“Đứt gãy” các yếu tố đầu vào và hệ lụy với nền kinh tế

0:00 / 0:00
0:00
Sự đứt gãy nguồn cung nguyên - nhiên - vật liệu, lao động và vốn đang ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động của mỗi doanh nghiệp nói riêng và toàn nền kinh tế nói chung.
“Đứt gãy” các yếu tố đầu vào và hệ lụy với nền kinh tế

Sự đứt gãy nguồn cung nguyên, nhiên, vật liệu xuất hiện từ năm 2020, khi Covid-19 bùng phát. Bước sang năm 2021, sau 8 tháng, do tăng trưởng nhập khẩu cao hơn xuất khẩu (33,8% so với 21,2%), nên cán cân thương mại của nước ta chuyển sang nhập siêu, ngược chiều với cùng kỳ năm 2020.

Nhập khẩu tăng cao do nhiều nguyên nhân, trong đó, có một phần do ngại lặp lại việc đứt gãy lớn của năm trước; một phần do mục tiêu kép: vừa phòng chống dịch bệnh, vừa phục hồi sản xuất - kinh doanh; một phần đề phòng giá nhập khẩu tiếp tục tăng cao.

Kim ngạch nhập khẩu tăng không chỉ do lượng nhập khẩu nhiều mặt hàng tăng, mà còn do đơn giá nhập khẩu tăng cao. Giá nhập khẩu tăng phi mã đã làm tăng chi phí đẩy, dẫn đến “nhập khẩu lạm phát”, làm giảm sức mua.

Về vấn đề lao động, Covid-19 bùng phát đã làm cho số doanh nghiệp, cơ sở kinh tế ra khỏi hoặc tạm thời ra khỏi thị trường tăng cao, lao động bị mất việc làm, nhiều người phải về quê, quay lại làm nông nghiệp hoặc chuyển công việc khác. Đứt gãy việc làm cũng đồng nghĩa với việc người lao động bị giảm thu nhập, tác động đến tiêu thụ trong nước - một trong những yếu tố khiến tăng trưởng kinh tế và Chỉ số Giá tiêu dùng (CPI) tăng thấp trong 8 tháng qua.

Không những thế, Covid-19 “tấn công” vào các khu công nghiệp, các địa bàn trọng điểm kinh tế, khiến các doanh nghiệp bị ảnh hưởng nghiêm trọng khi có công nhân bị nhiễm bệnh, phải tạm dừng sản xuất hoặc không đảm bảo “ba tại chỗ”. Đáng lưu ý, ngay cả khi dịch được kiểm soát, doanh nghiệp cũng sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc giải bài toán dứt gãy lao động để có thể bước vào phục hồi sản xuất - kinh doanh.

Về vốn - yếu tố vật chất trực tiếp quyết định tăng trưởng kinh tế, sự đứt gãy thể hiện chủ yếu ở tỷ lệ so với GDP 6 tháng 2020 giảm còn 29,2% - thấp nhất trong nhiều năm qua. Trong đó, tỷ trọng vốn từ khu vực nhà nước trong tổng vốn đầu tư phát triển 6 tháng đầu năm 2021 chỉ là 25,3%, thấp hơn so với kế hoạch năm. Vốn đầu tư ngoài nhà nước có tỷ trọng cao hơn, nhưng số doanh nghiệp rời khỏi thị trường nhiều và tăng cao.

Vốn là “dòng máu” để doanh nghiệp hoạt động. Khi giá nguyên - nhiên - vật liệu tăng, thì thiếu vốn hoạt động là điều không tránh khỏi.

Không chỉ bị đứt gãy, vốn đầu tư phát triển và vốn hoạt động còn bị phân tán, khi một lượng không nhỏ bị “chôn” vào vàng, bất động sản, tiền ảo, thậm chí còn được gửi vào ngân hàng để tạm trú… Tiền đầu tư vào chứng khoán là nhằm giúp các công ty niêm yết tăng đầu tư, sản xuất, kinh doanh, nhưng do sự “nhảy nhót” của thị trường, dẫn đến nhiều hệ lụy cho nền kinh tế.

Minh Nhung
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục