Buổi nói chuyện do IEG tổ chức cuối tuần qua tại Hà Nội đã thu hút rất đông phụ huynh và học sinh tham gia.
Hãy cứ ước mơ, thực hiện đam mê và sống hết mình để thực hiện ước mơ, để không có ngày phải nuối tiếc, đó là bài học lớn nhất mà nhiều người có thể cảm nhận từ cuộc talkshow này.
Trên thực tế, hiện có không ít bậc phụ huynh áp đặt ý muốn với con cái, muốn con học ngành này, ngành nọ, nối nghiệp bố mẹ, ông bà… Nhưng điều quan trọng để đứa trẻ thành công lại ở chỗ, chúng thích gì và muốn được làm gì.
Khi có hứng thú với môn học nào đó, chúng sẽ tiến bộ rất nhanh và mới có thể đạt được những thành tích xuất sắc trong lĩnh vực đó. Tất nhiên, để phát hiện được con có năng khiếu về môn học, lĩnh vực nào, là cả một hành trình mà cha mẹ phải đồng hành cùng con cái.
6 cựu sinh viên Việt Nam học tại Đại học Stanford
Anh Nguyễn Chí Hiếu sinh ra tại Bình Đình, từng giành học bổng toàn phần các trường CTC, LSE, Stanford, Oxford; đạt top 100 sinh viên xuất sắc nhất thế giới; hiện là cố vấn chuyên môn và chiến lược cấp cao cho 7 tổ chức giáo dục, kể lại, trong suốt thời gian tiểu học, anh học rất giỏi nhưng rồi một ngày nọ, anh không còn hứng thú với việc học nữa, cũng muốn đi chơi net như những người bạn của mình.
“Bố tôi biết vậy, ông đã xé tất cả giấy khen của tôi vứt vào thùng rác và nói: Những tờ giấy này không hề quan trọng, nó đến và có thể mất rất nhanh như con thấy. Cái quan trọng là những gì nằm trong đầu và trong tim con”.
Cú sốc khiến anh tỉnh ngộ, tiếp tục chú tâm và học tập.
Nguyễn Việt Anh (bên trái) chụp ảnh kỷ nhiệm với cựu sinh viên Việt Nam học tại Đại học Stanford tại buổi talkshow
Năng khiếu tiếng Anh đến với anh một cách rất tình cờ. Vốn là người cá tính, anh thường muốn làm theo ý mình. Họ hàng nhà anh bên nội có 8 người dạy toán, bên ngoại có 4 người dạy văn.
Khi Hiếu vào cấp 3, ai cũng muốn anh theo ngành của mình để có thêm đồng minh. Không muốn làm mếch lòng ai, lại muốn được tự lập, không phải chịu sự kiểm tra, chỉ bảo về bài vở của cha hoặc mẹ, anh chọn chuyên Anh.
Vậy mà sau đó lại rất đam mê và thành công với một ngành hoàn toàn mới.
Nhưng con đường đến Standford của anh Hiếu không đơn giản, anh từng 2 lần bị trường từ chối và lần thứ ba xin học bổng mới thành công.
Câu chuyện của chị Văn Đình Hồng Vũ, người đạt 2 học bổng Thạc sĩ MBA và Giáo dục của Stanford; "Đại sứ tuổi 20" đại diện Việt Nam công du gần 10 nước, người sáng lập Quỹ học bổng Vietseeds và giành giải thưởng khởi nghiệp tại Mỹ với ứng dụng học ngoại ngữ ELSA cũng cho thấy, ảnh hưởng rất lớn từ cách giáo dục của gia đình.
Buổi talkshow thu hút nhiều học sinh và phu huynh tham dự
Cha mẹ chị không bao giờ đề cao việc con được điểm cao, không tạo áp lực để con phải đạt điểm cao bằng mọi cách. Thậm chí, khi chị tự đăng ký và thi đậu vào trường chuyên cấp 3 Nha Trang, niềm mơ ước của nhiều học sinh cùng trang lứa, ba chị còn đi rút đơn và thuyết phục chị học trường thường.
Thời điểm đó chị không hiểu quyết định của cha và rất giận ông, nhưng về sau chị mới hiểu quyết định của ông là đúng vì chị không phải học tập trong áp lực và có thời gian để theo đuổi những gì mình thích.
Thành tích trong quá khứ có quan trọng trong hồ sơ gửi tới Standford không? Thực sự không có quá nhiều ý nghĩa.
Điều quyết định Standford chọn bạn hay không, theo chia sẻ của anh Phạm Kim Hùng, người đạt Học bổng toàn phần Đại học Stanford chương trình Toán và Công nghệ thông tin; Giám đốc điều hành Mạng xã hội doanh nhân - trí thức Việt Nam; Sáng lập và Chủ tịch HĐQT công ty công nghệ TechElite, là thông qua hồ sơ đó, họ thấy được sự khác biệt, bạn dám làm để thực hiện được đam mê và mơ ước của mình.
Năm 2013, anh Hùng xin nghỉ học 1 năm tại Standford để về Việt Nam thực hiện dự án cá nhân. Rất nhiều bạn bè và người thân khuyên anh đừng làm vậy vì có thể việc trở lại trường sẽ vô cùng khó khăn. Tuy nhiên, các giáo sư của trường lại rất ủng hộ, họ bảo: “Nếu em thực sự muốn làm gì đó có giá trị, Standford rất ủng hộ, việc học có thể tiếp tục sau đó”.
Theo các diễn giả, khả năng tự học và sự tự tin là hai bí quyết có thể dẫn dắt đứa trẻ gặt hái nhiều thành công.
Chị Văn Đình Hồng Vũ chia sẻ công thức 5 phút để rèn luyện sự tự tin trong học ngoại ngữ cũng như các vấn đề khác. Đó là, ở bất cứ bài học nào, cuộc họp nào, chương trình nào có yêu cầu bạn phát biểu, trong 5 phút đầu tiên, hãy giơ tay và thể hiện được quan điểm của mình. Đó có thể là câu trả lời chưa tốt, nhưng điều đó không quan trọng, quan trọng hơn nó sẽ giúp bạn hình thành phản xạ tốt và sự tự tin.
Điều này cũng vô cùng quan trọng với những bạn trẻ có ước mơ du học, theo nhiều khảo sát tại Đại học Standford, vào được trường là niềm tự hào lớn, nhưng thích ứng và thành công được trong trường học và trường đời sau đó, còn khó khăn hơn. Rất nhiều bạn trẻ đến từ châu Á đã bị sốc sau khi vào trường học, có người còn mắc chứng trầm cảm.
Bản thân chị Vũ là người rất giỏi tiếng Anh, thậm chí chị có thể tự tin nói rằng, mình nắm vững một số lý thuyết tiếng Anh hơn bất cứ bạn học người Mỹ nào cùng trường. Nhưng khi mới sang Mỹ học, chị từng sốc khi trong cuộc trao đổi, phải nói lại đến lần thứ ba mà người nghe vẫn tỏ ra chưa hiểu rõ những điều chị muốn nói.
Có rất nhiều điều để học hỏi từ buổi nói chuyện, và chia sẻ của anh Vũ Duy Thức, Tiến sĩ CNTT tại ĐH Stanford; Đồng sáng lập Katango và Tappy được Google, Weeby.co mua, là điều mà các bạn trẻ có thể cùng suy ngẫm “Bạn hãy cứ ước mơ, đường đến Standford không xa. Quan trọng nhất, bạn sẽ kể với họ câu chuyện gì và điều gì với bạn là quan trọng nhất”.