Theo đó, nhiều cá nhân sẽ dễ dàng tiếp cận nguồn vốn vay hơn, còn các tổ chức tín dụng cũng “dễ thở” hơn và lãi suất cũng cạnh tranh hơn.
Các ngân hàng được phép thỏa thuận lãi suất cho vay với khách hàng, quy định mới này sẽ tác động thế nào đến mặt bằng lãi suất, theo ông?
Thuật ngữ “thoả thuận lãi suất” đã thể hiện yếu tố thị trường của loại hình kinh doanh đặc biệt này. Theo đó, người vay có nhu cầu và chấp nhận mức lãi suất mà các tổ chức tín dụng đưa ra thì mới thực hiện và quyết định việc vay vốn. Ngược lại, các tổ chức tín dụng cân đối khả năng cấp vốn, mức độ rủi ro, lợi nhuận mong muốn... của mình mới thực hiện việc hỗ trợ vốn vay, mức lãi suất phù hợp.
Tính cạnh tranh trên thị trường ngân hàng rất cao, các tổ chức tín dụng phải đưa ra mức lãi suất phù hợp nếu không muốn mất đi khách hàng. Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước đã có những quy định nêu rõ nội dung thỏa thuận về lãi suất cho vay, bao gồm mức lãi suất cho vay và phương pháp tính lãi đối với khoản vay. Vì vậy, tôi cho rằng, quy định mới sẽ làm cho lãi suất cạnh tranh hơn.
Ông Huỳnh Trung Minh
Nhu cầu vốn theo đó cũng sẽ được cải thiện, thưa ông?
Với việc cho phép ngân hàng và khách hàng được thỏa thuận lãi suất, Thông tư 39/2017/TT-NHNN giúp tháo gỡ nút thắt cung - cầu vốn giữa tổ chức tín dụng và người có nhu cầu vay vốn. Nhờ đó, nhiều cá nhân có thể dễ dàng tiếp cận nguồn vốn vay hơn, các tổ chức tín dụng cũng “dễ thở” hơn trong hoạt động cho vay. Điều này sẽ tác động tích cực đến hoạt động cho vay của các tổ chức tín dụng.
Mặt khác, bối cảnh hoạt động của ngành ngân hàng trong năm nay cũng có những thuận lợi. Tỷ giá USD/VND dự báo sẽ biến động trong mức chấp nhận được, lạm phát vẫn trong tầm kiểm soát, thị trường bất động sản ấm lên, đặc biệt hoạt động của các tổ chức tín dụng ngày càng minh bạch dưới sự kiểm soát của Ngân hàng Nhà nước, yếu tố thị trường ngày càng được đề cao… Những yếu tố này có tác động tích cực đến sức cầu vốn trong nền kinh tế.
Nhưng hiện thị trường vẫn có những cách hiểu khác nhau về việc cho vay hộ kinh doanh theo quy định mới?
Khi Thông tư 39/2017/TT-NHNN được ban hành, có một số ý kiến lo lắng là hộ kinh doanh không còn được cấp vốn bởi các ngân hàng thương mại. Nhưng thực tế không phải như vậy, các cá nhân tham gia kinh doanh theo hình thức hộ kinh doanh hay tự doanh vẫn có thể vay vốn từ ngân hàng.
Đơn cử, một chủ cửa hàng đứng tên là hộ kinh doanh trước kia khi đi vay đều được các ngân hàng duyệt cho vay theo hình thức cá nhân và bây giờ vẫn áp dụng như vậy.
Tôi nghĩ mục đích ban hành Thông tư 39 của Ngân hàng Nhà nước là nhằm phân biệt rõ hơn hoạt động cho vay của các ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng đến các pháp nhân và cá nhân, từ đó, tạo điều kiện minh bạch hoá hoạt động cho vay giữa các đối tượng này và đề cao yếu tố thị trường. Khi đã hiểu rõ được Thông tư 39, việc áp dụng vào hoạt động cho vay của các ngân hàng thương mại cũng không ảnh hưởng gì.
Vấn đề là làm sao để bên cấp tín dụng và các đối tượng khách hàng có nhu cầu vay vốn là hộ kinh doanh hiểu rằng, hộ kinh doanh không phải là pháp nhân, do đó, nếu hiểu một cách máy móc và xem các hộ kinh doanh này như doanh nghiệp tư nhân để dừng việc cho vay là không đúng.
Việc tiểu thương tiếp tục được vay ngân hàng với tư cách cá nhân là điều bình thường, lãi suất sẽ do thoả thuận giữa các tổ chức tín dụng với người cần vay. Nếu tổ chức tín dụng có các chương trình ưu đãi lãi suất nhằm thu hút khách hàng, gia tăng tính cạnh tranh, các chương trình ưu đãi này vẫn được áp dụng cho tiểu thương.