Vào dịp tổ chức lễ vinh danh các doanh nghiệp trong khuôn khổ Cuộc bình chọn Doanh nghiệp niêm yết hàng năm, chúng ta lại có dịp trao đổi xung quanh chủ đề phát triển bền vững theo tiêu chuẩn môi trường xã hội và quản trị (ESG). Năm nay, xu thế này trên thế giới có thay đổi phát triển như thế nào, thưa ông?
ESG (Environmental, Social, Governance) đã là một chủ đề không thể không nói tới trên toàn thế giới. Nhưng thời gian qua, dưới tác động của đại dịch Covid-19, của suy thoái kinh tế và căng thẳng từ các xung đột, đã xuất hiện những tiếng nói ngược chiều với làn sóng thúc đẩy ESG.
Ông Dominic Scriven, Chủ tịch Công ty Quản lý quỹ Dragon Capital. |
Người ta nói đến khái niệm “nhuộm xanh” (greenwashing), hay nghi ngờ mục tiêu đặt ra của ESG khó khả thi. Thậm chí, một số người cho rằng, trong bối cảnh suy thoái như hiện nay, tập trung vào kinh doanh còn có thể khó có lợi nhuận, còn nói gì đến môi trường, xã hội là những hoạt động làm tăng chi phí, giảm lợi nhuận.
Ở Mỹ, đã có những vụ kiện đối với người điều hành quản lý quỹ vì bán cổ phiếu công ty khai thác than, một lĩnh vực được cho là ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường, mà các công ty thực hiện cam kết ESG không được đầu tư vào. Các phản ứng ngược này làm người ta phân vân về vai trò và trách nhiệm của một nhà điều hành khi họ đặt mục tiêu theo đuổi ESG. Đây cũng chính là một thách thức với hành trình theo đuổi ESG của doanh nghiệp và cả xã hội.
Ở Việt Nam, mặc dù đi sau các nước phát triển trong vấn đề chuyển đổi xanh, nhưng từ ngay sau Hội nghị ở Glasgow, Chính phủ đã vạch ra một lộ trình tổng thể nhằm hiện thực hóa các mục tiêu khí hậu, cụ thể là thành lập Ban Chỉ đạo Quốc gia nhằm triển khai thực hiện cam kết của Việt Nam tại Hội nghị COP26; ban hành các quy định quản lý mới liên quan đến việc kiểm kê, giảm nhẹ khí nhà kính, bảo vệ môi trường, bảo vệ đa dạng sinh học và ứng phó với biến đổi khí hậu; đồng thời, định hướng phát triển thị trường các-bon trong nước với một lộ trình và mục tiêu đến năm 2028 sẽ chính thức vận hành sàn giao dịch tín chỉ các-bon.
Việt Nam đang đặt mục tiêu hình thành thị trường các-bon vào năm 2025 và mục tiêu Net Zero vào năm 2050. Theo ông, đâu là những thách thức lớn của mục tiêu này?
Để doanh nghiệp thu hút được các nguồn vốn tốt và dài hạn từ các nhà đầu tư và các định chế tài chính, chúng ta nên xem ESG và đầu tư chuyển đổi xanh là cơ hội, chứ không phải chi phí.
Trong ESG thì biến đổi khí hậu là vấn đề rất thách thức. Để giảm thiểu biến đổi khí hậu, cả thế giới đều tập trung đến vấn đề “hợp tác chuyển đổi năng lượng công bằng”. Việt Nam là nước đang phát triển nên nhu cầu năng lượng phục vụ cho tăng trưởng là rất lớn.
Chúng ta có thể đo lường tăng trưởng qua chỉ số tăng trưởng tiêu thụ điện. Điều đó cho thấy không có năng lượng là không tăng trưởng được. Vậy chúng ta chuyển đổi như thế nào, trong khung thời gian nào, có khả năng chuyển đổi hay không là những câu hỏi đặt ra trong quá trình chuyển đổi. Chưa kể, chúng ta cần kinh phí để thực hiện chuyển đổi. Cả khu vực công và tư cần huy động một nguồn lực lớn cho quá trình chuyển đổi năng lượng. Đó cũng là một thách thức lớn.
Theo báo cáo năm 2022 của Ngân hàng Thế giới về nhu cầu vốn các quốc gia cần để tài trợ cho các khoản đầu tư xanh để hướng đến Net-Zero, Việt Nam cần thêm một nguồn vốn đầu tư khoảng 6,8% GDP, tương đương khoảng 368 tỷ USD từ nay cho đến năm 2040. Trong đó, 130 tỷ USD đến từ nguồn ngân sách chính phủ, 184 tỷ USD từ khối tư nhân và còn lại 64 tỷ USD từ các nguồn tài trợ của nước ngoài. Như vậy, việc chuyển đổi năng lượng không chỉ đòi hỏi sự chủ động từ Chính phủ, mà còn cần sự hợp tác của các tổ chức công và tư, cùng tìm kiếm các phương thức tài chính để hỗ trợ quá trình chuyển đổi này. Việc đối mặt và vượt qua thách thức này sẽ đánh dấu bước tiến quan trọng trong việc xây dựng nguồn năng lượng sạch và bền vững cho tương lai của đất nước.
