Áp dụng các tiêu chuẩn môi trường, xã hội và quản trị (ESG) vào hoạt động kinh doanh đang là xu hướng trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Chính phủ và các bộ, ngành đang hoàn thiện cơ sở pháp lý, cơ chế, chính sách nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đạt các tiêu chuẩn ESG, phát triển kinh tế xanh. Bà có thể chia sẻ thông tin xung quanh câu chuyện này?
ESG cung cấp một khuôn khổ chung để xem xét tác động và sự phụ thuộc của tổ chức đối với môi trường và xã hội, cũng như chất lượng quản trị của chính tổ chức đó. Tuy nhiên, hiện nay chưa có bộ tiêu chuẩn ESG thống nhất được tất cả các tổ chức trên thế giới công nhận. Do đó, mỗi tổ chức tự xây dựng bộ tiêu chuẩn ESG phù hợp dựa trên cơ sở các thông lệ quốc tế, quy định pháp luật, hoặc sử dụng các bộ tiêu chuẩn ESG phổ biến và được công nhận rộng rãi trên thế giới.
Tại Việt Nam, Chính phủ, các bộ, ngành và Ngân hàng Nhà nước đã và đang nỗ lực hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật nhằm góp phần bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai, quản trị rủi ro môi trường. Trong đó, Quốc hội đã thông qua Luật số 72/2020/QH14 về bảo vệ môi trường ngày 17/11/2020, Luật số 60/2020/QH14 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều ngày 17/6/2020. Chính phủ ban hành Nghị quyết số 136/NQ-CP ngày 25/9/2020 về phát triển bền vững, Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10/1/2022 quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường.
Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 01/2022/QĐ-TTg về danh mục lĩnh vực, cơ sở phát thải khí nhà kính phải kiểm kê khí nhà kính, Quyết định số 1658/QĐ-TTg ngày 1/10/2021 phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050, Quyết định số 882/QĐ-TTg ngày 22/7/2022 phê duyệt Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030. Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành Thông tư 01/2022/TT-BTNMT ngày 7/1/2022 quy định chi tiết thi hành Luật Bảo vệ môi trường về ứng phó với biến đổi khí hậu. Thống đốc Ngân hàng Nhà nước ban hành Chỉ thị số 03/CT-NHNN ngày 24/3/2015 về thúc đẩy tín dụng xanh và quản lý rủi ro môi trường, xã hội trong hoạt động cấp tín dụng, Quyết định số 1408/QĐ-NHNN ngày 26/7/2023 về kế hoạch hành động của ngành ngân hàng thực hiện chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030 và Đề án về những nhiệm vụ, giải pháp triển khai kết quả COP26.
Hành lang pháp lý để triển khai ESG tại Việt Nam nói chung và trong hệ thống ngân hàng nói riêng đang từng bước được hoàn thiện.
Bên cạnh đó, Việt Nam có hệ thống khuôn khổ pháp luật quản lý về xã hội, quản trị như vấn đề lao động và điều kiện làm việc, vấn đề giới trong việc theo đuổi tăng trưởng kinh tế bền vững, vấn đề sức khỏe và an toàn của cộng đồng, an toàn sức khỏe nghề nghiệp, bảo vệ lực lượng lao động, chính sách và quy trình quản lý nguồn nhân lực, công bố thông tin, đạo đức kinh doanh, kiểm soát nội bộ và quản lý rủi ro, phòng, chống hối lộ và tham nhũng như Bộ Luật lao động, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Luật Phòng, chống tham nhũng, Luật Phòng, chống rửa tiền, Luật Cạnh tranh, Luật Các tổ chức tín dụng.
Dù rằng chưa đầy đủ và đồng bộ, nhưng hành lang pháp lý để triển khai ESG tại Việt Nam nói chung và trong hệ thống ngân hàng nói riêng đang từng bước được hoàn thiện.
Việc tích hợp tiêu chuẩn ESG vào chiến lược kinh doanh là xu hướng của các ngân hàng thương mại trên thế giới nói chung và tại Việt Nam nói riêng, bà có thể cho biết sự cần thiết này thể hiện qua những đặc điểm nào?
Đầu tiên tôi muốn đề cập đến việc quản trị danh tiếng của ngân hàng. Ngân hàng có những hoạt động hướng tới ESG có thể xây dựng danh tiếng tốt đối với Chính phủ, cơ quan quản lý, khách hàng, đối tác, người lao động và cộng đồng, từ đó tăng trưởng doanh số, quy mô hoạt động và phát triển theo hướng bền vững. Hiện nay, các tổ chức đánh giá xếp hạng tín nhiệm quốc tế độc lập đã thực hiện đánh giá, xếp hạng việc thực hiện ESG để xem xét về mức độ rủi ro của mỗi doanh nghiệp, ngân hàng trong hoạt động kinh doanh. Nhà đầu tư, công ty quản lý quỹ và các bên quan tâm khác thường tham khảo những báo cáo đánh giá độc lập này để so sánh các công ty, đánh giá rủi ro và đưa ra các quyết định đầu tư. Do đó, áp dụng quy trình quản lý ESG góp phần nâng cao danh tiếng, định vị thương hiệu của ngân hàng.
Tiếp theo là câu chuyện mở rộng thị trường và khả năng cạnh tranh. Phát triển bền vững, thực hành ESG là cơ hội để mỗi ngân hàng phát triển các sản phẩm, dịch vụ, xây dựng lợi thế cạnh tranh mới. Việc nghiên cứu phát triển các sản phẩm tài chính ngân hàng hiện đại, phù hợp với sự vận động trong tương lai của nền kinh tế như tín dụng xanh và trái phiếu xanh, các sản phẩm cho vay sản xuất - kinh doanh bền vững, tham gia vào thị trường carbon... đưa ngân hàng vào thế chủ động đón đầu xu hướng mới và tạo ra các sản phẩm tiên phong mang tính cạnh tranh cao.
Song song với đó là nâng cao hiệu quả quản trị rủi ro. Việc nhận diện các nhân tố rủi ro ESG phụ thuộc vào khẩu vị rủi ro và sự quan tâm của từng ngân hàng. Các yếu tố ESG mà ngân hàng nhận diện có thể tác động tích cực hoặc tiêu cực một cách trực tiếp hay gián tiếp đến hệ thống tài chính - ngân hàng. Rủi ro từ các yếu tố ESG có thể xuất phát từ hiện tại hoặc trong tương lai, ảnh hưởng đến danh mục đầu tư và đối tác, cũng như uy tín, hình ảnh, thương hiệu của ngân hàng. Do đó, cần phải tích hợp quản lý rủi ro môi trường và xã hội vào hệ thống quản lý rủi ro của ngân hàng và tiến tới quản lý rủi ro khí hậu chuyên biệt.
|
Agribank duy trì tỷ trọng dư nợ cho vay nông nghiệp, nông thôn từ 65 - 70% tổng dư nợ |
Bà có thể chia sẻ quá trình triển khai ESG tại Agribank?
Agribank đã chủ động tổ chức triển khai thực hành ESG theo quy định pháp luật, thành lập Ban chỉ đạo và tổ giúp việc triển khai ESG, chủ động cam kết và thông qua Đề án triển khai ESG tích cực thực hiện các hoạt động xã hội, vì cộng đồng, quản trị rủi ro và thực hiện tài chính toàn diện.
Tuy nhiên, Agribank hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, vốn chịu nhiều ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu và sử dụng nhiều nước, phân bón, thuốc trừ sâu, hóa chất, vùng đất có nguồn gốc phá rừng, có số lượng khách hàng lớn, khung pháp lý về triển khai ESG chưa cụ thể, một số chỉ tiêu không bắt buộc phải tuân thủ nên việc triển khai ESG gặp phải không ít khó khăn, vướng mắc.
Mặc dù vậy, với những nỗ lực từ Hội đồng thành viên đến từng người lao động trong toàn hệ thống Agribank, việc triển khai ESG đã có nhiều kết quả đáng khích lệ, phù hợp với các quy định pháp luật và nhận được sự hỗ trợ của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước, các tổ chức tài chính quốc tế. Vừa qua, Agribank được Tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế Moody’s chấm điểm tín dụng ESG (CIS) ở mức CIS 2, mức cao nhất trong các ngân hàng thương mại tại Việt Nam và là mức điểm cao so với các ngân hàng thương mại trên thế giới có cùng kết quả xếp hạng tín nhiệm từ Moody’s.
Đâu là các giải pháp giúp triển khai thành công những sáng kiến ESG tại Agribank?
Để triển khai ESG đồng bộ, hiệu quả, hạn chế được khó khăn, vướng mắc, Agribank đã và đang triển khai đồng thời nhiều nhóm giải pháp.
Một là, hoàn thiện cơ chế, chính sách, cơ cấu tổ chức để triển khai ngân hàng xanh hiệu quả. Việc triển khai áp dụng ESG toàn diện trong hệ thống Agribank bao gồm: xác định mục tiêu cụ thể và xây dựng lộ trình triển khai trong ngắn hạn và dài hạn nhằm tạo môi trường thuận lợi cho phát triển ngân hàng xanh và thu hút các nguồn vốn quốc tế xanh và bền vững; xây dựng bộ chính sách ESG (chính sách phát triển bền vững, khung tài chính xanh và khung tài chính xã hội, công bố thông tin về cam kết triển khai ESG…); hoàn thiện mô hình tổ chức và chức năng, nhiệm vụ của một số đơn vị liên quan, thành lập bộ phận chuyên trách về phát triển bền vững.
Hai là, triển khai các hoạt động về tín dụng xanh, hướng tới chuẩn mực quốc tế: xây dựng và công khai thông tin cam kết danh sách các ngành nghề Agribank không cấp hoặc hạn chế cấp tín dụng; triển khai đồng bộ quản trị rủi ro môi trường và xã hội trong hoạt động cấp tín dụng, thu thập thông tin, cơ sở dữ liệu để triển khai trong toàn hệ thống; ưu tiên cung ứng vốn và dịch vụ tài chính phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn, nông dân, phát triển tài chính toàn diện, nông nghiệp sạch, công nghệ cao, duy trì tỷ trọng dư nợ cho vay nông nghiệp, nông thôn từ 65 - 70% tổng dư nợ và mô hình ngân hàng lưu động, cho vay qua tổ vay vốn.
Ba là, hoàn thiện hệ thống công nghệ thông tin phục vụ ngân hàng xanh: xây dựng và thiết lập hệ thống quản lý rủi ro môi trường và xã hội một cách toàn diện, trong đó bổ sung hướng dẫn nội bộ về quản lý rủi ro xã hội trong hoạt động cấp tín dụng; thu thập thông tin chính xác, đầy đủ về mỗi người lao động của Agribank trong thực hành ESG; đánh giá, đo lường chỉ số tiết kiệm năng lượng điện, nước, giấy…
Bốn là, phát triển các sản phẩm, dịch vụ đáp ứng tiêu chuẩn xanh, phát triển bền vững: nghiên cứu và triển khai các sản phẩm ngân hàng xanh, có chính sách ưu đãi, khuyến khích cho vay các dự án, phương án kinh doanh hiệu quả, thân thiện với môi trường, phù hợp với định hướng kinh doanh, phân khúc khách hàng, thị trường mục tiêu cũng như năng lực, thế mạnh của Agribank; đẩy mạnh phát triển các sản phẩm, dịch vụ tài chính toàn diện, phục vụ sản xuất - kinh doanh nông nghiệp, nông thôn, doanh nghiệp nhỏ và vừa do phụ nữ làm chủ, hợp tác xã, hộ gia đình sản xuất - kinh doanh. Bên cạnh đó, phát triển đa dạng các sản phẩm, dịch vụ tài chính - ngân hàng hiện đại, tiện ích dựa trên ứng dụng công nghệ số, thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt trong nền kinh tế, góp phần “xanh hóa” ngành ngân hàng, xây dựng thói quen thân thiện với môi trường.
Năm là, tăng cường hội nhập, hợp tác quốc tế: cập nhật các cam kết quốc tế của Việt Nam liên quan đến tăng trưởng xanh, phát triển bền vững, ứng phó với biến đổi khí hậu; tiếp thu kinh nghiệm thế giới về tiêu chuẩn, điều kiện ngân hàng xanh nhằm hoàn thiện khung pháp lý, cơ chế nội bộ; chủ động và áp dụng các điều kiện để phát hành trái phiếu xanh và thu hút nguồn vốn quốc tế xanh nhằm tăng cường nguồn vốn hỗ trợ cho các dự án xanh.
