nhận là khó chấp nhận được với thực tế khó khăn, nợ nần chồng chất của EVN hiện nay. Hiện tại, chỉ riêng số nợ của EVN với hai doanh nghiệp là PVN và Vinacomin đã lên tới trên 10.000 tỷ đồng, gồm cả tiền mua điện và tiền mua than phát điện và chưa nhìn thấy nguồn trả.

Việc trông chờ thị trường điện cạnh tranh vận hành theo Quyết định 24/2011/QĐ-TTg xem ra cũng không dễ dàng, bởi chưa có nguồn trả các khoản nợ lớn, trong khi việc tăng giá điện theo nguyên tắc chi phí thực tế lại chưa có hiệu lực trong cuộc sống.

Ngoài ra, thị trường phát điện cạnh tranh sẽ hoạt động với nguyên tắc 95% sản lượng điện mua với giá theo hợp đồng (từng bước giảm dần xuống mức 65%), chỉ có 5% sản lượng là cạnh tranh (dần dần nâng lên 35% tương ứng), nên việc đàm phán giá điện theo Thông tư 41/2011/TT-BCT cũng là một cửa ải không dễ vượt qua. Câu chuyện giá điện tại VSH chưa biết đến bao giờ kết thúc khi một bên EVN là người mua duy nhất, nhưng hiện chỉ sở hữu hơn 30% vốn tại VSH, một bên là các cổ đông bên ngoài sở hữu gần 70% vốn tại VSH. Hiện cả hai bên đang chờ ý kiến từ Bộ Công thương và chúng tôi sẽ thông tin tiếp vấn đề này khi có diễn biến mới.

Thanh Hương
Thanh Hương

Tin cùng chuyên mục