EU tiến tới áp dụng thuế quan tạm thời đối với xe điện nhập khẩu từ Trung Quốc

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Liên minh châu Âu (EU) đã tiến hành kế hoạch áp thuế tạm thời đối với hàng nhập khẩu xe điện sản xuất tại Trung Quốc - động thái có thể làm leo thang căng thẳng thương mại với Trung Quốc.
EU tiến tới áp dụng thuế quan tạm thời đối với xe điện nhập khẩu từ Trung Quốc

Hôm thứ Năm (4/7), EU xác nhận trong một thông cáo báo chí rằng, trong cuộc điều tra chống trợ cấp, EU sẽ áp dụng thuế tạm thời đối với ba nhà sản xuất Trung Quốc được lấy mẫu để điều tra. Nhà sản xuất MG SAIC Motor Corp. phải đối mặt với mức thuế 37,6% trong khi Geely và BYD sẽ phải chịu mức thuế lần lượt là 19,9% và 17,4%. Đây là mức thuế cao hơn nhiều so với mức thuế 10% tiêu chuẩn của EU đối với ô tô nhập khẩu.

Các nhà sản xuất xe điện khác ở Trung Quốc hợp tác với cuộc điều tra nhưng chưa được lấy mẫu sẽ phải chịu mức thuế bình quân gia quyền là 20,8%, trong khi các công ty không hợp tác sẽ phải chịu mức thuế 37,6%.

Các mức thuế tạm thời sẽ được áp dụng kể từ ngày 5/7 và các mức thuế chính thức sẽ có hiệu lực vào tháng 11 trừ khi hai bên đi đến một giải pháp thay thế nào đó hoặc đa số các quốc gia thành viên EU đủ điều kiện ngăn chặn động thái cuối cùng. Tesla có thể nhận được mức thuế được tính riêng ở giai đoạn cuối cùng đó sau khi có yêu cầu lấy mẫu.

EU cho biết, các cuộc đàm phán với Trung Quốc đã tăng cường trong những tuần gần đây, và cuộc điều tra kết luận rằng Trung Quốc trợ cấp cho ngành công nghiệp xe điện của mình đến mức gây tổn hại kinh tế cho các nhà sản xuất ô tô của khối.

Valdis Dombrovskis, Phó chủ tịch điều hành của Ủy ban châu Âu cho biết: “Những cuộc đàm phán với Trung Quốc đang diễn ra… Nếu một giải pháp cùng có lợi xuất hiện, chúng ta cũng có thể tìm cách để không áp dụng các mức thuế cuối cùng, nhưng rõ ràng là giải pháp này cần giải quyết sự biến dạng thị trường mà chúng ta hiện đang gặp phải”.

Trung Quốc đã đe dọa trả đũa và đã tiến hành cuộc điều tra chống bán phá giá đối với thịt lợn nhập khẩu. Những phát hiện của cuộc điều tra về rượu mạnh của EU sẽ có vào đầu năm tới nhưng có thể đến bất cứ lúc nào dựa trên những gì đã xảy ra trước đó. Trung Quốc đã cảnh báo rằng có thể nhắm tới hàng nông sản, hàng không và ô tô có động cơ lớn của châu Âu. Trung Quốc cũng có thể quyết định thách thức cuộc điều tra của EU tại Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).

“Chúng tôi không thấy có cơ sở để trả đũa vì những gì chúng tôi đang tiến hành thực sự phù hợp với các quy định của WTO”, ông Valdis Dombrovskis cho biết.

EU và Trung Quốc đã tham vấn về hướng đi trong thời gian tới và hai bên có kế hoạch tiếp tục đàm phán trong vòng 4 tháng tới.

Đối với EU, mọi giải pháp đều phải dựa trên các quy định của WTO và giải quyết các khoản trợ cấp bất lợi cơ bản mà cuộc điều tra đã xác định. Trong các cuộc đàm phán giữa hai bên, Trung Quốc đã yêu cầu EU không đưa ra các biện pháp tạm thời hoặc xem xét mức thuế thấp hơn dựa trên ít tiêu chí hơn và sau đó tăng thuế vào tháng 11 nếu như không thể tìm ra giải pháp trước khi đến hạn áp dụng thuế quan chính thức.

Các nguồn tin cho biết rằng mặc dù thuế quan có thể được điều chỉnh trong quá trình này, nhưng ưu tiên của EU trước tiên là thiết lập sự hiểu biết chung về thực tế trước khi tìm ra một giải pháp được các bên thống nhất tuân thủ các quy định của WTO.

Hôm thứ Năm (4/7), Bộ Thương mại Trung Quốc cho biết nước này hy vọng sẽ sớm đạt được thỏa thuận với EU về mức thuế dự kiến ​​của khối đối với ô tô điện nhập khẩu từ Trung Quốc.

“Chúng tôi hy vọng rằng phía châu Âu sẽ hợp tác với Trung Quốc để đạt được thỏa thuận giữa hai bên, thể hiện sự chân thành, đẩy nhanh quá trình tham vấn và trên cơ sở các quy tắc và thực tế, đạt được giải pháp mà các bên cùng chấp nhận càng sớm càng tốt”, người phát ngôn của Bộ Thương mại Trung Quốc cho biết.

Theo ước tính của Moritz Schularick, chủ tịch Viện Kinh tế Thế giới Kiel của Đức, mức thuế mới này có thể sẽ làm giảm 25% lượng xe nhập khẩu từ Trung Quốc, trị giá khoảng 4 tỷ USD.

Nhiều nhà sản xuất ô tô châu Âu đã lên tiếng phản đối mức thuế cao hơn, trong đó các công ty như Mercedes-Benz và Volkswagen đã phản đối mức thuế mới. Trung Quốc cũng là thị trường lớn nhất của Mercedes, Volkswagen và BMW.

Giám đốc điều hành BMW Oliver Zipse cho biết thuế quan là “ngõ cụt” và sẽ không củng cố được các nhà sản xuất ô tô châu Âu. Nó không chỉ gây tổn hại cho mô hình kinh doanh của các công ty hoạt động trên toàn cầu, mà còn hạn chế việc cung cấp ô tô điện cho khách hàng châu Âu và do đó thậm chí có thể làm chậm quá trình khử carbon trong lĩnh vực giao thông vận tải.

Hạc Hiên
Theo báo chí nước ngoài

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục