EU tăng điều tra chống lẩn tránh thuế với hàng hóa nhập khẩu

0:00 / 0:00
0:00
Trong bối cảnh căng thẳng thuế quan trên toàn cầu, EU tăng cường áp dụng chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại trong nhiều lĩnh vực, bao gồm các hàng hóa nông nghiệp, hóa chất, sản phẩm công nghiệp chế biến, chế tạo.
EU tăng điều tra chống lẩn tránh thuế với hàng hóa nhập khẩu

Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công thương) thông tin, trong bối cảnh căng thẳng thuế quan trên toàn cầu, Liên minh châu Âu (EU) đang tích cực điều tra và mở rộng các biện pháp phòng vệ thương mại đối với hàng hóa được cho rằng đang lẩn tránh các biện pháp phòng vệ thương mại hiện hành.

Biện pháp lẩn tránh thuế thường thông qua các hoạt động như chuyển sản xuất sang các nước thứ ba hoặc sửa đổi hàng hóa để tránh thuế quan.

Gần đây, EU đã tiến hành điều tra chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại và mở rộng các biện pháp trong nhiều lĩnh vực, bao gồm các hàng hóa nông nghiệp, hóa chất và đặc biệt là nhóm hàng công nghiệp chế biến, chế tạo.

Để điều tra hàng hóa có dấu hiệu lẩn tránh thuế, Ủy ban châu Âu sẽ điều tra xem liệu các hoạt động như chuyển đổi sản xuất hoặc sửa đổi hàng hóa ở mức độ nhỏ, có được sử dụng để lẩn tránh thuế chống bán phá giá hay thuế chống trợ cấp hiện hành hay không.

Điều này có thể liên quan đến việc xem xét các mô hình thương mại, quy trình sản xuất và đặc điểm của hàng hóa nhập khẩu để xác định xem có hay không hành vi lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại.

Các ví dụ cụ thể bao gồm các cuộc điều tra về việc nhập khẩu một số hàng hóa nhất định từ các quốc gia áp dụng thuế chống bán phá giá, ngay cả khi những hàng hóa đó được dán nhãn lại hoặc sản xuất ở một địa điểm khác.

Việc điều tra giúp EU chủ động ngăn chặn các hoạt động trốn thuế bằng cách mở rộng các biện pháp sang các nước thứ ba và các hàng hóa liên quan hoặc nghi ngờ là chỉ có chỉnh sửa nhỏ so với hàng hóa thuộc diện bị áp thuế.

Thống kê của EU cho thấy, khoảng 9% tổng số vụ điều tra mới trong giai đoạn 2015-2024 là điều tra chống lẩn tránh các biện pháp phòng vệ thương mại. Trong đó, hầu hết các vụ điều tra và áp dụng biện pháp chống lẩn tránh thuế bán phá giá đã áp dụng với hàng hóa nhập khẩu vào EU.

Trong giai đoạn 2015-2024, có thể thấy trùng khớp với thời gian Mỹ bắt đầu áp dụng các biện pháp thương mại cứng rắn với hàng hóa từ Trung Quốc (năm 2018), theo đó EU cũng tăng cường các biện pháp phòng vệ thương mại để tránh một lượng hàng lớn từ Trung Quốc và/hoặc các nước khác không thể xuất khẩu sang Mỹ chuyển hướng với thị trường EU, gây khó khăn cho các ngành sản xuất nội địa của EU.

Số vụ điều tra áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại mới có xu hướng tăng từ năm 2019 đến nay, trong năm 2022 đã lên tới 59 vụ việc, riêng năm 2023 cũng là năm có số vụ điều tra chống lẩn tránh cao nhất của EU, lên tới 13 vụ việc.

Tính chung cả giai đoạn 2015-2024, có 487 vụ việc điều tra để áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại , trong đó có 44 vụ điều tra chống lẩn tránh.

Nguồn: Số liệu của Ủy ban châu Âu.
Nguồn: Số liệu của Ủy ban châu Âu.

EU dự kiến sẽ tiếp tục những nỗ lực trên, theo dõi các mô hình thương mại và tích cực điều tra mọi trường hợp lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại .

Theo Cục Phòng vệ thương mại, các nỗ lực chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại của EU trong năm 2025 sẽ tập trung vào việc theo dõi số liệu, hiện tượng, phát hiện và điều tra các trường hợp công ty hoặc hàng hóa trốn thuế chống bán phá giá hoặc các biện pháp phòng vệ thương mại khác.

EU sẽ mở rộng các biện pháp phòng vệ cho các hàng hóa hoặc công ty liên quan đến việc lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại, đảm bảo rằng các biện pháp ban đầu vẫn có hiệu quả và không thể bị lợi dụng bằng các hành vi gian lận, thương mại không công bằng.

EU hiện là một trong những thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam, chỉ sau Mỹ, Trung Quốc, năm 2024, Việt Nam đã xuất khẩu 51,66 tỷ USD sang EU, tăng 18,5%, tương ứng tăng 8,08 tỷ USD so với năm trước, 6 tháng đầu năm nay, xuất khẩu sang EU tăng 10%, đạt 27,3 tỷ USD, trong đó tập trung vào nhóm hàng công nghiệp chế biến chế tạo, nông, lâm, thủy sản...

Do đó, các doanh nghiệp phải thận trọng hơn với nguyên liệu để sản xuất hàng xuất khẩu, thực hiện minh bạch xuất xứ, lưu trữ thông tin đầy đủ về các lô hàng xuất khẩu...

Trong 6 tháng đầu năm 2025, hàng hóa xuất khẩu Việt Nam phải đối mặt với 14 vụ việc điều tra phòng vệ thương mại nước ngoài mới khởi xướng phát sinh từ 9 thị trường (tăng 1 vụ so với cùng kỳ năm 2024). Mỹ vẫn là nước điều tra nhiều nhất với 6 vụ việc (chiếm gần 43% số vụ việc 6 tháng đầu năm 2025).

Hải Yến
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục