Đường đến sản phẩm tài chính thông minh

(ĐTCK) Một trong những chủ đề tôi được nghe nhiều nhất trong năm 2018 là sử dụng robot để giao dịch cổ phiếu và tư vấn đầu tư. Ngày nay, đến dự một buổi triển lãm về đầu tư ở London, bạn có thể bắt gặp ít nhất một công ty giới thiệu về công nghệ tư vấn đầu tư bằng robot.
Đường đến sản phẩm tài chính thông minh

Gần đây tôi được tiếp xúc với nhiều nhóm đang triển khai các dự án này giao dịch cổ phiếu bằng thuật toán ở Việt Nam. Cũng cũng đã có những công ty chứng khoán cung cấp các công cụ như API, hiểu nôm na là cầu nối giữa hệ thống phân tích và giao dịch thuật toán của các nhà đầu tư với hạ tầng giao dịch của các công ty chứng khoán.

Vậy, robot có sắp “cướp” hết việc của giới làm chứng khoán ở Việt Nam?

TS. Hồ Quốc Tuấn, Giảng viên Đại học Bristol, Anh  

Tôi không nghĩ như vậy, ít nhất là qua cảm nhận từ những trao đổi với những người trong cuộc.

Thứ nhất, ở nước ngoài, robot được sử dụng để thay thế cho nhân sự tư vấn đầu tư là vì việc thuê những nhân sự đó tốn kém, do lương thưởng cao, chi phí bảo hiểm xã hội, phúc lợi đắt đỏ. Còn ở Việt Nam, cấu trúc trả lương và thưởng trên hiệu quả công việc khiến chi phí nhân sự môi giới không quá đắt tiền như ở Anh hay Mỹ, mặc dù nhu cầu cắt giảm chi phí môi giới cũng là có thật. Trong khi đó, hiệu quả của tư vấn đầu tư bằng chương trình máy tính (robo-adviser) chưa rõ ràng ở Việt Nam. Cho nên, tính trên hiệu quả và chi phí, nhân lực môi giới chứng khoán ở Việt Nam vẫn có thể cạnh tranh tốt với robot, ít nhất là trong một thời gian nữa.

Thứ hai, ngay cả với mảng tư vấn tài chính bằng robot đang tăng trưởng ở Anh, khách hàng vẫn đang rất miễn cưỡng tiếp nhận hình thức tư vấn bằng robot và mặt trái của nó đang bộc lộ.

Bất chấp những con số tăng trưởng phần trăm hai ba con số ấn tượng, con số tuyệt đối vài triệu hay vài chục triệu bảng của các ứng dụng tư vấn tài chính bằng robot là rất nhỏ so với quy mô thị trường quản lý tài sản ở Anh.

Trong khi đó, cơ quan quản lý sản phẩm tài chính FCA (Financial Conduct Authority) gần đây cho biết họ “rất thất vọng” với các công ty triển khai tư vấn tài chính bằng robot vì các công ty này không tư vấn đầy đủ cho khách hàng về rủi ro, không công bố rõ ràng về cách tính phí và nhiều chương trình robot không hiểu rõ khách hàng.

Quan trọng hơn, quan hệ và sự thấu hiểu đôi khi còn chiếm vai trò chính hơn là những lời tư vấn tốt (giả sử là máy tính tư vấn tốt hơn môi giới).

Một bài bình luận trên trang blog của CFA cho rằng, nhiều khi khách hàng tìm đến nhà tư vấn chủ yếu là tìm kiếm sự cảm thông, chia sẻ và đôi khi là tin tưởng. Trong cái thời mà người ta tưởng là robot “cướp việc” của người làm chứng khoán đến nơi, thật ra người ta vẫn thích nói chuyện với con người bằng xương bằng thịt để ra quyết định đầu tư tiền của mình.

Vì vậy, mặc dù giới lãnh đạo các công ty tư vấn và quản lý tài chính ở Anh tin rằng tương lai của ngành này là do dữ liệu và thuật toán dẫn dắt, chứ không phải là quan hệ, thì tương lai này chắc chắn không phải tương lai gần ở Việt Nam.

Đó là về dùng robot để tư vấn đầu tư. Còn giao dịch thông qua thuật toán và lập chiến lược đầu tư dựa trên thuật toán thì tôi thấy sôi động hơn. Ở nước ngoài, nó đã diễn ra từ lâu và đã chiếm một thị phần lớn trên các sàn giao dịch.

Ở Việt Nam, không có con số thống kê chính thức, nhưng tôi biết đã có những nhóm triển khai đầu tư dựa trên hỗ trợ của thuật toán ở Việt Nam từ mấy năm nay. Nhưng hiệu quả đến đâu và có đạt đến thuật toán tự động hoàn toàn hay không vẫn là câu hỏi. Tuy nhiên, tôi nghe được rằng triển khai đầu tư và giao dịch bằng thuật toán tự động hoàn toàn ở Việt Nam có những khó khăn nhất định, đặc biệt là do “đặc tính T+” của Việt Nam.

Tóm lại, mặc dù người ta đang nói nhiều đến cách mạng 4.0, tự động hóa, robot và nhiều thứ ở Việt Nam, hạ tầng kỹ thuật và văn hóa dường như vẫn chưa hoàn toàn sẵn sàng. Và điều đó có khi cũng không phải là xấu.

Nền tảng quan trọng của những sản phẩm tài chính thông minh này là dữ liệu và thuật toán. Chẳng hạn muốn robot thông minh để tư vấn tốt thì phải thu thập rất nhiều dữ liệu cá nhân của khách hàng để đưa vào mô hình máy tính chạy phân tích, mà dữ liệu này sẽ lưu trữ ở đâu đó chứ.

Ở cái thời mà cứ vài ngày thì có tin một công ty lớn bị hacker xâm nhập đánh cắp dữ liệu khách hàng thì phát triển những loại sản phẩm này một cách vội vã, trong khi nền tảng hạ tầng và an ninh mạng không theo kịp thì là mạo hiểm quá lớn.

Mặt khác, sự thiếu minh bạch, không rõ ràng của các sản phẩm thông minh cùng sự hiểu biết hạn chế của công chúng về các sản phẩm đó, như trong trường hợp của Anh chỉ ra, đặt nền tảng cho nhiều hành vi “lừa đảo thông minh”.

Những bài học về những vụ lừa đảo qua đồng tiền mật mã chỉ vừa diễn ra vài tháng gần đây là một sự cảnh báo rõ ràng. Khi người ta mang cái mác “thông minh”, “máy học” hay robot đi lừa đảo, những người được xem là có hiểu biết có khi cũng sập bẫy.

Đi cùng với những sản phẩm thông minh có lợi luôn sẽ là những chiêu lừa đảo thông minh mới. Vì vậy, đi tắt đón đầu chưa hẳn đã hay. Đi đứng đàng hoàng, vững chãi trên đôi chân của mình mới tốt.

TS. Hồ Quốc Tuấn, Giảng viên Đại học Bristol, Anh
Đặc san Toàn cảnh doanh nghiệp niêm yết 2018

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục

VNIndex 1,174.85 -18.16 -1.55% 237,024 tỷ
HNX 220.8 -5.4 -2.45% 2,598 tỷ
UPCOM 87.16 -0.99 -1.14% 740 tỷ