EC lùi lịch kiểm tra chống khai thác IUU tại Việt Nam sang tháng 10/2023

0:00 / 0:00
0:00
Đoàn thanh tra của Ủy ban châu Âu (EC) sẽ sang Việt Nam kiểm tra lần thứ tư về chống khai thác hải sản bất hợp pháp vào tháng 10/2023 thay vì tháng 5 như dự kiến.
Ủy ban châu Âu sẽ kiểm tra về chống khai thác hải sản bất hợp pháp vào tháng 10/2023. Ủy ban châu Âu sẽ kiểm tra về chống khai thác hải sản bất hợp pháp vào tháng 10/2023.

Cục Thủy sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, đoàn thanh tra của Ủy ban châu Âu (EC) sẽ sang Việt Nam kiểm tra lần thứ tư về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) vào tháng 10/2023, thay vì tháng 5 như thông báo trước đó.

EC đã đề xuất các cuộc làm việc trực tuyến vào tháng 5, tháng 6 và tháng 10/2023 trước khi sang Việt Nam kiểm tra.

Cuối tháng 5/2023, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ có đoàn công tác sang và làm việc trực tiếp để EC nắm bắt, cập nhật tình hình chống khai thác IUU của Việt Nam, hy vọng có thể thu hẹp khuyến nghị của họ với Việt Nam.

Sau khi EC thanh tra vào tháng 10/2022, Việt Nam đã nỗ lực triển khai bốn nhóm khuyến nghị của EC để chống khai thác IUU, gỡ cảnh báo “thẻ vàng” gồm khung pháp lý; theo dõi, kiểm tra, kiểm soát hoạt động tàu cá, quản lý đội tàu; chứng nhận sản lượng và truy xuất nguồn gốc thủy sản từ khai thác; thực thi pháp luật.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng tổ chức các đoàn công tác kiểm tra thực tế tình hình và hướng dẫn các địa phương triển khai các biện pháp chống khai thác IUU, khắc phục khuyến nghị của EC tại địa phương như Thanh Hóa, Trà Vinh, Sóc Trăng, Nam Định, Thái Bình, Phú Yên, Bình Định.

Các địa phương đã tích cực chỉ đạo, tổ chức triển khai các giải pháp để khắc phục các tồn tại, hạn chế để sớm gỡ cảnh báo “thẻ vàng” của EC.

Đến ngày 30/4/2023, đã có 28.797/29.489 tàu cá đã lắp đặt thiết bị giám sát hành trình (VMS). Số lượng tàu cá chưa lắp đặt thiết bị VMS đã được các địa phương lập danh sách để theo dõi, quản lý hầu hết là các tàu cá đang nằm bờ, ngưng hoạt động.

Tháng 10/2017, EC đã cảnh báo "thẻ vàng" đối với sản phẩm hải sản khai thác của Việt Nam xuất khẩu vào châu Âu vì chưa tuân thủ đầy đủ các quy định về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không tuân thủ quy định. Từ đó đến nay, Việt Nam đã nỗ lực với nhiều cam kết thực hiện IUU.

Với việc bị cảnh báo thẻ vàng, xuất khẩu hải sản của Việt Nam sang EU bị kiểm soát 100% thay vì kiểm tra xác suất, khiến doanh nghiệp xuất khẩu phải bỏ ra nhiều chi phí hơn.

Thế Hải
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục