Theo nội dung đề xuất được công bố ngày 20/9, 27 nước thành viên EU sẽ thảo luận về vấn đề này trong ngày 22/9 và bỏ phiếu thông qua vào ngày 13/10. Đề xuất được thông qua nếu nhận được phiếu ủng hộ của 15 nước thành viên với tổng số dân chiếm tối thiểu 65% dân số EU.
Giấy phép sử dụng glyphosate hiện hành hết hạn vào tháng 12/2022 nhưng đã được EU gia hạn 1 năm trong lúc chờ kết quả nghiên cứu khoa học về loại thuốc diệt cỏ vốn được sử dụng rộng rãi trên thế giới này.
EC đề xuất cho cấp phép sử dụng hóa chất này đến ngày 15/12/2033, gấp đôi thời hạn 5 năm của giấy phép cũ nhưng cũng đã rút ngắn so với thời hạn 15 năm được đề xuất ban đầu. Văn bản nội dung đề xuất có đoạn nêu rõ việc sử dụng glyphosate phải đi kèm với các biện pháp giảm thiểu nguy cơ.
EC đề nghị các nước thành viên chịu trách nhiệm cấp phép sử dụng glyphosate và đặt ra các điều kiện sử dụng tại mỗi nước phải chú ý dặc biệt tới những tác động về môi trường. Đề xuất cũng cấm sử dụng glyphosate với mục đích làm khô hoa màu trước khi thu hoạch.
EC đưa ra đề xuất trên sau khi tháng 7 vừa qua, Cơ quan An toàn thực phẩm châu Âu cho biết, không phát hiện vấn đề đặc biệt đáng lo ngại đến mức phải cấm cấp phép sử dụng glyphosate. Kết luận này vấp phải sự phản đối mạnh mẽ từ các tổ chức bảo vệ môi trường.
Theo các nhà hoạt động vì môi trường, có những bằng chứng khoa học cho thất glyphosate có thể gây ung thư, đầu độc môi trường thủy sinh và có thể tiêu diệt cả một số loài thụ phấn quan trọng trong hệ sinh thái tự nhiên như ong. Việt Nam đã cấm sử dụng glyphosate từ năm 2021.
Trước đó, năm 2015, một cơ quan nghiên cứu ung thư của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã kết luận glyphosate có thể là chất gây ung thư ở người nhưng các cơ quan khác trên thế giới, trong đó có Cơ quan bảo vệ môi trường Mỹ (EPA) và Cơ quan Hóa chất châu Âu, đã đánh giá glyphosate là không phải chất gây ung thư.
Trong khi đó, hãng dược phẩm Bayer (Đức) khẳng định các nghiên cứu được thực hiện trong nhiều thập niên chỉ ra hóa chất này an toàn và đã được nông dân ở nhiều nơi trên thế giới sử dụng trong nhiều năm.
Bayer đã sở hữu thương hiệu thuốc diệt cỏ Roundup, chứa glyphosate, theo thỏa thuận mua tập đoàn hóa chất nông nghiệp Monsanto trị giá 63 tỷ USD năm 2018.