Đồng euro giảm xuống mức thấp nhất trong 20 năm so với đồng USD khi lo ngại suy thoái gia tăng

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Đồng euro đã giảm xuống mức thấp nhất trong hai thập kỷ vào thứ Ba (5/7) do lo ngại về suy thoái kinh tế trong khu vực đồng euro gia tăng, giá khí đốt tăng cao và căng thẳng ở Ukraine không có dấu hiệu hạ nhiệt.
Đồng euro giảm xuống mức thấp nhất trong 20 năm so với đồng USD khi lo ngại suy thoái gia tăng

Đồng euro có thời điểm giảm xuống mức thấp nhất là 1,028 USD trong ngày thứ Ba (5/7).

Lạm phát khu vực đồng Euro đạt mức kỷ lục 8,6% vào tháng 6, khiến Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) thông báo trước cho các thị trường về ý định tăng lãi suất lần đầu tiên sau 11 năm tại cuộc họp tháng 7.

Tuy nhiên, lo ngại ngày càng tăng về suy thoái có thể hạn chế khả năng thắt chặt chính sách tiền tệ của ngân hàng trung ương. Chỉ số Kinh tế Sentix tháng 7 công bố vào thứ Hai (4/7) cho thấy, tâm lý của nhà đầu tư trên 19 quốc gia khu vực đồng euro đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 5/2020, hướng tới một cuộc suy thoái "không thể tránh khỏi".

Lạm phát cao kỷ lục ở châu Âu được thúc đẩy bởi giá xăng tăng chóng mặt trong những tháng gần đây.

Hôm thứ Hai, giá khí đốt tự nhiên ở châu Âu đã kéo dài đà tăng và đạt mức cao kỷ lục kể từ đầu tháng 3 khi các cuộc đình công theo kế hoạch ở Na Uy đã làm gia tăng thêm nỗi lo lắng của thị trường về việc Nga cắt giảm nguồn cung.

Tất cả những yếu tố này đã hội tụ để tác động mạnh đến đồng euro. Đồng tiền của khu vực đồng euro đã mất hơn 9% giá trị so với đồng USD kể từ đầu năm nay.

Trong khi đó, sức mạnh của đồng USD vẫn tiếp tục khi các nhà đầu tư ngại rủi ro tìm kiếm một nơi trú ẩn an toàn và Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đang bước vào một chu kỳ tăng lãi suất nhanh chóng.

Sau khi tăng lãi suất chuẩn thêm 75 điểm cơ bản trong cuộc họp vào tháng 6, Chủ tịch Fed Jerome Powell cho biết, ngân hàng trung ương có thể tăng lãi suất ở mức tương tự trong tháng 7.

Hạc Hiên
Theo báo chí nước ngoài

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục