EU chấp thuận để Anh ra đi, chuyện gì sẽ diễn ra?

(ĐTCK) Liên minh châu Âu (EU) đã chấp nhận thỏa thuận với Anh về vấn đề Brexit. Cụ thể, tại hội nghị đặc biệt của Hội đồng châu Âu, lãnh đạo 27 quốc gia thành viên đã tán thành Thỏa thuận rút lui, với các nội dung liên quan tới việc Anh sẽ rời khỏi EU vào tháng 3/2019 và Tuyên bố chính trị - thiết lập cơ sở các thỏa thuận về hoạt động thương mại trong tương lai.

Trước đó, các bên đã mất 17 tháng để thỏa thuận về các điều khoản cho việc Anh rời EU (thường gọi là Brexit), bao gồm các vấn đề tài chính, quyền công dân, Bắc Ireland và các sắp xếp cho giai đoạn 21 tháng sau Brexit.

Người đứng đầu Hội đồng châu Âu Donald Tusk cho biết: “Phía trước vẫn còn một quá trình rất khó khăn, cũng như sẽ có thêm các cuộc thảo luận khác. Nhưng dù câu chuyện này kết thúc như thế nào, có một điều chắc chắn là: Chúng ta vẫn là bạn bè cho tới mai sau”.

Thông điệp này của ông Tusk nhắc nhở nước Anh rằng, EU vẫn là một đồng minh và đối tác thương mại quan trọng đối với quốc gia này, thay vì hình ảnh kẻ thù mà một số chính trị gia Anh đang mô tả.

Tuy nhiên, với Thủ tướng Anh Theresa May, các lãnh đạo EU mới là cánh cửa đầu tiên, chướng ngại vật tiếp theo là việc nghị viện nước này phải chấp nhận thỏa thuận. Hiện tại, Nghị viện Anh chưa hề có tín hiệu thể hiện ý định sẽ làm vậy.

Ngay khi Thỏa thuận rút lui còn chưa ráo mực, Đảng Lao động đối lập cho biết sẽ bỏ phiếu chống lại thỏa thuận này. Trước đó, các thành viên Đảng Lao động thuộc Nghị viện Anh đã tỏ thái độ sẽ chống lại bất kỳ thỏa thuận nào mà Đảng Bảo thủ (hiện đang nắm vai trò lãnh đạo) đạt được với EU. Chưa kể, 80 thành viên Nghị viên thuộc Đảng Bảo thủ của bà May cũng cho biết họ không đồng tình với thỏa thuận này.

Đặc biệt, Đảng Dân chủ bảo thủ (Democratic Unionist Party – DUP), một đảng tại Bắc Ailen cũng tỏ thái độ chối từ. Như vậy, trừ khi đa phần các thành viên kể trên đột ngột thay đổi ý định, còn không bà May sẽ phải đối diện với một thất bại đã sớm được cảnh báo.

Vậy điều gì sẽ xảy ra khi thỏa thuận này thất bại? EU cho biết, Liên minh châu Âu sẽ không mở lại các cuộc đàm phán. Điều này có đồng nghĩa với việc không còn thỏa thuận Brexit?

Theo các chuyên gia, bà May có thể sử dụng tình cảnh “chơi vơi” không có thỏa thuận Brexit nào để buộc Nghị viện tiến hành bỏ phiếu lần 2, lần 3. Hiện tại, Thủ tướng Anh đối diện với rủi ro các thành viên Nghị viện muốn bà rời khỏi vị trí, nhưng nỗ lực gần đây nhất đã bất thành.

Cụ thể, trong cuộc bỏ phiếu tín nhiệm gần nhất, các thành viên của Đảng Bảo thủ dù không mặn mà với bà Theresa May, nhưng cũng không ủng hộ việc tìm người lãnh đạo mới. Thực tế, rất nhiều thành viên Đảng Bảo thủ không thích thỏa thuận rời khỏi EU hiện tại, nhưng điều này không đồng nghĩa với việc họ muốn tìm thủ lĩnh mới.

Bên cạnh đó, hiện tại, Đảng Lao động đang kỳ vọng việc bỏ phiếu chống lại Thỏa thuận rút lui có thể khiến Chính phủ phải tổ chức một cuộc bầu cử mới. Nếu Đảng Lao động giành chiến thắng trong cuộc bầu cử này, họ có thể thử nối lại các đàm phán về Brexit.

Jeremy Corbyn, tân lãnh đạo Đảng Lao động cho biết: “Chúng tôi sẽ làm việc cùng những người khác để ngăn chặn tình trạng không có thỏa thuận nào hết và đảm bảo rằng, kế hoạch thay thế của Đảng Lao động sẽ đủ sức gắn kết toàn bộ quốc gia”. Thực tế, kế hoạch của Đảng Lao động hiện tại đang được đánh giá là “phương án mềm mỏng nhất” của Brexit và hoàn toàn có thể thay thế kế hoạch hiện tại của bà May.

Ngay sau khi EU chấp thuận Thỏa thuận rút lui, một nghiên cứu của National Institute of Economic and Social Research chỉ ra rằng, cho tới năm 2030, tức là thập kỷ đầu tiên sau khi Anh rời khỏi EU, tăng trưởng GDP của quốc gia này sẽ giảm khoảng 3%. Đồng thời, tổng giao dịch thương mại giữa Anh và EU sẽ giảm khoảng 46%. Cụ thể hơn, Thỏa thuận rút lui nếu được thực hiện sẽ khiến nước Anh thiệt hại khoảng 100 tỷ bảng mỗi năm cho tới năm 2030.

Lam Phong - Theo báo chí nước ngoài

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục