Mới đây, Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) có báo cáo gửi Bộ Tài chính về chương trình phát hành cổ phiếu cho người lao động (ESOP) của CTCP Sữa Việt Nam (Vinamilk).
Như đã đưa tin trước đó, Đại hội đồng cổ đông thường niên (ĐHĐCĐ) của Vinamilk ngày 21/5 đã thông qua chương trình phát hành ESOP với khối lượng phát hành thêm không vượt quá 8.915.000 cổ phần mới, tương đương với 0,74% tổng số cổ phần đã phát hành của công ty.
Khối lượng này thấp hơn khối lượng đã thực hiện theo chương trình được thông qua tại ĐHĐCĐ nhiệm kỳ 2006-2011 là 9.617.000 cổ phần. Trên thực tế, chương trình ESOP này được thực hiện từ 2008-2011.
Giá phát hành được thông qua trong ĐHĐCĐ ngày 21/5 vừa rồi bằng 2 lần giá trị sổ sách của VNM được ghi nhận trên báo cáo tài chính gần thời điểm phát hành được kiểm toán soát xét.
Theo báo cáo tài chính hiện tại, dự kiến giá phát hành vào khoảng 38.000 đồng/cp. Mức giá này cao hơn mức giá đã thực hiện theo chương trình ESOP từ 2008 - 2011 là mệnh giá 10.000 đồng/cp. Đối tượng phát hành bao gồm toàn thể cán bộ công nhân viên của Vinamilk.
Vấn đề phát hành ESOP trước đó đã được HĐQT Vinamilk đề xuất vào năm 2012, 2013 nhưng liên tục bị cổ đông lớn là SCIC bác bỏ. Đây là lần đầu tiên SCIC chấp nhận đề xuất này kể từ sau đợt phát hành ESOP của Vinamilk năm 2006.
Hồi năm 2013, khi từ chối kế hoạch phát hành ESOP của Vinamilk, ông Lê Song Lai (người đại diện của SCIC tại Vinamilk) cho rằng, việc phát hành ESOP sẽ làm pha loãng cổ phiếu, ảnh hưởng đến tỷ lệ sở hữu của SCIC. Ông Lai cho rằng, hàng năm công ty đều trích quỹ phúc lợi khá lớn đã đủ khích lệ cán bộ công nhân viên nên yêu cầu tạm hoãn chờ thời điểm thích hợp.
Vấn đề thời điểm ở đây chính là việc Chính phủ đã yêu cầu SCIC phải thoái vốn khỏi Vinamilk - vốn xưa nay được xem là "con gà đẻ trứng vàng" - cho nên hiện tại, việc pha loãng cổ phiếu không phải là mối bận tâm của SCIC như trước. Sau khi phát hành ESOP, tỷ lệ sở hữu của SCIC tại Vinamilk sẽ giảm từ 45,479% xuống còn 45,06%.
Diễn biến giá VNM từ đầu năm
Trên thị trường chứng khoán, thị giá của VNM đang là 142.000 đồng/cp, như vậy, với việc nhận cổ phiếu ESOP, các cán bộ chủ chốt của Vinamilk "lãi" khoảng 100.000 đồng/cp.
Giá VNM đến nay đã tăng 71,05% sau 1 năm giao dịch và tăng 2.408,77% so với thời điểm mới niêm yết.
SCIC cho biết, để đảm bảo tính minh bạch, SCIC đã chỉ đạo người đại diện vốn của SCIC tại Vinamilk có ý kiến với HĐQT nêu rõ các tiêu chuẩn và danh sách người lao động được tham gia chương trình, nguyên tắc xác định giá bán, thực hiện theo quy định hiện hành.
Tại ĐHĐCĐ vừa rồi, SCIC đã chỉ đạo người đại diện biểu quyết bổ sung các điều kiện để thực hiện chương trình ESOP vào nội dung quy chế ESOP do Hội đồng quản trị ban hành bao gồm mức tăng trưởng quy mô vốn hóa từ 2016-2018, đảm bảo tỷ lệ cổ tức các năm 2016-2018; đảm bảo mức tăng trưởng các chỉ tiêu doanh thu, lợi nhuận trước thuế trong 3 năm 2016-2018; điều kiện về hạn chế chuyển nhượng và một số nội dung khác có liên quan.
Văn bản của SCIC gửi lên Bộ Tài chính cho biết, mục đích là "để phù hợp với mục tiêu phát triển của công ty và đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của cổ đông tại Vinamilk trong đó có cổ đông SCIC".
SCIC cũng cho biết đã chỉ đạo người đại diện biểu quyết về việc bán cổ phiếu quỹ (thu hồi từ các đợt ESOP trước) là 52.795 cổ phần với các điều kiện tương tự như cổ phần ESOP phát hành mới. Số cổ phiếu này không thuộc chương trình ESOP kỳ này.