Thị trường ảm đạm, giá trị giao dịch đi xuống khiến các CTCK phải tìm mọi cách xoay sở để tồn tại và vượt qua cơn bão tài chính mà theo các chuyên gia dự đoán vẫn chưa nhìn lấy ánh sáng cuối đường hầm. Xem danh sách thông tin công bố của các CTCK, đa phần là thông tin về việc đóng cửa chi nhánh, phòng giao dịch. Trên các tờ báo hàng ngày rải rác thông tin các CTCK tiết kiệm chi phí, giảm lương, cắt giảm nhân sự … Việc đóng cửa và cắt giảm nhân sự trong giai đoạn thị trường khó khăn là hệ quả của sự phát triển nóng ở các CTCK: Phát triển về lượng không phát triển về chất và hơn thế nữa, cách phát triển theo bề ngang đã đem lại gánh nặng về chi phí cho các CTCK.
Giao dịch chứng khoán qua internet không mới nhưng với những lợi thế là không bị giới hạn bởi thời gian, khoảng cách, giảm chi phí nhân sự có thể là một hướng đi mới, khắc phục toàn bộ các nhược điểm của phương pháp phát triển theo chiều ngang. Internet, điện thoại di động và các thiết bị không dây là những yếu tố không thể thiếu được trong thế giới hiện đại. Với những lợi thế về tốc độ phát triển thuê bao internet, điện thoại di động… Việt
Nguồn: mic.gov.vn
Theo thông tin thống kê của Sở Giao dịch chứng khoán TPHCM (HSX), trong 100 CTCK thành viên của Sở, hơn 80 công ty có tham gia giao dịch trực tuyến với Sở (không cần đại diện sàn ngồi nhập lệnh tại Sở) nhưng chỉ hơn một nửa các CTCK cung cấp dịch vụ giao dịch thông qua internet cho NĐT. Người sử dụng dịch vụ này chủ yếu là các NĐT vừa và nhỏ, nhân viên văn phòng. Các NĐT lớn thường sử dụng dịch vụ đặt lệnh qua điện thoại hoặc trực tiếp ngồi tại sàn giao dịch chứng khoán cùng với các nhân viên môi giới. Tại sao việc phát triển giao dịch qua internet đối với chứng khoán lại hạn chế như vậy? Một trong những lý do quan trọng là khách hàng mục tiêu của đa số các CTCK chủ yếu tập trung vào nhóm các NĐT lớn, với thói quen ít sử dụng các phần mềm giao dịch qua internet nên vô hình chung, các phần mềm giao dịch trực tuyến chưa được quan tâm thích đáng.
Các phần mềm giao dịch trực tuyến hiện nay, về nguồn gốc có thể chia thành 2 nhóm: phần mềm mua của các đối tác nước ngoài và phần mềm tự phát triển. Các phần mềm mua của các đối tác nước ngoài (từ Thái Lan, Hàn Quốc) đều là các phần mềm bán trọn gói, các CTCK gần như không có khả năng can thiệp vào phần mềm, khả năng tự nâng cấp phát triển là kém. Đa số các phần mềm này được thiết kế để phục vụ các NĐT nước ngoài, nên sự thân thiện của các phần mềm này đối với NĐT trong nước chưa cao. Phần mềm do các CTCK tự phát triển hoặc thuê các đơn vị trong nước gia công, đã khắc phục được đa số nhược điểm của các phần mềm ngoại nhập như: thân thiện hơn đối với các NĐT trong nước, khả năng nâng cấp và phát triển tốt; tuy nhiên việc duy trì một đội ngũ nhân viên để duy trì phát triển phần mềm giao dịch sẽ đòi hỏi nhiều về nhân sự, chi phí.
Dưới góc độ công nghệ, các phần mềm giao dịch dựa trên hai nền tảng: phần mềm cài đặt trên máy tính cá nhân và phần mềm sử dụng công nghệ web-base, chạy trực tiếp từ trang web. Các phần mềm cài đặt trên máy tính do sử dụng tài nguyên của máy tính cá nhân nên số lượng thông tin về thị trường, về từng loại chứng khoán, các loại đồ thị sẽ phong phú hơn và tốc độ cập nhật, giao dịch nhanh hơn. Mặc dù có khá nhiều ưu điểm, các phần mềm này cũng có một số nhược điểm hạn chế như khó khăn trong việc cài đặt do tính bảo mật. Đặc biệt ở một số công ty, do chế độ bảo mật riêng nên việc cài đặt các phần mềm giao dịch trên máy tính cá nhân có thể hoàn toàn bị chặn. Đây cũng là lý do khiến một số CTCK cung cấp dịch vụ giao dịch qua internet gặp khó khăn khi tiếp thị đến nhóm NĐT là nhân viên văn phòng. Giải pháp khác là dựa trên nền website, giải pháp này sẽ khắc phục được các nhược điểm của phần mềm cài đặt trên máy như: không bị chặn bởi các phần mềm bảo mật, dễ sử dụng, dễ điều chỉnh để phù hợp với nhu cầu của NĐT, có thể phát triển trên các thiết bị di động cá nhân, tuy nhiên lại không có được ưu điểm của các phầm mềm cài đặt như: khả năng xử lý dữ liệu, tốc độ giao dịch.
Với ưu nhược điểm của các phần mềm giao dịch như trên, hiện chưa có giải pháp tuyệt đối để dung hòa giữa nhu cầu của 2 nhóm nhà đầu tư: NĐT VIP và NĐT vừa và nhỏ. Tuy nhiên để khắc phục nhược điểm của các giải pháp trên, một số CTCK đang tìm cách phát triển riêng phần mềm giao dịch của công ty mình, các hướng xây dựng phần mềm đều tập trung vào tốc độ giao dịch, giao diện thân thiện, phần mềm việt hóa để hướng tới các NĐT trong nước. Ngoài ra, các phần mềm giao dịch mới hiện nay cũng tích hợp nhiều hơn các dịch vụ mới mà trước đây được cung cấp bằng phương pháp thủ công như ứng trước, giao dịch margin, quản lý nhiều tài khoản… Những CTCK có phần mềm giao dịch ưu việt, tích hợp nhiều ứng dụng sẽ có nhiều lợi thế hơn trong việc cạnh tranh giành thị phần giao dịch và thu hút các NĐT vừa và nhỏ.