Euro trượt giá và những nguy cơ

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Sự sụt giảm giá trị của đồng Euro đang đẩy Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và các nhà hoạch định chính sách vào tình thế khó khăn.
Euro trượt giá và những nguy cơ

Đồng Euro lao dốc

Lúc 15h ngày13/7/2022, tỷ giá đồng Euro giảm xuống mức 0,9998 USD, phá vỡ ngưỡng ngang giá lần đầu tiên kể từ tháng 12/2002 và tính riêng 6 tháng đầu năm 2022, đồng Euro mất 12% giá trị.

Giới phân tích cho rằng, nguyên nhân chính dẫn tới sự suy yếu của đồng Euro là những quan ngại về cuộc khủng hoảng năng lượng ở châu Âu, đặc biệt khi đường ống Dòng chảy phương Bắc 1 (Nord Stream 1) đưa khí đốt từ Nga tới châu Âu bắt đầu tạm ngừng vận hành từ ngày 11/7/2022 để bảo trì định kỳ.

Bên cạnh đó, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể tiếp tục tăng lãi suất USD thêm ít nhất 0,75%/năm ngay trong tháng 7/2022 do lạm phát vẫn ở mức cao, càng khiến đồng bạc xanh đi lên và gây áp lực đối với đồng Euro.

Các chiến lược gia của Nomura International dự báo, đồng Euro có thể giảm xuống mức thấp nhất mọi thời đại là 0,95 USD/Euro. Tương tự, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu ngoại hối của Ngân hàng Trung ương Đức, ông George Saravelos cho rằng, đồng Euro có nguy cơ giảm xuống mức 0,95 - 0,97 USD/Euro.

Nguy cơ lạm phát cao

Đồng Euro mất giá sẽ đẩy lạm phát tại châu Âu vốn đã cao kỷ lục lên mức cao hơn nữa và ngày càng xa mục tiêu của ECB là 2%. Tháng 6 vừa qua, lạm phát ở khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) lập kỷ lục mới là 8,6%.

Để chống lại việc tỷ giá đồng Euro chạm mốc thấp nhất trong 20 năm sẽ đòi hỏi ECB phải tăng lãi suất nhanh hơn, điều này có thể gây thêm khó khăn cho một nền kinh tế vốn đang đối mặt với nguy cơ suy thoái, thiếu khí đốt và việc chi phí năng lượng cao ngất ngưởng cũng đang làm suy giảm sức mua của người tiêu dùng.

Cho đến nay, ECB chưa có mục tiêu về tỷ giá hối đoái. Trong khi đó, Dirk Schumacher, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu vĩ mô châu Âu tại Natixis CIB cho biết, với mức lạm phát cao như hiện nay thì một đồng Euro mạnh hơn sẽ khá hữu ích, giúp hạ nhiệt lạm phát. Bởi lẽ, tỷ giá tăng sẽ làm tăng chi phí nhập khẩu, đặc biệt đối với năng lượng, khiến mọi thứ trở nên đắt đỏ hơn.

Theo các nghiên cứu mà ECB thường xuyên trích dẫn, tỷ giá hối đoái giảm 1% làm lạm phát tăng 0,1% trong một năm và tăng 0,25% trong 3 năm.

Vấn đề ở đâu?

Sự yếu kém của đồng Euro trước hết là do ECB và Fed đang “di chuyển” với tốc độ khác nhau. Trong khi Chủ tịch Fed Jerome Powell tuyên bố, ông sẵn sàng mạo hiểm với nguy cơ suy thoái kinh tế để tăng lãi suất quá mức nhằm giảm lạm phát, thì ECB chỉ thực hiện các bước nhỏ trong việc tháo gỡ chính sách tiền tệ nới lỏng ở thập kỷ trước, thời điểm mà lạm phát vẫn ở mức thấp. ECB có kế hoạch tăng lãi suất lần đầu tiên trong tháng 7 này, nhưng dự kiến chỉ nâng lãi suất huy động ra khỏi vùng âm trong tháng 9 tới.

Việc Fed tăng mạnh lãi suất USD đã mang lại cho các nhà đầu tư lợi nhuận cao hơn ở phía bên kia Đại Tây Dương, dẫn tới động thái chuyển tiền mặt ra khỏi châu Âu, khiến đồng Euro bị suy yếu trong quá trình này.

Thứ hai, sự phụ thuộc vào năng lượng, chủ yếu là khí đốt của Nga, khiến kinh tế Eurozone dễ bị tổn thương hơn, bởi giá năng lượng tăng vọt do hậu quả của xung đột Nga - Ukraine.

Thứ ba, dự luật năng lượng của Eurozone đã đẩy chi phí nhập khẩu lên cao, làm tăng thâm hụt tài khoản vãng lai, góp phần làm đồng Euro suy yếu.

Để hỗ trợ đồng Euro, ECB có thể thắt chặt chính sách tiền tệ sớm hơn, bao gồm mức tăng 50 điểm cơ bản vào tháng 9 và các động thái tương tự tiếp theo vào tháng 10 và tháng 12. Tuy nhiên, việc này có khả năng thúc đẩy tình trạng bán tháo ở ngoại vi của khối tiền tệ, gây ra những lo ngại về tính ổn định của các khoản nợ. Theo đó, ECB có thể lên kế hoạch mua trái phiếu nhằm hạn chế sự gia tăng chi phí đi vay đối với Ý, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha và Hy Lạp.

Đồng Euro suy yếu khiến hàng nhập khẩu vào châu Âu đắt đỏ hơn, kéo lạm phát lên cao, nhưng giúp thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa, từ đó kích thích kinh tế tăng trưởng. Tuy nhiên, lợi ích này có thể bị lấn át bởi giá hàng hóa tăng vọt do xung đột Nga - Ukraine, đặc biệt tại các nền kinh tế dựa nhiều vào xuất khẩu như Đức.

Đối với Việt Nam, các doanh nghiệp xuất khẩu thường mặc định thanh toán bằng USD, còn đồng Euro chỉ dùng trong khu vực EU. Do vậy, đồng Euro mất giá không ảnh hưởng nhiều tới doanh nghiệp, nhưng giá sản phẩm xuất khẩu trở nên cao hơn, có thể làm giảm sức cạnh tranh.

Diệp Anh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục