“Người ngoài muốn vào”
Mark Thomas là một giám đốc điều hành tại một công ty đa quốc gia có cơ sở kinh doanh tại Việt Nam. Mỗi năm Mark Thomas tới Việt Nam khoảng 3, 4 lần và mỗi lần ở lại đây từ vài ngày cho tới vài tuần. Do nhu cầu đi lại khá thường xuyên nên Mark Thomas muốn đứng tên mua một căn nhà tại TPHCM. Tuy nhiên các quy định hiện tại không cho phép việc mua bán nhà đất của những người nước ngoài như Mark Thomas.
Mark Thomas chỉ là một trong số hàng ngàn người nước ngoài sẵn sàng đổ tiền vào bất động sản Việt Nam. Theo công ty tư vấn tiếp thị bất động sản quốc tế như Colliers Việt Nam, CBRE... ngay cả những lúc khó khăn nhất của thị trường khi “người trong muốn ra” thì các đơn vị tư vấn vẫn liên tục tiếp nhận nhu cầu “người ngoài muốn vào” của khách nước ngoài.
Ở chiều ngược lại, thị trường bất động sản Việt Nam cũng đang rất trông đợi vào “luồng gió mới” từ nguồn cầu tiềm năng và sẵn sàng “chi đẹp” ở phân khúc cao cấp của các cá nhân, tổ chức nước ngoài.
Còn từ góc độ quản lý vĩ mô, dòng tiền từ người nước ngoài chính là nguồn lực tài chính quý giá, không cần dùng đến gói cứu trợ của nhà nước, mà vẫn không bóp méo thị trường.
Cầu có - cung sẵn sàng - đúng thời điểm, tất cả chỉ còn chờ dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) với chủ trương nới quy định trong sở hữu nhà đối với Việt kiều và người nước ngoài được thông qua.
Chưa mở đã siết
Tuy nhiên, trung tuần vừa qua, dự thảo đã được sửa đổi, bổ sung. Trong đó, quy định mang tính đột phá và đem lại hy vọng nhất cho thị trường: “Cá nhân nước ngoài được phép nhập cảnh vào Việt Nam là được quyền sở hữu nhà ở tại Việt Nam” đã không còn ở dự thảo.
Ngay lập tức, Hiệp hội bất động sản TP.HCM (HoREA) lên tiếng phản đối. Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoRea cho rằng việc "siết" các điều kiện cho người nước ngoài mua nhà đã làm hạn chế, thậm chí làm mất tác dụng của chủ trương mở rộng điều kiện cho cá nhân nước ngoài được mua và sở hữu nhà tại Việt Nam.
Bởi số người “đang học tập, làm việc, sinh sống tại Việt Nam” chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ trong số hàng ngàn người nước ngoài muốn sở hữu nhà ở tại Việt Nam. Hơn nữa, quy định này cũng không “tiến bộ” bao nhiêu so quy định cá nhân nước ngoài phải có visa nhập cảnh vào Việt Nam 6 tháng, 12 tháng trước đây.
Đồng quan điểm, ông Vũ Cương Quyết, Tổng giám đốc Đất Xanh Miền Bắc phân tích, việc nới lỏng điều kiện mua nhà cho người nước ngoài được lợi rất nhiều, bởi người nước ngoài chủ yếu tập trung phân khúc cao cấp, có khi lên đến 5.000 - 8.000 USD/m2.
Theo thống kê của Bộ Xây dựng, tính đến cuối tháng 8/2014, tỷ lệ tồn kho cả nước vẫn ở mức cao, còn khoảng trên 82.000 tỷ đồng. Trong đó, tồn kho nhà thấp tầng (Biệt thự, liền kề) tồn gần 14.000 căn, tương đương hơn 23.000 tỷ đồng, nếu “thoát hàng” sẽ kích cầu nhiều lĩnh vực khác của nền kinh tế.
Nhưng với quy định này, dự thảo luật tiếp tục gạt ra khỏi thị trường đang khát vốn một số lượng lớn khách hàng. Trước mắt sẽ mất một nguồn thu khá tốt còn về lâu dài sẽ làm mất đi cơ hội thúc đẩy thị trường bất động sản Việt Nam phát triển vượt hẳn lên.
Kinh nghiệm từ các nước như Mỹ, Hàn Quốc, Singapore, Thái Lan, Malaysia.... cho thấy, việc nới rộng điều kiện sở hữu nhà ở sẽ có hiệu ứng tích cực trong việc tháo gỡ khó khăn cho thị trường cũng như các doanh nghiệp bất động sản.
Thực tế, dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) cũng đã đi sát với thời cuộc, chỉ còn điểm mấu chốt về điều kiện được mua nhà. Nếu được “mở” như ban đầu thay vì “siết” lại, thì toàn bộ chế định về quyền sở hữu nhà ở của tổ chức, cá nhân người nước ngoài trong dự thảo Luật sẽ thật sự thông thoáng và phù hợp với thông lệ quốc tế. Và đây cũng là nhu cầu tự thân của nền kinh tế, đặc biệt từ thị trường bất động sản.