ESOP tại doanh nghiệp Việt: Lãnh đạo triệu USD, nhân viên dăm tỷ

Rất nhiều người lao động Việt có thể nhận mức lương thưởng hàng trăm tỷ đồng khi làm việc tại các DN lớn trong nước. Đây là một sự thay đổi rất lớn và về phương diện tích cực được xem là động lực nâng cao năng suất lao động tại Việt Nam.
ESOP tại doanh nghiệp Việt: Lãnh đạo triệu USD, nhân viên dăm tỷ

Thu ngay trăm tỷ

CTCP Tập đoàn Masan (MSN) vừa công bố thông tin liên quan đến chương trình phát hành cổ phiếu lựa chọn cho người lao động (ESOP). Theo đó, hơn 9,35 triệu cổ phiếu ESOP cho người lao động đã được đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thông qua trước đó sắp thành hiện thực.

Dự kiến ngay trong nửa đầu tháng 6/2016, MSN sẽ phát hành số cổ phiếu ESOP này và cán bộ công nhân viên được nhận cổ phiếu ESOP có thể bán ngay trên thị trường để chuyển hóa thành tiền.

Với mức giá 68.500 đồng/cp (tính tới giữa phiên giao dịch 6/6), số tiền mà cán bộ công nhân viên chủ chốt của Masan nhận về trị giá tổng cộng hơn 640 tỷ đồng.

Trước đó, Masan cũng đã thực hiện một số chương trình phát hành cổ phiếu ESOP. Trong năm 2013, Tổng giám đốc Masan Group Madhur Maini đã bất ngờ lọt danh sách tốp 30 người nhất TTCK Việt Nam nhờ mua 6 triệu cổ phiếu ESOP, trị giá thị trường hơn 500 tỷ đồng khi đó. Phó tổng giám đốc Nguyễn Thiều Nam cũng có thêm 2 triệu cổ phiếu, trị giá 180 tỷ đồng.

ĐHCĐ của CTCP Sữa Việt Nam - Vinamilk (VNM) hôm 21/5 vừa qua cũng đã thông qua chương trình phát hành hơn 9,4 triệu cổ phiếu ESOP với giá bằng 2 lần giá trị sổ sách (tương đương khoảng 38.000 đồng/cp).

Với mức giá khoảng 140.000 đồng/cp như hiện tại, NLĐ được mua 1 cổ phiếu ESOP sẽ có lời khoảng 100.000 đồng.

ĐHCĐ của CTCP Xây dựng Cotec - CotecCons (CTD) cũng đã thông qua phương án phát hành 2,33 triệu cổ phần ESOP trị giá khoảng 420 tỷ đồng cho cán bộ nhân viên chủ chốt trong công ty. Cổ phiếu ESOP sẽ được phát hành ở 2 mức giá 42.000 đồng/cp và 70.000 đồng/cp, thấp hơn nhiều so với mức 180.000 đồng/cp CTD hiện tại. Điều này có nghĩa, NLĐ được mua cổ phiếu ESOP sẽ lời ngay 110.000-140.000 đồng/cp, tương đương khoảng 300 tỷ đồng.

Người Việt làm thuê và giấc mơ tỷ phú

Trong mùa đại hội cổ đông năm nay, rất nhiều DN nhận được sự đồng ý của ĐHCĐ về các chương trình phát hành cổ phiếu ESOP quy mô lớn.

Mía đường Thành Thành Công Tây Ninh (SBT) cũng đã chốt danh sách người lao động được mua cổ phiếu ESOP. Trong đó, Chủ tịch HĐQT Phạm Hồng Dương và bà Đặng Huỳnh Ức My (thành viên HĐQT) được mua hơn 2,1 triệu trong tổng cộng 9,1 triệu cổ phiếu ESOP phát hành từ 8-17/6 với giá bằng 30% thị giá.

Chứng khoán Sài Gòn (SSI) của ông Nguyễn Duy Hưng cũng đã thông qua kế hoạch phát hành 10 triệu cổ phần ESOP với giá chào bán 10.000 đồng/cp, chưa bằng 50% thị giá SSI trên TTCK.

Nhiều DN lớn cũng đã thưởng cổ phiếu ESOP cho NLĐ với giá trị rất lớn như Gemadept, HSC, MWG, HPG…

Nhìn vào các đợt phát hành ESOP vài năm qua có thể thấy, phần lớn cổ phiếu thưởng loại này tập trung cho các lãnh đạo cấp cao, những người dẫn dắt con thuyền DN đi tới thành công.

Trên thực tế, không ít lần các chương trình ESOP bị tẩy chay do các cổ đông lớn không tham gia điều hành hoặc/và cổ đông nhỏ không được lợi trực tiếp trong những lần phát hành cổ phiếu như vậy.

Năm 2013, kế hoạch ESOP của Vinamilk đã bị từ chối do đại diện Nhà nước (SCIC) cho rằng việc phát hành sẽ làm loãng cổ phiếu cho dù hàng năm SCIC đã được hưởng cổ tức khoảng 1.000 tỷ đồng.

Trong mùa ĐHCĐ năm nay, gần như toàn bộ các kế hoạch ESOP đã được thông qua. Nhiều trong số đó có quy mô lớn như trong trường hợp VNM và MSN. Ít người phản đối hơn là tín hiệu cho thấy cổ đông thấy được hiệu quả của các chương trình ưu đãi cho NLĐ.

Đại diện một CTCK cho rằng, các chương trình khuyến khích là cần thiết bởi nhân lực là yếu tố quan trọng giúp DN phát triển và có thể cạnh tranh trong hội nhập. Những người đứng đầu đặc biệt quan trọng đối với DN. Họ ảnh hưởng trực tiếp tới sự thăng trầm của DN.

Theo Mạng việc làm JobStreet, mức lương quyết định nhiều tới năng suất và hiệu quả lao động. Mức lương của NLĐ Việt Nam hiện chỉ bằng 15-80% so với một số nước khác trong khu vực như Singapore, Malaysia, Philippines…

Ông Nguyễn Văn Vịnh, phó Viện trưởng, Viện Chiến lược phát triển Bộ KH&ĐT cho rằng, vấn đề lớn nhất của Việt Nam là: trì trệ về tăng trưởng năng suất. Theo ông Vịnh, số liệu cho thấy, Việt Nam đang giảm tăng trưởng về năng suất. Điều đó có nghĩa, sức cạnh tranh sẽ giảm, nền kinh tế trì trệ.

Trong khi đó, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng, muốn thu nhập bình quân đầu người tăng và đạt mức trung bình cao của thế giới (tới 2035) thì không còn cách nào là tăng năng suất lao động, mà điều này thì phụ thuộc vào nguồn nhân lực, ứng dụng công nghệ và quản trị DN…


Theo Vietnamnet

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục