Ngay lập tức, đồng euro sụt giá so với đồng USD trên thị trường tài chính.
Quyết định mới này của ECB tạo nên một áp lực khổng lồ đối với chính phủ mới của Thủ tướng Alexis Tsipras, vốn vẫn đang đàm phán với từng đối tác lớn của Liên minh châu Âu (EU) như Đức, Pháp, Anh về việc xem xét lại chương trình cứu trợ cho nước này. Theo đó, ông Tsipras không còn kêu gọi xóa nợ mà sẽ bán trái phiếu gắn các khoản nợ với mức tăng trưởng trong tương lai của Hy Lạp.
ECB đưa ra thông báo này chỉ một giờ sau khi Bộ trưởng Tài chính của Hy Lạp, ông Yanis Varoufakis có cuộc gặp gỡ với Thống đốc ECB, ông Mario Draghi nhằm kêu gọi sự ủng hộ cho kế hoạch tái thỏa thuận các khoản nợ của chính phủ nước này.
Quyết định này của ECB cho thấy sự cách biệt quá lớn giữa các chính trị gia Hy Lạp và các quan chức thuộc khu vực châu Âu, cho dù trước đây, ECB chưa từng đưa ra bất kỳ tín hiệu nào về động thái này.
Theo nguồn tin thân cận với người phụ trách tài chính, Hy Lạp có thể sẽ cạn nguồn tiền mặt cho tới cuối tháng này, trừ khi bộ ba chủ nợ của Hy Lạp nâng mức giới hạn 15 tỷ euro đối với vay nợ ngắn.
Lý do để ECB đưa ra quyết định trên là do cuộc kiểm tra ngân hàng vừa qua cho thấy, Hy Lạp không còn đáp ứng được các tiêu chuẩn an toàn tài chính của Eurozone. ECB sẽ không bỏ qua các quy tắc an toàn của mình để tiếp tục đảm bảo cho các khoản nợ của Hy Lạp.
Ngay sau khi ECB đưa ra quyết định trên, đồng euro có ngày giảm giá thứ hai liên tiếp so với đồng USD. Cho tới này, đồng tiền chung của 19 quốc gia châu Âu đã giảm xuống so với 14 trong số 16 đồng tiền chính.
Đồng euro giảm 0,3% xuống mức, xuống 1,1309 USD lúc 9h38 sáng nay theo giờ Việt Nam, sau khi đạt mức 1,1534 EUR/USD hôm 3/2, mức cao nhất kể từ 22/1.
Đồng tiền này cũng đã giảm 0,3% so với đồng yên Nhật (JPY), xuống 132,65 JPY. Đồng yên Nhật vẫn giữ nguyên tỷ giá với đồng USD ở 117,28 JPY/USD.
Đồng euro đã giảm khoảng 15% trong vòng 6 tháng vừa qua kể từ khi ECB có dự định về chương trình QE nhằm giúp khu vực thoát khỏi giảm phát và khắc phục tình trạng suy yếu của nền kinh tế.