Sáu là, hoàn thiện các tiêu chí về xã hội của Agribank: thực hiện đầy đủ chính sách hợp pháp, công bằng đối với người lao động; vận động, truyền truyền người lao động tham gia các hoạt động cộng đồng, hỗ trợ người nghèo, đối tượng yếu thế; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng.
Bảy là, thường xuyên tuyên truyền và đào tạo sâu rộng trong nội bộ cũng như khách hàng về phát triển bền vững, nâng cao nhận thức về ngân hàng xanh, hiểu được tầm quan trọng về quản lý rủi ro môi trường và xã hội; tuyên truyền cho khách hàng hiểu hơn về sản phẩm, dịch vụ ngân hàng xanh; giới thiệu các sản phẩm thân thiện với môi trường hoặc không gây tác động xấu đến môi trường; thực hiện đầu tư xây dựng cơ bản, mua sắm tài sản và sử dụng công cụ, dụng cụ hướng đến ngân hàng xanh.
Tám là, xây dựng báo cáo phát triển bền vững độc lập và thực hiện kiểm toán báo cáo này. Theo đó, thuê tổ chức tư vấn hướng dẫn Agribank xây dựng hệ thống các chính sách về ESG, thu thập thông tin, đo lường các tiêu chí về ESG để lập báo cáo và thực hiện kiểm toán báo cáo phát triển bền vững, từng bước công khai thông tin theo chuẩn mực quốc tế.
Để triển khai hiệu quả những sáng kiến ESG và chiến lược ngân hàng xanh, bà có đề xuất hay kiến nghị gì?
Thứ nhất, Bộ Tài nguyên và Môi trường và các cơ quan ban ngành sớm xây dựng và đề xuất Chính phủ ban hành bộ tiêu chí môi trường và các tiêu chí xác định đối với các dự án được cấp tín dụng xanh để các ngân hàng thương mại có cơ sở pháp lý xác định các dự án, hạng mục dự án đáp ứng điều kiện tín dụng xanh.
Thứ hai, Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tài chính có các chính sách thúc đẩy phát triển thị trường carbon như xây dựng quy định quản lý tín chỉ carbon, hoạt động trao đổi hạn ngạch phát thải khí nhà kính và tín chỉ carbon; xây dựng quy chế vận hành sàn giao dịch tín chỉ carbon; triển khai các hoạt động tăng cường năng lực, nâng cao nhận thức về phát triển thị trường carbon, đẩy nhanh vận hành chính thức sàn giao dịch tín chỉ carbon tại Việt Nam.
Thứ ba, Chính phủ tiếp tục tuyên truyền, phổ biến về sự cần thiết phát triển bền vững, ngân hàng xanh, lĩnh vực đáp ứng tiêu chí tín dụng xanh, khuyến khích lối sống, tiêu dùng xanh hài hòa với thiên nhiên, gắn với các giá trị văn hóa truyền thống Việt Nam; hỗ trợ các ngân hàng thương mại tiếp cận được nhiều hơn các quỹ tài chính, nguồn vốn xanh về hỗ trợ kỹ thuật hoặc cho vay ưu đãi của các tổ chức trên thế giới.
Bốn là, xây dựng và hình thành hệ thống dữ liệu về tình hình tuân thủ, vi phạm yêu cầu về môi trường của doanh nghiệp, tạo cơ sở cho các ngân hàng thương mại trong việc thẩm định, xác định mức độ rủi ro môi trường khi đánh giá khách hàng vay, từ đó không cấp hoặc hạn chế tín dụng mới đối với những dự án tác động xấu đến môi trường.
Năm là, Chính phủ, các bộ, ngành và Ngân hàng Nhà nước ban hành, hướng dẫn, tuyên truyền khung pháp lý cụ thể và rõ ràng hơn về tiêu chí xã hội và quản trị đối với doanh nghiệp và ngân hàng thương mại, nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh, đáp ứng xu hướng hội nhập quốc tế; có chính sách ưu đãi về thuế, phí, cơ chế bảo hiểm, lãi suất, dự trữ bắt buộc đối với những doanh nghiệp, ngân hàng thương mại chủ động triển khai thực thi ESG hiệu quả và được tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế đánh giá cao.