Các nhà kinh tế châu Âu soi xét kỹ chính trường Hy Lạp

(ĐTCK) Sau cuộc bầu cử ngày 25/1, ông Alexis Tsipras trở thành Thủ tướng Hy Lạp - người không ủng hộ chính sách thắt lưng buộc bụng của Liên minh châu Âu (EU).
ông Alexis Tsipras ông Alexis Tsipras

Trong bài phát biểu mừng thắng lợi vào tối 26/1 tại Athens, ông Tsipras cho rằng, Hy Lạp đã bước sang trang mới, bỏ lại quá khứ khắc khổ với chính sách thắt chặt chi tiêu ở phía sau.

Trước đó, nền kinh tế Hy Lạp đã suy thoái nặng nề kể từ sau khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, khiến tỷ lệ thất nghiệp gia tăng và làm nhiều người dân rơi vào cảnh túng quẫn. Để tránh nguy cơ nền kinh tế sụp đổ, ngày 23/4/2010, Thủ tướng Hy Lạp George Papandreou đã khởi động chương trình xin cứu trợ.

Ngay lập tức (ngày 1/5/2010), “bộ ba” gồm Ủy ban châu Âu (EC), Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đã đồng ý cấp cho Hy Lạp các gói cứu trợ trị giá hàng trăm tỷ euro. Đổi lại, Hy Lạp phải chấp nhận các điều kiện hà khắc nhằm khôi phục kinh tế như tăng thuế VAT, tăng thuế một số mặt hàng như thuốc lá, rượu, xăng dầu; tăng thuế bất động sản, cắt và giảm hàng loạt khoản trợ cấp xã hội...

Từ thời điểm đó đến nay, Hy Lạp đã nhận được 2 gói cứu trợ từ “bộ ba” này với giá trị 240 tỷ euro (270 tỷ USD). Trong đó, Đức là chủ nợ lớn nhất với 56,5 tỷ euro. Gói cứu trợ của châu Âu sẽ được miễn lãi suất cho tới năm 2022. Hy Lạp sẽ phải bắt đầu trả cả gốc lẫn lãi vào năm 2023.

Được biết, ông Tsipras sẽ tổ chức một cuộc gặp gỡ với các nhà lãnh đạo châu Âu về việc giảm nợ cho Hy Lạp và tuyên bố bãi ước chính sách thắt chặt chi tiêu. Đây chính là cam kết giúp ông nhận được sự ủng hộ của đông đảo người dân và giành chiến thắng trong cuộc bầu cử vừa qua.

Hiện giới đầu tư đang đợi xem ông Tsipras dự định làm thế nào để bàn luận về tương lai tài chính của Hy Lạp khi gói cứu trợ thứ hai của khu vực đồng euro sẽ kết thúc vào cuối tháng 2 tới.

Không chỉ thu hút sự quan tâm của giới đầu tư, kết quả bầu cử ở Hy Lạp là một trong những nội dung chính tại Hội nghị bộ trưởng tài chính các nước tại khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) tại Brussels, Bỉ ngày 26/1.

Trước tuyên bố muốn xóa một nửa số nợ của Hy Lạp song song với việc duy trì vai trò thành viên Eurozone của ông Tsipras, Chủ tịch Eurogroup Jeroen Dijsselbloem nhấn mạnh: “Khó có cơ hội xóa nợ ở châu Âu. Nếu muốn ở lại Eurozone, bạn phải tuân thủ các nguyên tắc”. Cùng ngày, Thủ tướng Đức Angela Merkel bày tỏ hy vọng, chính phủ mới của Hy Lạp sẽ thực hiện cam kết với các chủ nợ quốc tế.

Ông Thomas Wieser, người chịu trách nhiệm chuẩn bị tổ chức hội nghị trên phát biểu với kênh Austrian Radio (ORF) rằng, các chủ nợ chính thức của Hy Lạp có thể sẽ nới lỏng hạn trả nợ cho đất nước này, đồng thời xác định thời điểm giải ngân gói cứu trợ tiếp theo. Bộ trưởng tài chính của Malta, ông Edward Scicluna cho rằng, “bộ ba” cũng sẽ giảm bớt các yêu cầu khi tiến hành kiểm tra nền kinh tế Hy Lạp hiện tại.

Các nhà lãnh đạo thuộc Liên minh châu Âu vẫn đang giữ suy đoán về việc Hy Lạp liệu có rút khỏi khối liên minh 19 nước trong tháng này. Cho dù vậy, không dễ dàng gì để ông Tsipras có thể rút lui khỏi khối liên minh này.

Hôm qua (27/1), thành viên HĐQT ECB, ông Benoit Coeure trả lời trên kênh radio Europe 1: “Hy Lạp phải trả các món nợ của mình và việc đơn phương từ bỏ là làm trái với các quy tắc của Liên minh”.

Bộ trưởng tài chính Đức Wolfgang Schäuble cũng phát biểu rằng, vị trí của ông không thay đổi sau cuộc bầu cử và các thỏa thuận đã đạt được với Hy Lạp vẫn “giữ nguyên giá trị”.

Hãng tin Reuters nhận định, chiến thắng của Syriza có thể khích lệ những lực lượng chống lại chính sách khắc khổ khác ở châu Âu, cũng như tăng thêm sức mạnh lên lời kêu gọi rời xa các biện pháp thắt lưng buộc bụng, cải cách cấu trúc mà Đức đang hậu thuẫn mạnh mẽ.

Lời kêu gọi này không chỉ đến từ những phong trào như Podemos ở Tây Ban Nha, mà còn từ một số nhà lãnh đạo châu Âu, như Tổng thống Pháp Francois Hollande và Thủ tướng Ý Matteo Renzi.

Tổng thống Pháp Francois Hollande đã có lời mời tân Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras tới Paris sau khi đắc cử với mong muốn thuyết phục chính phủ mới này giữ nguyên các cam kết trong khi các quan chức cấp cao của Đức đe dọa sẽ cắt các gói cứu trợ.

“Người Hy Lạp có quyền bầu cử cho người lãnh đạo mà họ muốn và chúng tôi cũng có quyền ngừng hỗ trợ tài chính cho các khoản nợ của Hy Lạp”, người đại diện cho đảng của bà Merkel phát biểu với tờ Bild.                                       

Trịnh Hằng(Theo báo chí nước ngoài)

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục