Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) quyết định sẽ kết thúc chương trình khẩn cấp thu mua trái phiếu trong đại dịch (PEPP) trị giá 1.850 tỷ euro (2.100 tỷ USD) vào tháng 3 năm sau song sẽ đẩy mạnh kế hoạch thu mua tài sản được thực hiện trước đó nhằm giảm thiểu tác động và thúc đẩy nền kinh tế Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone).
Trong tuyên bố sau khi kết thúc cuộc họp ngày 16/12, ECB thông báo sẽ giữ nguyên lãi suất ở mức thấp kỷ lục hiện nay.
Tuy nhiên, ngân hàng này sẽ giảm dần tốc độ thu mua trái phiếu theo chương trình PEPP trong quý đầu của năm 2022 và "sẽ ngừng mua tài sản ròng theo PEPP vào cuối tháng 3/2022."
Trong khi đó, chương trình mua tài sản trước đại dịch sẽ vẫn được duy trì và quy mô sẽ tăng từ 20 tỷ euro/tháng hiện nay lên 40 tỷ euro trong quý 2/2022, sau đó sẽ giảm xuống còn 30 tỷ euro trong quý 3.
ECB nhấn mạnh tầm quan trọng của "tính linh hoạt" trong chính sách tiền tệ, đồng thời để ngỏ khả năng nối lại việc thu mua theo chương trình PEPP "để chống lại những cú sốc tiêu cực liên quan đến đại dịch."
Chương trình PEPP được xem là "công cụ" chiến lược của ECB nhằm duy trì chi phí đi vay ở mức thấp, qua đó thúc đẩy kinh tế nội khối Liên minh châu Âu (EU) tăng trưởng. Theo kế hoạch, chương trình này sẽ kết thúc vào cuối tháng 3/2022.
Trước đó cùng ngày, Ngân hàng trung ương Anh (BoE) đã khiến các thị trường bất ngờ khi quyết định nâng lãi suất cơ bản.
Với tỷ lệ phiếu 8-1, Ủy ban Chính sách tiền tệ của BoE (MPC) gồm chín thành viên đã nhất trí tăng lãi suất từ 0,1% lên 0,25%.
Bên cạnh đó, với tỷ lệ phiếu 9-0, các thành viên của MPC đều đồng thuận giữ nguyên quy mô chương trình mua trái phiếu chính phủ ở mức 875 tỷ bảng Anh (1.160 tỷ USD).
Quang cảnh bên ngoài Ngân hàng trung ương Anh (BoE) tại London. (Ảnh: AFP/TTXVN). |
Các nhà hoạch định chính sách cho rằng việc nâng lãi suất cơ bản là bước đi "cần thiết" để đưa lạm phát của Anh trở lại mức mục tiêu 2%. Số liệu mới nhất cho thấy lạm phát tại Anh đã tăng lên mức cao nhất trong hơn 10 năm.
Theo số liệu của Văn phòng Thống kê Quốc gia Anh (ONS), chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Anh trong tháng 11 đã tăng 5,1% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn mức tăng 4,2% trong tháng 10 và mức dự báo 4,5% của BoE.
Con số này cũng gấp hơn 2,5 lần so với mức mục tiêu 2% của BoE.
ONS cho biết mặc dù lý do chính dẫn đến chỉ số lạm phát tăng mạnh là giá xăng, dầu và ôtô đã qua sử dụng tăng, nhưng giá cả hầu hết các hàng hóa và dịch vụ đều đi lên. Điều đó có nghĩa là áp lực lạm phát đang diễn ra trên toàn bộ nền kinh tế.