Trong hồ sơ pháp lý nêu rõ X Corp là công ty tư nhân, với công ty mẹ là X Holdings Corp. Không có công ty giao dịch công khai sở hữu trên 10% cổ phần tại X Corp hoặc X Holdings Corp".
Trong một hồ sơ khác nộp lên Tòa án quận Nam Florida tại Miami, luật sư Joshua Webb của Twitter cũng sửa đổi tài liệu để nhấn mạnh Twitter đã sáp nhập vào X Corp và không còn tồn tại. X Corp là công ty tư nhân, được thành lập tại Nevada với trụ sở kinh doanh ở San Francisco, California.
Động thái này làm dấy lên nhiều suy đoán liệu vị tỷ phú dự tính làm gì với nền tảng mạng xã hội này. Bởi trước đây, Musk đã từng gợi ý mua lại Twitter sẽ giúp ông nhanh chóng tạo ra siêu ứng dụng X và được ông ưu ái gọi đây là “ứng dụng có tất cả mọi thứ”.
Vị tỷ phú giàu thứ hai thế giới đã tuyên bố muốn làm cho X giống WeChat của Trung Quốc - siêu ứng dụng thuộc sở hữu của Tencent Holdings. WeChat có đa dạng tính năng như một mạng xã hội thông thường, đồng thời có thể nhắn tin, thanh toán hay đặt vé sự kiện. Tuy nhiên, chính ông cũng cảm thấy không chắc chắn về cách mà X sẽ mang đến hiệu quả cho đế chế kinh doanh của mình.
Trước đó, Musk đã vạch ra kế hoạch riêng của mình để biến Twitter trở thành "nền tảng quảng cáo đứng đầu nhất trên thế giới", hứa hẹn củng cố thương hiệu và phát triển doanh nghiệp của họ. Musk tin rằng, anh ấy không phải là người duy nhất có những quan điểm này và tin rằng những quảng cáo bán hàng được nhắm mục tiêu có thể "làm hài lòng, giải trí và cung cấp thông tin" cho mọi người.
Tỷ phú Elon Musk nhắc lại lập trường của mình rằng, các giới hạn về phát ngôn phải tuân theo các quy định của pháp luật đã được ban hành. Chủ nhân của Twitter cũng đề cập về vấn đề các giới hạn pháp lý bằng cách tuyên bố rằng, nền tảng này "rõ ràng không thể trở thành một nơi mà người dùng có thể nói bất cứ điều gì mà không có hậu quả!".
Ngoài ra, có thông tin cho rằng, Elon Musk muốn Twitter là mạng xã hội chào đón nồng nhiệt tất cả mọi người và tiết lộ khả năng nó sẽ được thiết lập để cho phép người dùng "chọn trải nghiệm mong muốn theo sở thích" của từng người.
Musk đã nhắc đến một hệ thống hiện đang được sử dụng cho phim và trò chơi để minh họa quan điểm của mình. Điều này có thể cho thấy quyền kiểm duyệt của nền tảng sẽ nằm trong tay người dùng. Mặc dù lệnh cấm vẫn có thể được đưa ra cho các hoạt động bất hợp pháp (hoặc lời nói hợp pháp nhưng cực đoan), người dùng có thể phải điều chỉnh tùy chọn của họ để tránh nhìn thấy lời nói xúc phạm sau đó.
Động thái này rõ ràng là một sự thỏa hiệp so với lập trường mà Musk đã đưa ra cách đây một thời gian, nhưng điều này cũng mang lại lợi ích cho tương lai của Twitter bởi các nhà quảng cáo chính thống có xu hướng tránh các nền tảng lưu trữ nội dung gây tranh cãi.
Elon Musk thành lập X Holdings với vốn điều lệ là 2 triệu USD vào tháng 4/2022, nhằm phục vụ kế hoạch mua lại Twitter. Trong khi đó, X Corp mới được thành lập vào ngày 9/3 tại Nevada, theo hồ sơ nộp tại bang. Hồ sơ cũng cho thấy, việc sáp nhập với Twitter đã được đệ trình vào ngày 15/3.
Được biết, Musk muốn đổi tên Twitter và hành động sơn lên biển hiệu cho thấy, tỷ phú gốc Nam Phi này sẵn sàng thực hiện điều điên rồ tiếp theo trong việc quản lý mạng xã hội.
CEO Twitter cũng đăng ảnh mô tả biển hiệu với ký tự "w" sơn màu trắng, khiến người xem lướt sẽ thấy chữ "Titter".
Ông viết: "Chủ nhà cho thuê trụ sở tại San Francisco nói công ty được yêu cầu về mặt pháp lý để giữ biển hiệu Twitter, không được phép xóa ký tự 'w'. Vì vậy, chúng tôi đã sơn trắng (trùng với màu nền biển hiệu) lên nó và vấn đề được giải quyết".
Theo một số bức ảnh được người dùng đăng lên Twitter, kế hoạch đổi thành "Titter" của Musk đã được thực hiện trong vài ngày. Từ ngày 6/4, lập trình viên William LeGate đã tweet một bức ảnh về tấm biển có ký tự "w" bị dán lại.
Theo Insider, bất đồng về biển hiệu Twitter là vấn đề mới nhất giữa Musk và SRI Nine Market Square. Vào tháng 1, Twitter bị chủ tòa nhà kiện với lý do không trả khoản tiền 3,4 triệu USD/tháng vào tháng 12/2022 và tháng 1 năm nay.