Tôi cho rằng, chắc chắn còn nhiều thách thức phía trước nhưng Việt Nam đã có những bước triển khai rất quyết liệt, mạnh mẽ và đầy tham vọng để cùng hòa nhịp với xu thế chung của thế giới
ESG là chủ đề được cả thế giới quan tâm hiện nay |
Thách thức ở cấp độ doanh nghiệp thì sao, thưa ông?
Ở cấp độ doanh nghiệp, chúng ta thấy động cơ là chưa mạnh lắm. Việt Nam có hai chương trình của Chính phủ nhằm chống lại biến đổi khí hậu là giảm nhẹ khí thải và phát hành tín chỉ các-bon, giống như nhiều nước châu Á đang làm.
Ở châu Âu, đã giới thiệu một loại thuế để dung hòa các-bon, số lượng mặt hàng áp dụng trong thời gian đầu không nhiều như nhôm, thép, xi măng - là các mặt hàng mà Việt Nam xuất khẩu chưa nhiều. Nhưng nên nhớ là, áp lực này chỉ mới là điểm bắt đầu. Các mặt hàng sẽ được mở rộng với các yêu cầu cụ thể và nghiêm ngặt hơn trong tương lai. Các công ty ở Việt Nam hiện vẫn chưa có động lực để giảm phát thải do áp lực từ bài toán kinh tế, thương mại hay các quy định của pháp luật giống như ở châu Âu. Hoặc còn ít chương trình tài chính xanh để khuyến khích doanh nghiệp hướng đến việc giảm phát thải và thực hiện các biện pháp bền vững hơn về môi trường.
Đối với Dragon Capital, khách hàng ở trong và ngoài nước tiếp tục lên tiếng, yêu cầu chúng tôi thực hiện tuân thủ ESG trong đầu tư. Khách hàng muốn biết cụ thể chúng tôi đang làm gì, trong việc đang làm đi theo chiến lược nào, đo sự tiến bộ ra sao. Nhưng hiện nay, Dragon Capital đang gặp khó khăn trong việc đo lường lượng phát thải trong danh mục đầu tư của mình, vì rất ít công ty làm điều này. Do đó, chúng tôi phải thuê một công ty nước ngoài để đánh giá lượng phát thải trong danh mục bằng cách so sánh các công ty trong danh mục với các công ty cùng ngành ở nước ngoài.
Điều này với Dragon Capital cũng là một thách thức không nhỏ. Việc đo lường và đánh giá tác động môi trường của danh mục đầu tư không chỉ giúp Công ty hiểu rõ hơn về các rủi ro liên quan đến ESG, mà còn đáp ứng yêu cầu ngày càng cao từ khách hàng về tính minh bạch và trách nhiệm xã hội.
Hiện nay, các sở giao dịch chứng khoán trên thế giới và trong khu vực đang xem xét cách thực thi và hỗ trợ việc công bố thông tin theo các khuyến nghị của Tổ công tác đặc nhiệm về công bố thông tin tài chính liên quan đến khí hậu (TCFD). Trong bốn trụ cột của TCFD, bao gồm quản trị, chiến lược, quản lý rủi ro, các chỉ số và mục tiêu thì trụ cột 1 “Quản trị” đề xuất các công ty mô tả sự giám sát của hội đồng quản trị đối với các rủi ro và cơ hội liên quan đến khí hậu, mô tả vai trò của ban điều hành trong việc đánh giá và quản lý rủi ro và cơ hội. Điều này cho thấy, Hội đồng quản trị nên quan tâm nhiều hơn và đưa các vấn đề ESG, biến đổi khí hậu vào các kỳ họp của Hội đồng quản trị. Bởi vì, các bên liên quan sẽ sớm đặt câu hỏi các vị đang làm gì đối với rủi ro do biến đổi khí hậu và giảm thiểu khí thải nhà kính? Để phát triển văn hóa và tư duy đúng đắn trong việc thực hiện tốt ESG, cần có sự hỗ trợ và cam kết cao từ hội đồng quản trị.
Để doanh nghiệp thu hút được các nguồn vốn tốt và dài hạn từ các nhà đầu tư và các định chế tài chính, chúng ta nên xem ESG và đầu tư chuyển đổi xanh là cơ hội, chứ không phải chi phí. Việc thực hiện chuyển đổi để nâng cao tính cạnh tranh, đáp ứng nhu cầu của các bên liên quan, giải quyết các thách thức của xã hội và tạo ra những tác động tích cực cho môi trường, người lao động và cộng đồng chính là một phần quan trọng của việc thực thi trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp.