EU bỏ ưu đãi thuế quan đối với giày da Việt Nam: Nước đến chân mới nhảy

Nỗi lo lớn nhất hiện nay là chính sách trên sẽ tác động trực tiếp đến cả triệu người lao động trong ngành giày. Vấn đề bãi bỏ thuế quan ưu đãi vào thị trường EU đã được LEFASO tiên lượng và cảnh báo từ 2 năm qua. Tuy nhiên, vẫn còn một số doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp có vốn trong nước, vẫn không có chính sách đối phó
Hiện nay, thu nhập của công nhân ngành giày đang rất thấp. Nếu các đối tác hạ giá gia công thì đời sống của người lao động sẽ càng khốn khó.

Ngay sau khi được thông tin các doanh nghiệp VN không được hưởng ưu đãi thuế quan phổ cập (GSP) của Liên hiệp châu Âu (EU), Hiệp hội Da giày VN (LEFASO) đã thông tin đến các thành viên và khuyến cáo họ tăng cường các biện pháp để ứng phó với tình hình. Ngành da giày VN vốn đang khó khăn nay lại tiếp tục trải qua những cơn sóng gió mới.

 

Mất thêm 100 triệu USD mỗi năm

 

Hiện nay, da giày là ngành công nghiệp quan trọng của VN. Trong năm 2007, kim ngạch xuất khẩu đạt khoảng 4 tỉ USD, trong đó, riêng thị trường châu Âu đạt khoảng 2,2 tỉ USD. Trong thông cáo báo chí ngày 16-6, LEFASO nhận định: Chính sách ưu đãi thuế quan GSP có đóng góp rất lớn vào sự tồn tại và phát triển của ngành da giày VN trong những năm qua. Bãi bỏ GSP sẽ có tác động rất lớn đến kim ngạch của nền kinh tế. Sự tác động của vấn đề này còn lan sang cả lĩnh vực xã hội bởi có khoảng 1 triệu lao động đang làm việc trong ngành da giày sẽ chịu ảnh hưởng.

 

Ông Nguyễn Đức Thuấn, Chủ tịch LEFASO, cho biết: Khi áp dụng chính sách này, bình quân mỗi đôi giày xuất khẩu vào EU phải tăng thêm thuế nhập khẩu từ 3,5% – 5%. Nếu tính toàn ngành giày thì mỗi năm số tiền thuế phát sinh sẽ hơn 100 triệu USD. Từ thực tế này cho thấy lợi thế cạnh tranh về giá của ngành da giày sẽ suy giảm so với các nước trong khu vực, nhất là Bangladesh , Indonesia , là những nước đang hưởng ưu đãi thuế quan GSP. Dự báo, để tiếp tục hưởng lợi thế này, sẽ có một số đối tác của các doanh nghiệp VN dời đơn hàng sang các nước vẫn còn hưởng GSP.

 

Không thể hạ giá gia công

 

Một cán bộ Công đoàn chia sẻ: Nỗi lo lớn nhất hiện nay là chính sách trên sẽ tác động trực tiếp đến cả triệu người lao động trong ngành giày. Hiện nay, thu nhập ngành giày đang rất thấp so với các ngành khác. Nếu các đối tác hạ giá gia công thì đời sống của người lao động sẽ càng khốn khó.

 

Theo bà Nguyễn Thị Xuân Lan, Giám đốc Công ty Giày Thiên Lộc –TPHCM, người chịu tác động trực tiếp của chính sách thuế quan này là người tiêu dùng châu Âu. Bà Lan phân tích: Hiện nay, giá gia công một đôi giày chỉ khoảng 1,5 USD. Với giá này, thu nhập của công nhân dao động từ 1,8 triệu– 2 triệu đồng/tháng và không thể hạ thấp hơn. Do vậy, nếu bỏ ưu đãi thuế, chắc chắn sẽ phải tăng giá bán vào thị trường EU. Điều đáng lo là giá tăng thì sản lượng tiêu thụ giảm, ảnh hưởng đến đơn hàng của các doanh nghiệp và thu nhập, đời sống công nhân.

 

Đồng quan điểm trên, ông Yên Khải Vinh, Giám đốc Xí nghiệp Rubimex 3 – TPHCM, khẳng định: Giá gia công hiện nay đã thấp nhất trong khu vực nên không thể hạ giá hoặc chuyển đơn hàng sang các nước khác. Do vậy, việc tăng giá thành và giá bán sản phẩm là biện pháp mà các đối tác phải áp dụng.

 

Mở rộng thị trường là tất yếu

 

Vấn đề bãi bỏ thuế quan ưu đãi vào thị trường EU đã được LEFASO tiên lượng và cảnh báo từ 2 năm qua. Tuy nhiên, vẫn còn một số doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp có vốn trong nước, vẫn không có chính sách đối phó. Ông Nguyễn Văn Khánh, Tổng Thư ký Hiệp hội Da giày TPHCM, cho biết: “Bãi bỏ ưu đãi thuế là vấn đề tất yếu. Tuy vậy, nó đã đến hơi sớm, trong khi các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp chưa được thực hiện”. Ông Khánh đưa ra giải pháp mở rộng thị trường để tránh rủi ro là biện pháp tiên quyết. Riêng thị trường Mỹ, kim ngạch nhập khẩu giày từ VN khoảng 800 triệu USD mỗi năm. Đây là thị trường tiềm năng, có thể mở rộng.

 

Ông Nguyễn Đức Thuấn cũng nhận định: Từ Mỹ, hàng da giày có thể đi khắp các nước trong khu vực như Canada , Mexico ... Tuy nhiên, giám đốc một doanh nghiệp giày tại tỉnh Bình Dương đặt lại vấn đề: Đây chỉ là những biện pháp ngắn hạn, có tính đối phó. Cứ như thế này, chúng ta mãi mãi làm gia công, làm giàu cho những công ty trung gian, những công ty đã xây dựng được thương hiệu.


NLĐ

Tin cùng chuyên mục