Ba Lan muốn EU ra thời điểm cụ thể dừng nhập dầu mỏ từ Nga

0:00 / 0:00
0:00
Dữ liệu cho thấy kho chứa 3,5 tỷ mét khối khí của Ba Lan đã đầy 76%, tạo cho nước này một vùng đệm thoải mái để tiếp tục cung cấp cho khách hàng theo yêu cầu khi mùa Đông kết thúc.
Một trạm vận chuyển khí đốt ở Rembelszczyzna, gần Warsaw (Ba Lan) ngày 27/4/2022. (Ảnh: PAP/TTXVN). Một trạm vận chuyển khí đốt ở Rembelszczyzna, gần Warsaw (Ba Lan) ngày 27/4/2022. (Ảnh: PAP/TTXVN).

Bộ trưởng Khí hậu Ba Lan Anna Moskwa ngày 2/5 cho biết Ba Lan muốn Liên minh châu Âu (EU) đưa ra một thời điểm cụ thể mà các nước thành viên phải ngừng nhập khẩu dầu của Nga, đồng thời bày tỏ hy vọng lệnh cấm vận có thể có hiệu lực trước cuối năm nay.

Bộ trưởng Moskwa nói: “Tôi muốn gói (trừng phạt) này bao gồm một ngày tháng và yêu cầu thật cụ thể và rõ ràng cho tất cả các quốc gia... (để trở thành) một gói trừng phạt hoàn chỉnh không có bất kỳ kẽ hở nào.”

EU có kế hoạch áp đặt lệnh cấm đối với hoạt động nhập khẩu dầu mỏ từ Nga vào cuối năm nay, sau những cuộc thảo luận giữa Ủy ban châu Âu và các nước thành viên EU tới đây.

Bà Anna Moskwa cũng cho biết Ba Lan sẵn sàng độc lập hoàn toàn khỏi dầu mỏ của Nga và sẽ hỗ trợ các nước khác cắt nguồn cung cấp nhiên liệu hóa thạch từ Nga. Bà cũng khẳng định các kho dự trữ khí đốt của Ba Lan sẽ được lấp đầy cho mùa Đông.

Dữ liệu cho thấy kho chứa 3,5 tỷ mét khối khí của Ba Lan đã đầy 76%, tạo cho nước này một vùng đệm thoải mái để tiếp tục cung cấp cho khách hàng theo yêu cầu khi mùa Đông kết thúc và mức tiêu thụ thường giảm xuống khoảng 1 tỷ mét khối khí mỗi tháng trong mùa ấm.

Sau khi bị Tập đoàn Gazprom của Nga ngừng cung cấp khí đốt tự nhiên do không đồng ý trả tiền bằng đồng ruble, Ba Lan đã phải tính tới một số lựa chọn. Các công ty tiêu thụ khí đốt công nghiệp hàng đầu Ba Lan hiện không bị ảnh hưởng khi bị Nga cắt nguồn cung.

Các nhu cầu còn lại của Ba Lan được đáp ứng bằng 6,2 tỷ mét khối khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) được vận chuyển đến Swinoujscie, khoảng 4 tỷ mét khối được sản xuất trong nước và 3 tỷ mét khối được bơm từ Cộng hòa Séc và Đức.


Theo TTXVN

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục