3/5 doanh nghiệp thua lỗ kéo dài
Công ty cổ phần Lilama 5 (LO5) và Công ty cổ phần An Trường An (ATG) chào sàn UPCoM cuối tuần qua; 3 doanh nghiệp sẽ chào sàn trong tuần này là Công ty In báo Nghệ An (IBN), Công ty Muối Việt Nam (SCV) và Công ty Lương thực Lương Yên (LYF).
Trong 5 doanh nghiệp trên, LO5 và ATG thuộc diện hủy niêm yết bắt buộc trên HNX và HOSE.
Cụ thể, 15,2 triệu cổ phiếu ATG bị hủy niêm yết tại HOSE từ ngày 29/4/2021 do doanh nghiệp thua lỗ 3 năm liên tiếp (2018 - 2020), lỗ lũy kế tính đến cuối năm 2020 là gần 36 tỷ đồng, đồng thời kiểm toán viên liên tục đưa ra cơ sở của ý kiến ngoại trừ nghi ngờ về khả năng hoạt động liên tục của ATG.
Trong năm 2020, ATG không có doanh thu và quý I/2021 tiếp tục không có doanh thu, chi phí là 333 triệu đồng nên đây cũng là mức lỗ của Công ty trong quý đầu năm nay.
Tương tự, hơn 5,1 triệu cổ phiếu LO5 bị hủy niêm yết tại HNX từ ngày 5/5/2021 do doanh nghiệp thua lỗ 3 năm liên tiếp (2018 - 2020).
Tổng số lỗ lũy kế của Công ty đã vượt quá số vốn điều lệ thực góp ghi tại báo cáo tài chính kiểm toán năm 2020, vốn chủ sở hữu tại thời điểm 31/12/2020 âm gần 15,5 tỷ đồng. Quý I/2021, LO5 lỗ thêm 28,4 tỷ đồng, nâng lỗ lũy kế lên 118,8 tỷ đồng, khiến vốn chủ sở hữu âm 43,9 tỷ đồng.
LO5 là đơn vị thuộc Tổng công ty Lắp máy Việt Nam - CTCP (LLM) và dù thua lỗ triền miên, lãnh đạo LO5 vẫn "tin tưởng" vào sự hỗ trợ của LLM để phát triển.
Theo quy định, sau khi bị hủy niêm yết bắt buộc, các doanh nghiệp sẽ tự động được đăng ký giao dịch trên UPCoM.
Ba doanh nghiệp đăng ký giao dịch mới trên UPCoM là IBN, SCV và LYF, đều có quy mô nhỏ, hoạt động kém hiệu quả.
IBN tiền thân là doanh nghiệp nhà nước, bán đấu giá cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) ngày 5/4/2021, bán được gần 1,8 triệu cổ phiếu trong tổng số hơn 3,3 triệu cổ phiếu (tương đương hơn 97% vốn điều lệ), với giá 12.000 đồng/cổ phiếu.
Năm 2020, Công ty đạt doanh thu gần 32 tỷ đồng, lãi sau thuế 295 triệu đồng (năm 2019 lỗ gần 5,8 tỷ đồng). Theo bản công bố thông tin trước khi IPO, kế hoạch lợi nhuận giai đoạn 2021 - 2022 của IBN quanh mức 500 triệu đồng/năm.
LYF cũng là doanh nghiệp nhà nước được cổ phần hóa, thực hiện IPO ngày 12/4/2021, chào bán 1.671.308 cổ phiếu, tương đương 47,15% vốn điều lệ dự kiến (hơn 35,4 tỷ đồng), nhưng chỉ bán được 300 cổ phiếu với giá 16.800 đồng/cổ phiếu. Năm 2020, LYF lãi vỏn vẹn 15 triệu đồng (năm 20219 lỗ 801 triệu đồng).
Đối với SCV, doanh nghiệp này thua lỗ 4 năm liên tiếp, từ 2017 - 2020, số lỗ lũy kế gần 25 tỷ đồng so với 47,8 tỷ đồng vốn điều lệ. Theo doanh nghiệp, mặt hàng muối của Công ty có giá trị thấp nhưng giá thành sản xuất cao hơn giá bán nên không thể cạnh tranh với các đơn vị cùng ngành.
Tuy nhiên, SCV có lợi thế về đất đai do tiền thân là doanh nghiệp nhà nước trực thuộc Tổng công ty Lương thực miền Bắc. Tại Hà Nội, SCV đang sử dụng 3 lô đất ở số 5-7 phố Hàng Gà (quận Hoàn Kiếm), số 77 Nguyễn Công Trứ (quận Hai Bà Trưng) và khu đất có diện tích 3.341,5 m2 tại quận Long Biên.
Ngoài ra, Công ty quản lý khu đất 2.538 m2 tại tỉnh Thái Nguyên và khu đất 653 m2 tại tỉnh Hòa Bình để làm văn phòng và kho muối. Công ty còn có 9.684 m2 đất sản xuất - kinh doanh phi nông nghiệp tại Nghệ An và không ít kho muối trên nhiều địa bàn.
Rủi ro cao
Sàn UPCoM hoạt động từ ngày 24/6/2009 với mục tiêu mở rộng thị trường giao dịch chứng khoán có tổ chức, có sự quản lý của Nhà nước, giúp nhà đầu tư có thêm nơi giao dịch an toàn và thuận lợi. Sau gần 12 năm hoạt động, sàn giao dịch này có sự tăng trưởng mạnh mẽ cả về số lượng doanh nghiệp đăng ký giao dịch, tính thanh khoản và sức hút nhà đầu tư.
UPCoM có số lượng doanh nghiệp cao hơn nhiều 2 sàn niêm yết, giá trị giao dịch cao hơn HNX và số mã tăng giá trong Top 20 chiếm áp đảo, nhưng không ít công ty “có vấn đề”.
Trong tháng 4/2021, UPCoM có xấp xỉ 1,7 tỷ cổ phiếu được giao dịch, với giá trị 21.950 tỷ đồng, gấp đôi giá trị giao dịch trên HNX. Tính bình quân, khối lượng giao dịch trong tháng 4 đạt 84,8 triệu cổ phiếu/phiên, tăng 5,8% so với tháng 3; giá trị giao dịch đạt gần 1.100 tỷ đồng/phiên.
Theo số liệu từ HNX, tính đến ngày 13/5/2020, số lượng doanh nghiệp đăng ký giao dịch trên UPCoM đạt 916, cao hơn 2 sàn niêm yết là HNX (362 doanh nghiệp) và HOSE (402 doanh nghiệp) cộng lại. Mặc dù vậy, có 158/916 mã cổ phiếu nằm trong danh sách cảnh báo, trong đó 16 mã của công ty có vốn chủ sở hữu nhỏ hơn 10 tỷ đồng, 131 mã bị hạn chế giao dịch và 11 mã bị đình chỉ giao dịch.
Xét về giá cổ phiếu, trong quý I/2021, toàn thị trường chứng khoán Việt Nam có tổng cộng 54 cổ phiếu tăng giá trên 100%. Trong 20 mã tăng mạnh nhất toàn thị trường có 14 mã giao dịch trên UPCoM, trong khi HOSE có 6 mã và HNX không có mã nào. Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, toàn bộ 20 mã giảm mạnh nhất thị trường trong quý đầu năm đều đến từ UPCoM.
Với biên độ dao động giá cổ phiếu trong ngày được phép lên đến 15%, gấp đôi so với HOSE (7%) và gấp rưỡi so với HNX (10%), rủi ro khi đầu tư trên UPCoM là rất lớn nếu lựa chọn sai mã cổ phiếu và quyết định giao dịch sai thời điểm, nhưng trường hợp giá tăng thì mức độ tăng thường lớn, nên thu hút những nhà đầu tư ưa mạo hiểm.
Nhìn chung, rủi ro khi đầu tư trên UPCoM được đánh giá ở mức cao, khi có không ít doanh nghiệp quy mô nhỏ, hoạt động kém hiệu quả, cổ phiếu thanh khoản thấp, thậm chí “đóng băng”.
Nhiều ý kiến đánh giá, tìm được “vàng” trên UPCoM rất khó khăn. Nếu như tại HNX và HOSE, doanh nghiệp niêm yết phải thỏa mãn hàng loạt điều kiện tương đối khắt khe về lợi nhuận, ROA, ROE, vốn điều lệ tối thiểu, tỷ lệ sở hữu của cổ đông nhỏ…, thì để giao dịch trên UPCoM, thủ tục khá đơn giản với điều kiện thấp, các trường hợp kinh doanh thua lỗ, lỗ lũy kế lớn vẫn được chấp thuận giao dịch.
Sau khi lên UPCoM, các doanh nghiệp có nghĩa vụ công bố thông tin “nhẹ nhàng” hơn nhiều so với sàn niêm yết, khiến nhà đầu tư khó nắm bắt tình hình hoạt động kinh doanh.
Với thực trạng kết quả kinh doanh kém khả quan cũng như tình hình giao dịch nhỏ giọt của đa số cổ phiếu trên UPCoM, nhà đầu tư cần thận trọng và trang bị đầy đủ kiến thức cũng như tìm hiểu rõ về doanh nghiệp dự định đầu tư để hạn chế rủi ro.