Bóng dáng những ông lớn
Trung tuần tháng 12/2023, Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) quyết định bổ sung 3.000 tỷ đồng đầu tư vào Công ty TNHH Chứng khoán ACB (ACBS) - công ty chứng khoán do nhà băng này sở hữu 100%. Đợt tăng vốn dự kiến thực hiện trong năm 2024 có thể nhanh chóng đưa ACBS bước vào top 5 công ty chứng khoán có quy mô vốn điều lệ lớn nhất ngành.
Quyết định trên được thông qua chỉ một tháng rưỡi sau khi ACBS hoàn tất các thủ tục tăng vốn từ 3.000 tỷ lên 4.000 tỷ đồng. HĐTV công ty này cũng vừa họp và thống nhất kế hoạch kinh doanh năm 2024. Các con số cụ thể không được công bố, nhưng phương án nâng vốn điều lệ từ 4.000 tỷ đồng lên 7.000 tỷ đồng cùng việc bổ nhiệm thêm các nhân sự lãnh đạo đã phần nào cho thấy kỳ vọng của ngân hàng mẹ ACB đối với đơn vị thành viên này vào năm 2024.
ACB không phải nhà băng duy nhất tích cực đầu tư thêm nguồn lực vào chứng khoán. Công ty cổ phần Chứng khoán LPBank (LPBS) - do LPBank sở hữu 5,5% vốn điều lệ, sắp tới sẽ trình tại cuộc họp Đại hội đồng cổ đông bất thường để thông qua phương án tăng vốn “khủng” từ 250 tỷ lên 3.888 tỷ đồng. LPBS sẽ chào bán tối đa 363,8 triệu cổ phiếu với mức giá không thấp hơn 10.000 đồng/cổ phiếu, cổ đông sở hữu mỗi 1.000 cổ phiếu sẽ được mua thêm 14.552 cổ phiếu mới.
Ngoài LPBank, đa phần cổ phiếu của LPBS đang nằm trong tay các cổ đông cá nhân. Dù vậy, bóng dáng của “ông lớn” LPBank vẫn khá rõ ràng, bởi ông Lê Minh Tâm, Chủ tịch HĐQT của công ty chứng khoán này cũng đảm nhiệm vị trí thành viên HĐQT độc lập của LPBank.
Thông qua góp vốn cổ phần, hơn một năm qua, Công ty cổ phần Chứng khoán VPBank (VPBankS) và Công ty cổ phần Chứng khoán Kỹ thương (TCBS) cũng có bước nhảy vọt về năng lực tài chính. Với việc cán mốc 15.000 tỷ đồng vốn điều lệ, VPBankS giữ vị trí á quân về vốn điều lệ. Trong khi đó, TCBS nhận thêm 10.242 tỷ đồng từ việc chào bán cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với giá 97.542 đồng/cổ phiếu, vẫn đứng đầu quy mô vốn chủ sở hữu nhóm các công ty chứng khoán theo cập nhật tại báo cáo tài chính quý III/2023.
Cùng với sự tham gia của các “ông lớn” nhà băng, nhóm các công ty chứng khoán top đầu đang “cấp tập” cho đợt tăng vốn những tháng cuối năm 2023, đầu năm 2024. Sau khi được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chấp thuận, Công ty cổ phần Chứng khoán TP.HCM (HSC) thông báo ngày chốt danh sách cổ đông chào bán cổ phiếu tỷ lệ 2:1 và phát hành 68,58 triệu cổ phiếu để trả cổ tức đợt 2/2021 tỷ lệ 100:15. Dự kiến, các cổ đông sẽ hoàn tất nộp tiền mua vào giữa tháng 2/2024. Vốn điều lệ của HSC có thể tăng từ 4.581 tỷ lên hơn 7.552 tỷ đồng, cạnh tranh vị trí top 5 với ACBS trong tương lai.
Cuối tuần qua, Công ty cổ phần Chứng khoán SSI đã hoàn tất lấy ý kiến cổ đông về phương án chào bán thêm tối đa hơn 151,1 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu (tỷ lệ 10%) và phát hành 302 triệu cổ phiếu thưởng để tăng vốn cổ phần từ nguồn vốn chủ sở hữu (tỷ lệ 20%). Thời gian dự kiến phát hành trong năm 2023 - 2024 hoặc thời gian khác tùy quyết định của HĐQT.
Đường đua thêm nóng
Các đợt tăng vốn sắp tới có thuận lợi nhất định nhờ nhiều khả năng đón thêm thông tin tích cực về tăng trưởng kinh doanh của các công ty chứng khoán khi so sánh với mức nền thấp của quý IV/2022, cũng như nửa đầu năm 2023. Sự quyết liệt của Chính phủ trong mục tiêu nâng hạng thị trường chứng khoán cùng kỳ vọng khi vận hành hệ thống giao dịch mới KRX là chất xúc tác hỗ trợ cổ phiếu chứng khoán trên thị trường thứ cấp và các đợt phát hành ở thị trường sơ cấp.
Đa phần mục tiêu trong các đợt huy động vốn cổ đông dành một phần khá lớn cho hoạt động ký quỹ giao dịch. Thống kê của Công ty cổ phần Chứng khoán KB trong báo cáo mới đây cho thấy, cho vay ký quỹ là mảng có đóng góp lớn nhất trong hoạt động của các công ty chứng khoán, với tỷ trọng 41% tổng lợi nhuận gộp.
Năm 2021 từng chứng kiến việc các nhà đầu tư cá nhân ồ ạt gia nhập thị trường, tỷ lệ dư nợ cho vay ký quỹ trên vốn chủ sở hữu ở một số đơn vị từng có thời điểm chạm trần (tối đa 200%). Nhưng sau gần 2 năm, tỷ lệ trên hiện chưa đến 73%. Trái với xu hướng tăng của vốn chủ sở hữu, dư nợ cho vay ký quỹ tại các công ty chứng khoán đã thu hẹp đáng kể.
Trong bối cảnh nhu cầu vay ký quỹ của nhà đầu tư chưa tăng mạnh như giai đoạn trước, vốn huy động từ cổ đông có thể tạm phân bổ vào các hoạt động khác hoặc thay thế các nguồn huy động khác. Nhất là khi mới đây, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước yêu cầu các công ty chứng khoán dừng ngay các hoạt động khiến khách hàng/nhà đầu tư hiểu rằng, công ty chứng khoán có chức năng nhận tiền gửi như tổ chức tín dụng.
Thời gian qua, miếng bánh thị phần mảng môi giới đã có những cuộc soán ngôi, dần ghi nhận sự vươn lên thấy rõ từ một số tân binh, trong đó không thể phủ nhận vai trò của nguồn lực vốn. Cụ thể, Công ty cổ phần Chứng khoán VPS vươn lên vị trí top 1 thị phần môi giới từ năm 2021, ngoài nhờ chiến lược riêng, còn nhờ nền tảng năng lực tài chính được củng cố khi vốn điều lệ tăng mạnh từ 970 tỷ lên 5.700 tỷ đồng trong giai đoạn 2016 - 2021.
Chuẩn bị sẵn nguồn lực là điều cần thiết để đón đầu cơ hội. Tuy vậy, sự chuẩn bị quá sớm đặt ra bài toán về sử dụng hiệu quả nguồn vốn huy động được từ các cổ đông.
Khác với các công ty chứng khoán thuộc sở hữu của ngân hàng, thời gian tăng vốn thực tế ở nhóm có cơ cấu cổ đông đa dạng phụ thuộc nhiều vào các thủ tục cần hoàn thiện cũng như tình hình thị trường. Phương án tăng vốn của HSC được HĐQT thông qua cuối tháng 12/2022 đến nay mới triển khai. HĐQT của loạt công ty chứng khoán đã ra quyết định triển khai tăng vốn như Công ty cổ phần Chứng khoán VNDirect (tháng 8) hay Công ty cổ phần Chứng khoán HD (tháng 10), nhưng chưa có thêm cập nhật ở thời điểm hiện tại.