Chủ tịch ECB: Áp lực giá năng lượng có thể tồn tại lâu hơn các cú sốc về nguồn cung do Covid-19

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) Christine Lagarde cho biết, sự biến động về giá năng lượng có thể tồn tại lâu hơn các vấn đề nguồn cung liên quan đến Covid-19 đối với nền kinh tế toàn cầu.
Bà Christine Lagarde, Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) Bà Christine Lagarde, Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB)

Giống như nhiều khu vực khác, khu vực EU đã bị ảnh hưởng bởi sự gián đoạn trong chuỗi cung ứng do đại dịch Covid-19 gây ra và dẫn tới các biện pháp hạn chế xã hội sau đó. Điển hình là ngành công nghiệp ô tô của Đức đã phải đối phó với những tắc nghẽn trong chuỗi cung ứng do thiếu hụt chất bán dẫn.

“Tuy nhiên, giá năng lượng tăng vọt và tác động đến số liệu lạm phát có thể là vấn đề lâu dài hơn đối với khu vực”, bà Lagarde nói trong một cuộc phỏng vấn độc quyền với CNBC hôm thứ Năm (23/9).

“Năng lượng sẽ là một vấn đề có thể ở lại với chúng ta lâu hơn, bởi vì chúng tôi cũng đang chuyển đổi từ các nguồn năng lượng được định hướng bởi ngành công nghiệp hóa thạch sang năng lượng tái tạo. Chúng tôi mong muốn ít phụ thuộc hơn nhiều vào các nguồn hóa thạch”, bà Lagarde cho biết.

Khủng hoảng khí đốt

Khu vực EU nói riêng và châu Âu nói chung đang phải vật lộn với tình trạng thiếu khí đốt tự nhiên khiến hóa đơn năng lượng của người tiêu dùng tăng cao. Một số chính phủ, đặc biệt là Tây Ban Nha, Hy Lạp và Pháp đã bắt đầu can thiệp để bù đắp một số thiệt hại kinh tế cho người dân.

Tuy nhiên, có khá nhiều điều không chắc chắn về thời gian của áp lực tăng giá này trên thị trường năng lượng và ảnh hưởng của giá khí đốt với lạm phát trên toàn khu vực EU.

Một số chuyên gia trong ngành đã gợi ý rằng, những đợt tăng giá gần đây, đặc biệt là đối với khí đốt tự nhiên đã được nhấn mạnh bởi các chính sách khí hậu mới của EU và là một thực tế đơn giản của việc thúc đẩy mạnh mẽ hơn đối với năng lượng tái tạo.

Frans Timmermans, quan chức phụ trách vấn đề khí hậu khu vực EU đã nhấn mạnh rằng, việc tăng giá khí đốt không phải là lỗi của EU. “Chỉ khoảng 1/5 mức tăng giá có thể là do giá CO2 tăng. Những nguyên nhân khác đơn giản là về sự thiếu hụt trên thị trường”, ông cho biết.

Lạm phát ổn định hơn trong năm tới

Nhiệm vụ quan trọng nhất của ECB là ổn định giá cả với mục tiêu lạm phát 2%. Sự thay đổi lớn về giá tiêu dùng làm tăng khả năng các ngân hàng trung ương sẽ có những hành động thay đổi chính sách tiền tệ nhất định. Trên thực tế, lạm phát khu vực EU đã tăng lên mức cao nhất 10 năm vào tháng 8 và nhiều khả năng sẽ tăng đột biến trong những tháng tới.

“Tuy nhiên, chúng tôi đã điều chỉnh tăng dự báo của mình trong 3 quý vừa qua. Mọi thứ diễn ra nhanh hơn và điều đó đúng với tăng trưởng, lạm phát và việc làm. Theo một cách nào đó, đây là một tin tích cực bởi các nền kinh tế của chúng ta đang phản ứng. Nhưng tất nhiên nó gây ra một số vấn đề do chuỗi cung ứng đã bị gián đoạn bởi đại dịch và việc khởi động lại nền kinh tế đang mất nhiều thời gian”, bà Lagarde cho biết.

Đầu tháng này, ECB đã ước tính tỷ lệ lạm phát năm 2021 là 2,2%. Lạm phát sau đó dự kiến ​​sẽ giảm xuống lần lượt là 1,7% và 1,5% vào năm 2022 và 2023. Các dự báo điều chỉnh sẽ được đưa ra vào tháng 12 tới.

Mặc dù ECB đã lập luận rằng, lạm phát cao hơn là một hiện tượng nhất thời, nhưng một số chuyên gia đã nói rằng, một số mức tăng giá có thể tiếp tục kéo dài.

Trong bối cảnh đó, đầu tháng này, ECB đã quyết định giảm tốc độ mua trái phiếu trong thời kỳ đại dịch. Bà Lagarde giải thích đây không phải là một sự cắt giảm chương trình mua tài sản truyền thống, mà chỉ đơn giản là sự điều chỉnh lại chính sách.

Tuy nhiên, có rất nhiều dự đoán trên thị trường về những gì ECB sẽ làm liên quan đến chính sách tiền tệ cũng như Cục Dự trữ liên bang (Fed). Hôm thứ Tư (22/9), quan chức Fed nhắc lại rằng, việc giảm dần chương trình mua tài sản sẽ sớm xảy ra.

Fed đang phải đối mặt với áp lực tương tự như ECB, với tỷ lệ lạm phát cũng tăng cao hơn và sự cải thiện tổng thể trong tâm lý kinh tế kể từ khi đại dịch Covid-19 xuất hiện.

Tuy nhiên, bà Lagarde cho biết, không thể so sánh thời gian biểu của ECB với kế hoạch của Fed về kế hoạch rút lại các biện pháp kích thích.

Hạc Hiên
Theo báo chí nước ngoài

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục