Trước tiên, EU phải khắc phục được sự chia rẽ giữa các quốc gia thành viên về vòng trừng phạt mới nhằm vào Nga, trong đó có lệnh cấm nhập khẩu dầu mỏ, bởi đã có hai quốc gia EU "đòi" miễn trừ lệnh cấm do họ phụ thuộc nhiều vào nguồn hợp chất hydrocacbon nhập khẩu từ Nga.
EU đã áp dụng các biện pháp trừng phạt mạnh tay nhằm vào Nga sau khi Moscow mở chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine vào cuối tháng 2. Tuy nhiên, việc cắt giảm hay cắt đứt hoàn toàn nguồn năng lượng nhập khẩu từ Nga là một quyết định rất khó khăn với EU, bởi khối này lâu nay phụ thuộc nhiều vào năng lượng từ Moscow. Đơn cử, năm 2020, có đến EU nhập khẩu 25% lượng dầu thô từ Nga, theo Cơ quan thống kê của EU.
Đài CNBC đưa tin, Ủy ban châu Âu, cơ quan hành pháp của EU, dự kiến đưa ra đề xuất về các lệnh trừng phạt dầu mỏ mới nhằm vào Nga vào cuối ngày 3/5 hoặc sáng ngày 4/5. Tuy nhiên, Slovakia và Hungary muốn được miễn trừ khỏi các lệnh trừng phạt này.
Ngoại trưởng Hungary Peter Szijjarto hôm 3/5 cho biết, quốc gia này sẽ không ủng hộ các biện pháp trừng phạt khiến họ không thể nhập khẩu dầu mỏ từ Nga, theo Reuters.
Hungary tỏ ra nghi ngại về việc áp dụng các biện pháp trừng phạt năng lượng đối với Nga.
Hungary được cho là có quan hệ ấm áp hơn với Nga so với các quốc gia châu Âu khác. Một ví dụ điển hình gần đây phản ánh mối quan hệ chặt chẽ giữa hai bên là việc Hungary trở thành quốc gia EU đầu tiên mua vắc-xin kháng Covid-19 do Nga sản xuất, mặc dù vắc-xin này không được các cơ quan chức năng châu Âu chấp thuận.
Trong thập kỷ qua, Hungary đã tăng tỷ trọng nhập khẩu khí đốt tự nhiên của Nga, từ 9,070 triệu m3 vào năm 2010 lên mức cao 17,715 triệu m3 vào năm 2019, theo Cơ quan Thống kê châu Âu (Eurostat).
Một khi Ủy ban châu Âu đề xuất một gói trừng phạt mới nhằm vào Nga, thì các quốc gia thành viên phải "bật đèn xanh" gói trừng phạt đó. Có thể EU sẽ đạt được một thỏa thuận về vòng trừng phạt lần thứ 6 trong hai cuộc họp riêng biệt giữa các đại sứ châu Âu. Cuộc thảo luận đầu tiên diễn ra vào sáng 4/5.
EU đang đẩy nhanh gói các biện pháp trừng phạt mới đối với Moscow ra sau khi Tập đoàn năng lượng nhà nước Nga Gazprom ngừng cấp khí đốt tự nhiên đến 2quốc gia thành viên EU (là Ba Lan và Bulgaria) vào tuần trước, làm dấy lên lo ngại rằng, các nước thành viên khác của EU sẽ gặp phải các vấn đề tương tự.
"Điều đó cho thấy rõ ràng rằng họ (Gazprom - BTV) không phải là nhà cung cấp đáng tin cậy và điều đó có nghĩa là các quốc gia thành viên phải có kế hoạch sẵn sàng cho sự gián đoạn nguồn cung hoàn toàn", bà Kadri Simson, Ủy viên phụ trách năng lượng của EU nói tại cuộc họp báo đầu tuần này.
"Đó là một sự vi phạm vô cớ đối với các hợp đồng hiện có và cũng là lời cảnh báo rằng bất kỳ quốc gia thành viên nào cũng có thể là đối tượng kế tiếp", bà Kadri Simson nói thêm.
Trong bối cảnh đó, EU đang chạy đua để tìm kiếm các nhà cung cấp năng lượng thay thế để kịp thời bổ sung nguồn cung cho mùa đông năm sau.
Theo tính toán của Ủy ban châu Âu, ít nhất 80% kho chứa khí đốt tự nhiên của châu Âu sẽ được lấp đầy vào tháng 11 tới và một phần nguồn năng lượng của khối này sẽ được chuyển hướng để hỗ trợ Ba Lan và Bulgaria - hai quốc gia EU vừa bị Gazprom cắt nguồn cung khí đốt tự nhiên.