Đường dài chống giặc nội xâm

0:00 / 0:00
0:00
Năm 2020 đi qua với cuộc chiến chống loại "giặc" Covid-19. Nhưng, chống "giặc" Covid-19 có lúc có thể tạm lắng, còn chống giặc nội xâm thì không được phép trùng xuống, không được ngừng, được nghỉ.
Một cuộc họp của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng Một cuộc họp của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng

“Không phải nhiệm kỳ này mới giỏi, mới hay”

Trung tuần tháng 12/2020, Hội nghị toàn quốc có quy mô lớn nhất về công tác phòng, chống tham nhũng kể từ khi thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng do Tổng Bí thư đứng đầu (năm 2013) đến nay đã diễn ra tại Hà Nội.

Trong 75 phút phát biểu kết luận sự kiện quan trọng này, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng khẳng định: chưa bao giờ công tác phòng, chống tham nhũng lại được chỉ đạo mạnh mẽ, đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả như thời gian vừa qua; để lại dấu ấn nổi bật, tạo sự đồng thuận cao trong xã hội và củng cố, tăng cường niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với Đảng, Nhà nước.

Nhấn mạnh những nguyên nhân cơ bản dẫn đến kết quả đó, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nêu rõ: “Trước hết là sự kế thừa, tiếp nối quá trình đấu tranh kiên trì, liên tục, bền bỉ qua nhiều nhiệm kỳ, nhất là trong nhiệm kỳ Đại hội XII, với quyết tâm chính trị rất cao của Đảng và Nhà nước trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng".

Tới đây, ông dừng lại vài giây và nói thêm trước khi nêu tiếp nguyên nhân thứ hai: "Cũng phải nói là các nhiệm kỳ trước đây không phải chúng ta không chống, không phải chỉ có nhiệm kỳ này chúng ta mới giỏi, mới hay. Nói như thế là không được. Phòng, chống tham nhũng là cả một quá trình, vừa làm, vừa rút kinh nghiệm, nhiều khóa trước cũng đã làm rồi, có việc làm được, có việc chưa làm được, cái gì cũng có hoàn cảnh lịch sử cụ thể của nó. Sự phát triển là một quá trình từ thấp đến cao, từ ít đến nhiều, từ xấu đến tốt, phải có quan điểm biện chứng, nhìn nhận cho đúng, trong quá trình làm có việc được, việc chưa được, là cả một quá trình phát triển liên tục. Tôi đề nghị các đồng chí nghĩ như thế cho nó biện chứng, khoa học, công tâm, công bằng, với tinh thần xây dựng".

Qua 8 năm thành lập Ban Chỉ đạo do Tổng Bí thư đứng đầu, Dự thảo văn kiện Đại hội XIII đánh giá, tham nhũng từng bước được kiềm chế và ngăn chặn.

Kết quả phòng, chống tham nhũng nhiệm kỳ này đã để lại dấu ấn mạnh mẽ, cho thấy Đảng và Chính phủ đã thể hiện rõ quyết tâm không thỏa hiệp với giặc nội xâm, đó là nhận định chung của rất nhiều người, từ các bậc cao niên đến những người đương chức.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Tây Ninh, ông Nguyễn Đình Xuân quả quyết kết quả chống tham nhũng của nhiệm kỳ này bằng nhiều nhiệm kỳ trước cộng lại, thể hiện qua số vụ án tham nhũng lớn được phát hiện nhiều hơn với số tiền lớn hơn, nhất là những người có chức vụ cao cũng bị xử lý nhiều hơn.

Điều này, theo ông Xuân, không làm chùn bước những người dám nghĩ, dám làm, dám đổi mới. Tuy nhiên, với hệ thống pháp luật còn nhiều điểm chưa kín kẽ như hiện nay, ông Xuân cho rằng, tâm lý chọn giải pháp "an toàn" khi xử lý công việc của một bộ phận cán bộ, công chức là không tránh khỏi. “Điều này đôi khi sẽ đẩy khó khăn về phía người dân và doanh nghiệp”, ông Xuân nhận định.

"Lò" cần phải nóng hơn

Giữa năm 2017, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng tại Phiên họp thứ 12 của Ban đã nói: “Lò đã nóng lên rồi, thì củi tươi vào đây cũng phải cháy”. Hình ảnh này, sau đó được cử tri thường xuyên nhắc đến trong các cuộc tiếp xúc với đại biểu Quốc hội Nguyễn Phú Trọng.

Tại cuộc tiếp xúc trước kỳ họp gần nhất của Quốc hội khoá XIV - Kỳ họp thứ 10 - ông Phạm Trọng Biểu (phường Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) bày tỏ: "Cuộc đấu tranh chống tham nhũng vừa qua đem lại kết quả chưa bao giờ có. Cử tri mong Tổng Bí thư, Chủ tịch nước tiếp tục chỉ đạo phòng, chống tham nhũng đạt hiệu quả hơn nữa".

Còn cử tri Đỗ Bá Quát (phường Quán Thánh, quận Ba Đình, Hà Nội) cho rằng, cần phải xác định cho được ở đâu, địa phương nào, địa bàn nào dễ có giặc tham nhũng, ngành nào dễ xuất hiện giặc nội xâm này để tập trung phòng, chống. Đồng tình với đối sách phòng ngừa là chính, song vị cử tri này cũng cho rằng, tấn công để giúp cho phòng ngừa. Và "tấn công thì lò cần phải nóng hơn nữa để sắt thép hạng sang đưa vào lò cũng phải cháy, chứ không phải chỉ có củi tươi".

Tâm đắc ý kiến của Tổng Bí thư là phải nhốt quyền lực vào khuôn khổ, đặt công tác phòng chống tham nhũng vào bối cảnh khi thực hiện mô hình chính quyền đô thị ở Hà Nội thì cấp phường sẽ không còn hội đồng nhân dân nữa, ông Lê Khắc Xô (phường Phúc Xá, quận Ba Đình, Hà Nội) cho rằng, cần phải nâng cao vai trò giám sát ở những địa phương này để không có khoảng trống quyền lực.

Làm gì để tăng cường đấu tranh phòng, chống tham nhũng ở địa phương cũng là vấn đề được nguyên Phó chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, bà Bùi Thị Thanh đặt ra. Theo bà Thanh, cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng quyết liệt, nhưng chưa đồng đều, ở địa phương người dân biết hết, nhưng không dám đấu tranh, không dám nói, tâm lý "đấu tranh thì tránh đâu" vẫn còn.

Khắc phục chính sách một chiều

Kết quả phòng chống tham nhũng chắc chắn không thể phủ nhận. Song, người đứng đầu Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng hẳn có lý do xác đáng để nhắc nhở toàn thể đội ngũ cán bộ "rường cột" của nước nhà rằng, "không phải chỉ có nhiệm kỳ này, chúng ta mới giỏi, mới hay". Vì "tham nhũng trên nhiều lĩnh vực còn nghiêm trọng, phức tạp, với biểu hiện ngày càng tinh vi, gây bức xúc trong xã hội. Tham nhũng vẫn là một trong những nguy cơ đe dọa sự tồn vong của Đảng và chế độ ta".

Cuối tháng 1/2021, Đại hội XIII của Đảng sẽ được tổ chức. Một trong những nội dung tại phương hướng, nhiệm vụ giải pháp của công tác xây dựng Đảng nhiệm kỳ mới được nêu Dự thảo Văn kiện Đại hội là kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí.

Dự thảo Văn kiện Đại hội xác định: coi phòng, chống tham nhũng, lãng phí là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đây cũng là những vấn đề đã nhiều lần được người lãnh đạo cao nhất của Đảng nhấn mạnh. Gần đây nhất, tại Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác phòng, chống tham nhũng giai đoạn 2013 - 2020, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đã lưu ý 5 vấn đề về phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp trong thời gian tới. Trong đó có nhiệm vụ tiếp tục xây dựng, hoàn thiện đồng bộ thể chế về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, quản lý kinh tế - xã hội và phòng, chống tham nhũng; kịp thời khắc phục những bất cập, bịt kín những "khoảng trống", "kẽ hở" để "không thể tham nhũng".

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, Phó chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, đại biểu Nguyễn Trường Giang bày tỏ sự quan tâm đặc biệt đến giải pháp này.

"Chúng ta vẫn hay nghe nói về lợi dụng kẽ hở pháp luật để tham nhũng. Trách nhiệm của cơ quan nhà nước là phải bịt kẽ hở, chứ không phải đi chê trách người ta lợi dụng kẽ hở. Công dân thì có quyền làm tất cả những gì pháp luật không cấm. Vấn đề là làm sao cơ quan nhà nước phải bịt hết các kẽ hở để những người có ý định cũng không thể lợi dụng", ông Giang phân tích.

Đồng tình với quan điểm này, PGS-TS Trần Văn Độ, nguyên Phó chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao nhận định, thể chế để phòng chống tham nhũng hiện nay chưa tội phạm hóa hết được các hành vi tham nhũng, chẳng hạn như tội làm giàu bất hợp pháp, nhận quà biếu có giá trị lớn... Tội tham ô, nhận hối lộ thực chất là không xét xử được bao nhiêu, mà chủ yếu là tội có ý làm trái, vi phạm quy định về đấu thầu... toàn là tội phạm trong lĩnh vực kinh tế, chứ không phải tham nhũng, chuyên gia pháp luật Trần Văn Độ nhấn mạnh.

Trong hoàn thiện thể chế, theo ông Độ, làm thế nào để tham nhũng không xảy ra mới quan trọng, nhưng thời gian qua, chống tham nhũng đạt kết quả tích cực, còn phòng tham nhũng thì chưa đạt. Nguyên Phó chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao phân tích: một chính sách mới được ban hành bao giờ cũng phải quan tâm cả mặt tích cực và phải tính đến mặt hạn chế có thể phát sinh tham nhũng để phòng ngừa. Nhưng thời gian qua, việc ban hành chính sách hầu như ít quan tâm đến mặt trái, dễ phát sinh tội phạm của chính sách. Ví dụ, chính sách cổ phần hóa, bên cạnh mặt tích cực, thì rõ ràng có mặt trái là dẫn đến một số người lợi dụng làm giàu cho bản thân, thu lợi đến hàng trăm tỷ đồng. Ở đây, họ không làm trái pháp luật, mà họ lợi dụng kẽ hở của chính sách một chiều, nên nhiệm vụ của người chính sách là phải bịt kẽ hở.

Theo Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cáo Lê Minh Trí, quyết tâm chống tham nhũng, nhưng phải đảm bảo coi trọng yêu cầu bảo vệ quyền con người của Luật Tố tụng hình sự và các luật liên quan khác.

Ông Trí cho biết, áp lực rất lớn và lo sợ của các cơ quan tố tụng hiện nay là vấn đề làm oan sai và bỏ lọt tội phạm. "Không tiến lên sẽ dẫn đến bỏ lọt tội phạm, nhưng tiến lên không cẩn trọng có thể sẽ làm oan sai, cả 2 trường hợp này đều có khả năng bị xử lý nghiêm theo Quy định 102-QĐ/TW của Bộ Chính trị về xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm, Luật Trách nhiệm bồi thường Nhà nước và kể cả có thể bị xử lý hình sự bởi 38 tội danh xâm phạm hoạt động tư pháp và tham nhũng trong lĩnh vực tư pháp", ông Trí tâm tư.

An Nguyên
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục