Không phải ngân hàng nào cũng muốn có CTTC
Theo dự thảo Thông tư, công ty tài chính (CTTC) được thực hiện hoạt động tín dụng tiêu dùng dưới các hình thức: cho vay trả góp, cho vay thấu chi qua thẻ tín dụng, phát hành thẻ mua hàng. Đây là điểm mới theo hướng mở rộng hơn cho các CTTC, nhất là việc cho vay thấu chi qua thẻ. Đáng chú ý, NHTM có nhu cầu cấp tín dụng tiêu dùng cho những đối tượng khách hàng phi chuẩn theo các hình thức trên phải thành lập CTTC.
Hiện tại, khá nhiều NHTM chưa có CTTC. Nếu quy định dự kiến nêu trên được ban hành, các ngân hàng sẽ phải thành lập mới CTTC, hoặc mua lại CTTC thành viên của các tập đoàn, tổng công ty. Theo đó, hệ thống CTTC có thể sẽ bùng nổ về số lượng, thay vì 17 thành viên như hiện nay, trừ PVFC đã hợp nhất với Western Bank thành PVcomBank.
Những tháng đầu năm 2014, đón trước chính sách và hướng vận động chung của thị trường, một số NHTM đã có kế hoạch và trình ĐHCĐ kế hoạch mua lại và thành lập CTTC mới 100% vốn trực thuộc. Nhưng việc mua CTTC có những khó khăn nhất định, đặc biệt là với các ngân hàng nhỏ đang phải thực hiện kế hoạch tăng vốn. Theo lãnh đạo một ngân hàng thương mại, để mua lại một CTTC, ngân hàng phải bỏ ra một khoản vốn không nhỏ (vốn điều lệ của các CTTC hiện nay từ vài trăm tỷ đồng đến 1.000 tỷ đồng), sẽ ảnh hưởng đến hệ số an toàn vốn. Vì thế, Ngân hàng sẽ thành lập CTTC mới, nếu quy định trên của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) được ban hành. Tuy nhiên, vị lãnh đạo này kỳ vọng, NHNN sẽ xem xét lại dự thảo để ngân hàng bớt khó khăn.
“Kế hoạch tăng vốn điều lệ, đẩy mạnh tái cơ cấu ngân hàng đang được triển khai. Nếu phải có thêm CTTC, gánh nặng về vốn là khó tránh khỏi”, vị lãnh đạo trên nói.
Tổng giám đốc một ngân hàng khác cho rằng, quy định mới sẽ làm khó ngân hàng trong việc phát triển cho vay nhỏ lẻ.
“Có thể NHNN muốn ‘dọn dẹp’ các CTTC, chuyển giấy phép các CTTC trực thuộc các tập đoàn trước đây thành CTTC cho vay tiêu dùng, đẩy mạnh quá trình tái cấu trúc các tổ chức phi tín dụng. Vì nếu không thành lập mới, các ngân hàng sẽ phải mua lại CTTC để chuyển đổi giấy phép hoạt động”, vị tổng giám đốc trên nhận định.
Trong khi đó, phát triển bán lẻ thông qua CTTC chưa hẳn sẽ thành công. Bởi để đẩy mạnh bán lẻ, cần có mạng lưới, nhưng với những CTTC mới thành lập, kể cả trực thuộc ngân hàng, đều phải dựa vào mạng lưới của ngân hàng. Hơn nữa, lâu nay, các ngân hàng đẩy mạnh cho vay tiêu dùng cá nhân, nhưng không tách bạch trong quá trình báo cáo như các ngân hàng nước ngoài. Chẳng hạn, HSBC, ANZ, trong các báo cáo tài chính thường cho biết, tổng doanh số bán lẻ và bán sỉ đóng góp bao nhiêu vào lợi nhuận. Nhưng hầu hết ngân hàng trong nước không có sự phân tách rạch ròi này, cho dù không ít ngân hàng có lợi thế và tập trung đẩy mạnh bán lẻ như: VPBank, Sacombank, Techcombank…
“Việc này khiến nhiều người không hình dung và định hình được thế mạnh cho vay tiêu dùng của ngân hàng nội không thua kém ngân hàng ngoại, kể cả khi ngân hàng không có CTTC trực thuộc”, vị tổng giám đốc trên nói.
Ông Kalidas Ghose, Giám đốc Khối khách hàng cá nhân kiêm Giám đốc Khối tín dụng tiêu dùng (FE Credit) VPBank cho biết, FE Credit được thành lập cách đây 4 năm từ con số 0. Nhưng hiện nay, tỷ lệ tăng trưởng khách hàng của Khối cao hơn nhiều so với tỷ lệ tăng trưởng khách hàng trung bình từ 20 - 30% và là một trong những đơn vị có mức tăng trưởng cao nhất.
NHNN muốn “xóa sổ” các CTTC yếu kém
Theo NHNN, việc cho phép TCTD nước ngoài, NHTM trong nước mua lại CTTC để chuyển đổi thành CTTC tín dụng tiêu dùng là giải pháp khả thi để tái cơ cấu các CTTC. Một mặt, đáp ứng được nhu cầu thành lập CTTC tín dụng tiêu dùng của các tổ chức tài chính nước ngoài, NHTM. Mặt khác, thúc đẩy nhanh tiến độ tái cơ cấu TCTD phi ngân hàng.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy, các CTTC có hoạt động và triển vọng đã và sẽ được chọn mua trước bởi những ngân hàng lớn, có tiềm lực về vốn như: HDBank mua lại SGVF; VPBank mua lại Vinacomin; SHB, Maritime đang đàm phán mua lại một CTTC. Còn lại, phần lớn là các CTTC trực thuộc tập đoàn tài chính nhà nước đang có tình hình tài chính yếu kém. Những CTTC trực thuộc tập đoàn trước đây chủ yếu cho vay trung, dài hạn, kinh tế khó khăn đã kéo theo nợ xấu tăng.
TS. Cao Sỹ Kiêm, nguyên Thống đốc NHNN đánh giá, để mua lại CTTC, ngân hàng phải có năng lực để dọn dẹp nợ xấu, đồng thời chuyển đổi mô hình hoạt động sang CTTC tiêu dùng. Trong khi đó, mạng lưới của các CTTC rất hạn chế.
Tổng giám đốc một ngân hàng tại TP. HCM cho biết, ngân hàng ông nhận được nhiều lời mời mua lại CTTC của các tập đoàn tài chính, trong bối cảnh các tập đoàn phải thực hiện thoái vốn ngoài ngành. Ngân hàng quyết định không mua, vì sẽ tốn nhiều chi phí để khắc phục tình trạng yếu kém của CTTC. Trong khi đó, giá bán lại cao, vì theo quy định hiện hành, các tập đoàn tài chính không được thoái vốn dưới mệnh giá.
NHNN cho biết, hiện nay, tình trạng chung của nhiều CTTC là vốn điều lệ thấp, nguồn vốn hoạt động chủ yếu là đi vay TCTD khác hoặc vay ngân hàng mẹ; quản trị rủi ro, năng lực điều hành, hệ thống thông tin, công nghệ thông tin phục vụ quản trị rủi ro có nhiều hạn chế…
Tính đến 30/6/2014, theo báo cáo của NHNN, quy mô vốn tự có của nhóm CTTC và cho thuê tài chính giảm 16,97% so với cuối năm 2013, xuống 2.220 tỷ đồng, trong khi quy mô vốn điều lệ là 18.823 tỷ đồng. Điều này có nghĩa, không ít CTTC ở trong trạng thái thua lỗ kéo dài và có hiện tượng lỗ ăn sâu vào vốn. Bên cạnh đó, tỷ lệ an toàn vốn chung của khối này chỉ còn 3,35%, trong khi mức tối thiểu theo quy định của NHNN là 9%.
Trên thực tế, chỉ có một số ít CTTC nước ngoài thành công ở thị trường nội. Dù không có mạng lưới rộng, nhưng họ có các quy định quản lý rủi ro chặt chẽ và đẩy mạnh mở rộng thị phần qua việc liên kết với các điểm bán. Tuy nhiên, làm được điều này đòi hỏi phải mất khá nhiều thời gian xây dựng cũng như chi phí đầu tư.
Vì thế, TS. Trần Du Lịch, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia cho rằng, kỳ vọng CTTC ra đời để đẩy mạnh phát triển bán lẻ chưa hẳn sẽ thành công với ngân hàng. Các CTTC hiện nay cũng chỉ tập trung ở những khu vực thành thị, trong khi các ngân hàng đã có thế mạnh về mạng lưới ở các tỉnh, thành và đẩy mạnh bán lẻ. Do đó, nếu các quy định của dự thảo Thông tư nêu trên đi vào thực tiễn sẽ thu hẹp hoạt động của ngân hàng. Trong khi đó, hoạt động của CTTC sẽ được mở rộng, vốn dĩ đang cần tái cơ cấu và thu hẹp lại cùng với chủ trương đẩy mạnh tái cơ cấu ngân hàng.