EC hạ dự báo tăng trưởng của EU trong khi lạm phát vẫn dai dẳng

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Báo cáo mới công bố hôm thứ Hai (11/9) của Ủy ban châu Âu (EC) đã hạ dự báo tăng trưởng của kinh tế EU xuống chỉ còn 0,8% trong năm nay và 1,4% vào năm 2024, trong khi lạm phát vẫn dai dẳng.
EC hạ dự báo tăng trưởng của EU trong khi lạm phát vẫn dai dẳng

Con số mới này thấp hơn mứ dự đoán được đưa ra trong báo cáo công bố hồi tháng 5 về mức tăng trưởng 1% trong năm nay và 1,7% vào năm 2024. Lý do EC đưa ra là do giá cả cao và nền kinh tế Đức đang suy thoái, ảnh hưởng đến chi tiêu tiêu dùng và sản lượng nhà máy trên toàn khối.

Paolo Gentiloni, Ủy viên châu Âu về kinh tế cho biết: “Nền kinh tế EU đã mất đà kể từ mùa Xuân. Hoạt động kinh tế bị đình trệ trong quý 2 và các chỉ số khảo sát cho thấy sự suy yếu hơn nữa trong những tháng tới”.

Các số liệu mới dự đoán GDP thực tế của Đức sẽ giảm 0,4%, so với mức tăng 0,2% được dự báo trước đó. Nền kinh tế Đức được dự báo vẫn sẽ tăng trưởng 1,1% vào năm 2024, nhưng với tốc độ chậm hơn dự kiến ​​trong dự báo mùa Xuân của EC.

“Nhìn chung, khi nền kinh tế lớn nhất của liên minh tăng trưởng âm sẽ ảnh hưởng đến tất cả mọi người”, ông Paolo Gentiloni cho biết.

Việc điều chỉnh tốc độ tăng trưởng của EU được đưa ra khi Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) chuẩn bị đưa ra quyết định quan trọng vào thứ Năm (14/9) về việc có nên tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát cao ở châu Âu hay giữ nguyên lãi suất để ngăn chặn tình trạng suy thoái tồi tệ hơn.

EC cho biết, lạm phát sẽ giảm xuống 6,5% trong năm nay - thấp hơn mức dự báo trước đó là 6,7%, nhưng đồng thời cũng cảnh báo rằng, lạm phát sẽ vẫn ở mức 3,2% vào năm 2024, cao hơn 0,1% so với dự đoán trước đó.

Triển vọng kinh tế của châu Âu đã suy yếu trong những tháng gần đây do sản xuất suy thoái, thương mại với Trung Quốc chững lại, cắt giảm các biện pháp hỗ trợ của chính phủ và thắt chặt chi tiêu của người tiêu dùng do lạm phát cao và chi phí vay tăng cao.

EC cho biết: “Giá tiêu dùng đã tăng cao và vẫn đang tăng đối với hầu hết hàng hóa, dịch vụ. Điều này đang gây thiệt hại nặng nề hơn dự kiến”.

Triển vọng xấu đi của nền kinh tế khu vực đã làm tăng kỳ vọng rằng ECB sẽ tạm dừng tăng lãi suất. Tuy nhiên, vẫn còn lo ngại về lạm phát của khu vực đồng euro hiện cao hơn nhiều so với mục tiêu 2% của ECB, mặc dù lạm phát đã giảm một nửa từ mức cao kỷ lục là 10,6% vào tháng 10/2022 xuống còn 5,3% vào tháng 8/2023.

EC cho biết: “Lạm phát trong lĩnh vực dịch vụ cho đến nay vẫn dai dẳng hơn dự kiến ​​trước đây, nhưng nó sẽ tiếp tục ở mức vừa phải do nhu cầu giảm bớt dưới tác động của việc thắt chặt chính sách tiền tệ và sự gia tăng hậu Covid giảm dần”.

Áp lực lạm phát gia tăng đến từ giá dầu tăng và đồng euro suy yếu đẩy chi phí nhập khẩu tăng cao, đồng nghĩa với việc một đợt tăng lãi suất khác của ECB vẫn có khả năng xảy ra.

EC cho biết, triển vọng không thay đổi về tăng trưởng và thương mại toàn cầu có nghĩa là EU không thể dựa vào nhu cầu từ các nước khác để hỗ trợ nền kinh tế của mình.

Hạc Hiên
Theo báo chí nước ngoài

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục