ECB cảnh báo thay đổi chính sách của BOJ có thể ảnh hưởng đến thị trường trái phiếu toàn cầu

0:00 / 0:00
0:00
Một cảnh báo đã được Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đưa ra về rủi ro đối với thị trường trái phiếu khi Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) thay đổi chính sách.
ECB cảnh báo thay đổi chính sách của BOJ có thể ảnh hưởng đến thị trường trái phiếu toàn cầu

ECB cảnh báo thị trường trái phiếu khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) có nguy cơ bị bán tháo do sự rút lui đột ngột của các nhà đầu tư Nhật Bản nếu BOJ chấm dứt chính sách tiền tệ siêu nới lỏng.

Hiện dòng vốn Nhật Bản chảy ra khỏi thị trường trái phiếu khu vực châu Âu đã ở mức kỷ lục. Các nhà đầu tư tại Nhật Bản đã bán 5.400 tỷ yên (38,7 tỷ USD) trái phiếu tại khu vực châu Âu trong năm 2022, đây là mức kỷ lục kể từ năm 2005 đến nay. Mặc dù những tháng đầu năm nay các quỹ Nhật Bản đã mua thêm trái phiếu nhưng số tiền các quỹ Nhật Bản mua vào trong quý I/2023 vẫn chỉ vào khoảng 81 tỷ yên, là mức thấp nhất tính theo quý trong 6 năm qua.

Trái phiếu của Pháp và Đức ghi nhận bị các nhà đầu tư Nhật Bản bán mạnh nhất trong năm 2022. (Nguồn: Bộ Tài Chính Nhật Bản, Bloomberg)

Trái phiếu của Pháp và Đức ghi nhận bị các nhà đầu tư Nhật Bản bán mạnh nhất trong năm 2022. (Nguồn: Bộ Tài Chính Nhật Bản, Bloomberg)

“Việc từ bỏ chính sách tiền tệ siêu nới lỏng và môi trường lãi suất thấp ở Nhật Bản có thể thử thách khả năng phục hồi của thị trường trái phiếu toàn cầu”, ECB lưu ý, đồng thời cho biết, việc bình thường hóa chính sách của Nhật Bản “có thể ảnh hưởng đến quyết định của các nhà đầu tư Nhật Bản, những người có dấu ấn lớn trên thị trường tài chính toàn cầu, bao gồm cả thị trường trái phiếu khu vực đồng Euro.

Lãi suất tại Nhật Bản cao hơn có thể khiến các nhà đầu tư chuyển tiền về nước. Ông Luis de Guindos, Phó chủ tịch ECB cho biết, việc thắt chặt chính sách gần đây của ECB “có thể bộc lộ những tổn thương trong hệ thống tài chính”.

Tsuyoshi Ueno, chuyên gia kinh tế cấp cao tại Viện nghiên cứu NLI ở Tokyo, cho biết: “BOJ là mỏ neo của lãi suất toàn cầu và việc tăng lãi suất sẽ gây ra rủi ro giảm giá cho thị trường trái phiếu toàn cầu. Thông điệp của ECB là một trường hợp rất hiếm khi một ngân hàng trung ương bày tỏ quan ngại đối với việc bình thường hóa chính sách của BOJ”.

Lạm phát lõi của Nhật Bản đạt mức cao nhất trong hơn 4 thập kỷ qua, ở mức 4,1% trong tháng 4. Với áp lực lạm phát như hiện nay, phần lớn các nhà đầu tư tin rằng Thống đốc BOJ ông Kazuo Ueda sẽ buộc phải tăng lãi suất để kiềm chế giá cả tăng cao.

Tuy nhiên, các nhà phân tích vẫn chưa thống nhất được khi nào BOJ sẽ điều chỉnh chính sách. Một cuộc khảo sát vào đầu tháng 5 về hoạt động của thị trường trái phiếu - một điểm trọng tâm chính của BOJ - đã cho thấy những dấu hiệu cải thiện, giảm bớt phần nào áp lực lên các nhà hoạch định chính sách.

ECB cảnh báo về tác động của việc tăng lãi suất của Nhật Bản đối với các giao dịch dựa vào chênh lệch lãi suất (Carry Trade) và lợi suất cao hơn ở Nhật Bản có thể khuyến khích các nhà đầu tư hồi hương tài sản ở nước ngoài. ECB cũng lo ngại việc rút tiền đột ngột từ thị trường trái phiếu châu Âu có thể có ảnh hưởng đáng kể đến giá cả và sự ổn định của thị trường này.

“Những động lực như vậy có thể được khuếch đại bởi nguồn cung ròng tăng lên của các trái phiếu do ECB thực hiện thắt chặt định lượng”, báo cáo của ECB cho biết.

Mới đây BOJ cũng cho biết đã lỗ trên giấy tờ 157,1 tỷ yen (1,1 tỷ USD) khi nắm giữ trái phiếu chính phủ với số lượng cao kỷ lục trong năm tài khóa 2022. Đây là lần đầu tiên trong vòng 17 năm qua, BOJ đối mặt với khoản lỗ như vậy sau khi đẩy mạnh mua trái phiếu để giữ lợi suất thấp bất chấp xu hướng thắt chặt tiền tệ toàn cầu.

Diệp Anh - Hạc Hiên
Theo báo chí nước ngoài

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục